Xét về mức độ, biện pháp quản lý này nghiêm khắc hơn hình thức xử phạt bằng tiền.
Trừ điểm bằng lái xe sẽ tạo cho tài xế có ý thức chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh hơn, bởi họ "sợ" hơn nhiều sau mỗi lần bị trừ hết điểm dẫn đến phải học lại, thi sát hạch lại.
Ảnh minh họa.
Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có quy định cụ thể, chi tiết về việc mỗi điểm trên bằng lái xe tương ứng với các lỗi vi phạm như thế nào.
Cần quy định rõ lỗi nào sẽ bị trừ điểm, lỗi nào không bị trừ điểm hoặc nhiều lỗi cộng gộp lại mới bị trừ một điểm.
Ví dụ, tài xế lái xe vượt đèn đỏ bị trừ 1 điểm nhưng nếu lấn làn, chèn vạch trái quy định thì bao nhiêu lần vi phạm sẽ bị trừ 1 điểm? Hoặc tài xế vi phạm nồng độ cồn, thì nồng độ ở mức 1 bị trừ bao nhiêu điểm, mức 2 trừ bao nhiêu điểm?
Việc trừ mỗi điểm trên bằng lái xe cần được xây dựng theo quy chuẩn của pháp luật về an toàn giao thông. Khi đó, cơ quan quản lý mới đánh giá được lỗi đó sẽ bị trừ bao nhiêu điểm.
Và điều quan trọng nhất, đó là làm thế nào để biết ai là người lái xe khi chúng ta đang tiến tới áp dụng triệt để, đồng bộ công nghệ trong vấn đề giám sát giao thông?
Một khi đã áp dụng đồng bộ giám sát giao thông, đồng nghĩa với việc sẽ dựa trên thiết bị, phương tiện kỹ thuật để xử lý phương tiện vi phạm. Trường hợp không biết người nào đang điều khiển phương tiện, dễ dẫn đến tình trạng trốn tránh trách nhiệm bằng cách nhờ người khác "đánh tráo" giấy phép lái xe.
Do đó, cơ quan chức năng cần thiết nghiên cứu kỹ trước các tình huống khi đề xuất trừ điểm bằng lái được đưa vào hệ thống luật và áp dụng trên thực tiễn.
Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe là một trong những giải pháp rất hay mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, để luật hóa quy định này ở Việt Nam, các cơ quan quản lý cần lấy thêm ý kiến rộng rãi để đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân.
Tôi cho rằng, đề xuất hình thức trừ điểm giấy phép lái xe đối với người vi phạm quy định về tham gia giao thông sẽ không khó triển khai ở Việt Nam. Bởi lẽ, hiện nay Bộ Công an và các bộ, ngành đã có sự liên thông về dữ liệu quốc gia về dân cư. Chúng ta quản lý người lái xe trên môi trường điện tử thông qua số định danh điện tử và căn cước gắn chip, đó là một lợi thế.
Mỗi người dân đều có căn cước gắn chip và tài khoản định danh điện tử. Nhờ đó, việc tích hợp số điểm trên giấy phép lái xe để liên thông dữ liệu với các bộ, ngành hoàn toàn có thể được thực hiện suôn sẻ. Đồng thời, tài xế cũng dễ dàng tra cứu được số điểm của mình, tránh sự cố tình tái vi phạm luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận