Quân sự

Trung Quốc bắn Đông Phong để răn đe đồng minh, đối tác của Mỹ ở Biển Đông

29/08/2020, 20:45

Theo nhận định của tờ Bloomberg, đây là lần đầu tiên có quốc gia thách thức ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á kể từ sau Thế chiến II.

img
Quân đội Trung Quốc.

Đe dọa Mỹ, cảnh báo các đồng minh, đối tác của Washington

Bloomberg cho rằng, các cuộc thử nghiệm bắn tên lửa đạn đạo của Trung Quốc là hành động đòi Mỹ hãy đưa các hàng không mẫu hạm ra xa khỏi Biển Đông, đe dọa căn cứ Mỹ và "lên gân", cảnh báo các đồng minh, đối tác của Washington ở khu vực.

Tờ báo của Mỹ cho biết, vụ phóng tên lửa mới nhất của Trung Quốc vào vùng nước nhạy cảm, đang tranh chấp nóng bỏng nhất thế giới được coi là lời cảnh báo cho hai tài sản chủ chốt của Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực là các tàu sân bay hạt nhân và các căn cứ quân sự của Washington trong khu vực.

Các tên lửa được phóng vào Biển Đông hôm thứ Tư tuần này bao gồm Đông Phong 21D và Đông Phong 26B, South China Morning Post trước đó đã đưa tin, dẫn lời một nguồn tin thân cận với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Theo Bloomberg, những vũ khí này là trọng tâm trong chiến lược quân sự của Trung Quốc nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động quân sự nào ngoài bờ biển phía Đông của nước này. Thông qua hoạt động thao dượt bắn đạn thật, Bắc Kinh đã đe dọa tiêu diệt các nguồn lực quân sự chính của Hoa Kỳ và phô diễn sức mạnh trong khu vực.

img
Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Mỹ.

"Trung Quốc đang báo hiệu cho Mỹ, các đồng minh và đối tác của họ rằng Trung Quốc có câu trả lời cho các nhóm tấn công tàu sân bay của Washington, một câu trả lời luôn có sẵn và không phụ thuộc vào lịch trình triển khai", ông Carl Schuster, một giảng viên chuyên ngành khoa học quân sự - ngoại giao của Đại học Hawaii Pacific, đồng thời là cựu Giám đốc Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – Hải quân Mỹ, cho biết.

“Trên thực tế, Trung Quốc đang phát đi tuyên bố là nếu Hoa Kỳ điều động hai tàu sân bay ở Biển Đông, chúng tôi sẽ bắn tên lửa diệt tàu sân bay ở đó” – ông Carl Schuster nhận định.

Các cuộc phô diễn cơ bắp cũng là cảnh báo cho thấy Hoa Kỳ sẽ phải trả giá lớn cho bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào, với một lời nhắc nhở nổi bật về việc Trung Quốc đang gia tăng kho vũ khí tên lửa đạn đạo tầm trung.

Lần đầu tiên có thế lực thách thức Mỹ ở khu vực

img
Sát thủ tàu sân bay - tên lửa Đông Phong 26 của quân đội Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên có quốc gia thách thức ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á kể từ sau Thế chiến II.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã triển khai Lực lượng Tên lửa mới của PLA như một phần của cuộc diễu binh vào tháng 10, thể hiện khả năng mà các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney cảnh báo có thể “quét sạch các căn cứ của Hoa Kỳ ở khu vực ngay vào những giờ đầu tiên của một cuộc xung đột."

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói với Bloomberg rằng Trung Quốc đã bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung trong một loạt cuộc tập trận trong tuần này (trước đó tin truyền thông nước ngoài chỉ đề cập 2).

Quan chức này cho biết các tên lửa này đã rơi xuống biển giữa đảo Hải Nam phía nam của Trung Quốc và Quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện do PLA đang chiếm đóng trái phép – PV), không xa nơi các tàu sân bay của Hoa Kỳ từng tiến hành tập trận trong những tuần gần đây.

img
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trước đó, các hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận trong những tuần gần đây để ủng hộ quyết định của chính quyền Trump nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại các phiên họp báo ở Bắc Kinh đã chuyển các câu hỏi của cánh báo chí về vụ thử tên lửa hôm thứ Năm tới Bộ Quốc phòng của nước này, nhưng PLA đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của báo chí.

Theo Bloomberg, các vụ bắn tên lửa đạn đạo của PLA dường như là lời đe dọa dành cho Mỹ, chứ không phải để các nhà báo phục vụ các khán giả trong nước, với phạm vi phủ sóng trên mạng internet bị kiểm duyệt gắt gao của đất nước.

img
Máy bay do thám U-2.

Đầu tuần này, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối một chuyến bay của máy bay do thám U-2 của Mỹ gần khu vực tập trận của PLA ở Biển Hoa Đông, có lẽ, chiếc U-2 này của Mỹ được điều đến để thu thập thông tin tình báo về khả năng triển khai và bắn tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh.

Lý Dị, một chuyên gia hải quân có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Mục đích của máy bay do thám Mỹ là để kiểm tra khả năng của quân đội Trung Quốc. “Bạn có thể nói rằng PLA đang gửi một cảnh báo đến Hoa Kỳ vì quân đội Mỹ đã gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông. "

Nguy cơ leo thang sẽ tiếp tục gia tăng

img
Tàu sân bay USS Nimitz.

Trong khi hai cường quốc vũ trang hạt nhân có nhiều động lực để tránh đụng độ, nguy cơ leo thang ngày càng gia tăng khi Mỹ và các đồng minh của mình trong chiến lược phải chống lại một Bắc Kinh quyết đoán hơn.

Quân đội Mỹ trong những tuần gần đây đã thực hiện một loạt cuộc tập trận quân sự quanh khu vực và thông qua việc bán máy bay chiến đấu mang tính bước ngoặt cho Đài Loan - trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc gia mà Tổng thống Donald Trump đã cố gắng tập trung, hướng dư luận vào các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Các cuộc tập trận gần đây của Hải quân ở Biển Đông cũng bao gồm các hoạt động chung của nhóm tấn công tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan vào tháng trước và các cuộc tập trận riêng biệt của tàu Reagan trong tháng này.

Những động thái đó diễn ra sau thông báo ngày 13 tháng 7 của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo trong đó ông nêu rõ rằng chính quyền Mỹ phản đối, bác bỏ hoàn toàn các tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết các tuyến đường vận chuyển quan trọng trên Biển Đông.

img
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.

Trong khi đó, PLA đã được lệnh phóng ít nhất một tên lửa Đông Phong-26 trong những tuần gần đây. Và, hành động này được mô tả trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc như một phản ứng đáp trả Hoa Kỳ.

Tờ báo này trước đó đã quảng cáo tên lửa “sát thủ tàu sân bay” của mình trên tài khoản Twitter - thu hút sự phản bác gay gắt từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, giới chức của Hải quân Mỹ lưu ý rằng các tàu chiến của họ dù sao vẫn “vẫn ở đó”.

Mỹ cũng thận trọng với khối tài sản trị giá hàng chục tỷ USD

Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa chứng minh được khả năng đánh chìm một tàu chiến đang di chuyển, nhưng chi phí để mất một tàu sân bay trị giá 10 tỷ USD, binh lính và khí tài trên tàu và tất cả uy tín quân sự của Mỹ mà họ đại diện, sẽ là vô cùng lớn.

Mối đe dọa đó đang khiến các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc cân nhắc những cách triển khai lực lượng ít dễ thấy hơn trong bối cảnh một nghiên cứu nội bộ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gần đây khuyến nghị quân đội nên giảm hạm đội tàu sân bay của nước này xuống còn 9 từ 11 hạm đội như trước.

img
Hải quân Trung Quốc - ảnh minh họa.

Kho vũ khí tên lửa của PLA là một trong nhiều yếu tố thúc đẩy thế trận an ninh đang thay đổi của Hoa Kỳ ở châu Á, khi Lầu Năm Góc điều động các máy bay ném bom B-1 có khả năng hạt nhân đến và đi từ đảo Guam, nơi chúng dễ bị tấn công hơn.

Lo ngại về mối đe dọa cũng góp phần vào quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung với Nga và tìm kiếm các cuộc đàm phán vũ khí ba bên với Trung Quốc.

Ngay cả trước khi tiến hành các cuộc tập trận trong tuần này, Trung Quốc đã âm thầm tăng cường các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo, trong một nỗ lực rõ ràng là nhằm đánh giá khả năng hoạt động của chúng.

img
Tên lửa Đông Phong 100 của PLA.

Báo Kyodo News đưa tin hồi tháng 2 cho biết, PLA đã bắn hơn 100 tên lửa đạn đạo vào năm ngoái, nhiều hơn gấp ba lần so với con số kỷ lục của Triều Tiên.

Trung Quốc sở hữu thứ mà cựu Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris gọi là “lực lượng tên lửa lớn nhất và đa dạng nhất trên thế giới”, với nhiều loại vũ khí khác nhau đang được phát triển.

DF-21D có thể bắn xa hơn 1.500 km (900 dặm), trong khi DF-26 có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn khoảng 4.000 km, đủ xa để vươn tới đảo Guam của Hoa Kỳ.

img
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong 41 của PLA.

Ankit Panda, thành viên cấp cao của Stanton thuộc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại trung tâm nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, cho biết “vẫn còn những“ câu hỏi thực sự về việc liệu những vũ khí hủy diệt tàu sân bay của Trung Quốc có thực sự hoạt động hay không.

Các thử nghiệm mới nhất có thể cung cấp cho Hoa Kỳ cơ hội để hiểu rõ hơn về hiệu suất của Bắc Kinh.

Ông Panda cho hay: “Lực lượng Tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có lịch trình thử nghiệm bận rộn và đây có thể là hoạt động huấn luyện. Nhưng chắc chắn đó sẽ là một lời nhắc nhở cho giới lãnh đạo ở Washington rằng quân đội Trung Quốc đang tiếp tục hiện đại hóa và có thể từ chối quyền tiếp cận với Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với các lực lượng hải quân Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.