TNGT đường thủy nghiêm trọng xảy ra nhiều ở khu vực ĐBSCL |
Ngày 15/12, tại tỉnh Tiền Giang, Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Học viện Cảnh sát Nhân dân (Bộ Công an) và Công an tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa khu vực Đông - Tây Nam bộ”. Dự hội thảo còn có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông, Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông, các doanh nghiệp vận tải đường thủy ở các tỉnh, thành thuộc vùng Đông- Tây Nam bộ.
Khu vực miền Đông và Tây Nam bộ có hệ thống sông rạch rất phong phú (28.800 km), góp phần quan trọng trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề ATGT thông đường thủy ở khu vực này chưa ổn định, TNGT còn diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi năm, miền Đông và Tây Nam bộ có đến gần 87 vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng, làm chết người. Riêng vùng ĐBSCL chiếm đến 60% vụ TNGT thông đường thủy so với cả nước, nhiều nhất là các tuyến kênh Chợ Gạo (Tiền Giang), Chợ Lách (Bến Tre), kênh Nước Mặn (Long An)…
Trong 5 năm qua, các ngành chức năng đã phát hiện trên 1 triệu trường hợp vi phạm về ATGT, xử phạt hàng trăm tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống sông rạch ở khu vực này chưa đáp ứng so với nhu cầu phát triển của giao thông thủy, công tác quản lý nhà nước còn bất cập, tình trạng phương tiện vi phạm ATGT, chở quá tải còn phổ biến, tình hình sạt lở ven sông, rạch xảy ra đáng báo động.
Nhiều đại biểu đã nêu ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh, lập lại trật tự trên lĩnh vực đường thủy khu vực miền Đông- Tây Nam bộ. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân, đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông thủy, đào tạo chuyên môn cho người điều khiển phương tiện, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy, tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người đi đò mặc áo phao", "Văn hóa giao thông gắn với bình yên sông nước".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận