Hồ sơ tài liệu

Trung Quốc đang làm suy kiệt hạ nguồn sông Mekong

08/08/2014, 09:56

Việc tích nước và vận hành các đập thuỷ điện phía thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy, sụt giảm lượng phù sa… gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp và nguồn lợi thuỷ sản đối với ĐBSCL.

Sông Mekong chảy từ phía đông cao nguyên Tây Tạng đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là con sông lớn thứ 10 trên thế giới với tổng diện tích lưu vực 795.000 km2, là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo, phong phú và dồi dào, là nơi sinh sống của hơn 20.000 loại thực vật và hơn 850 loài cá.

Khoảng 60 triệu người đang sinh sống ở khu vực hạ lưu con sông này, đa số bằng nghề trồng lúa, đi câu, đánh bắt cá. Những năm gần đây, một số nước thượng nguồn, trước hết là Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động khảo sát, thăm dò và xây dựng các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi trên dòng chính sông Mekong, tác động rất lớn tới khu vực hạ nguồn mà chịu hậu quả nặng nhất là Việt Nam.

“Hội chứng” thủy điện trên thượng nguồn

Không tham khảo ý kiến các nước láng giềng ở hạ nguồn hoặc chia sẻ thông tin về dòng chảy, Trung Quốc đã, đang và sẽ xây dựng trên dòng chính sông Mekong, đoạn chảy qua địa phận Trung Quốc (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) 14 nhà máy thủy điện, thực hiện trong 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, xây dựng 8 nhà máy, tổng công suất thiết kế 16.000 MW, dự kiến hoàn thành vào năm 2018; giai đoạn 2, xây dựng tiếp 6 nhà máy, thời gian bắt đầu thực hiện từ năm 2019. Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạch đào một con kênh dẫn, đưa nước từ sông Lan Thương sang sông Dương Tử nhằm bổ sung nguồn nước cho khu vực phía Bắc Trung Quốc.

img

Đến nay, đã có 5 nhà máy thủy điện được hoàn thành: Mạn Loan (công suất 1.500MW, dung tích hồ chứa 258 tỷ m3, đưa vào khai thác năm 1996); Đại Triều Sơn (công suất 1.350MW, dung tích hồ chứa 240 tỷ m3, đưa vào khai thác năm 2003); Cảnh Hồng (công suất 1.500MW, dung tích hồ chứa 230 tỷ m3, đưa vào khai thác năm 2009); Tiểu Loan (công suất 4.200 MW, dung tích hồ chứa 14.560 tỉ m3, đưa vào sử dụng năm 2012); Cống Quả Kiều (công suất 750MW, dung tích hồ chứa 120 tỷ m3, đưa vào khai thác năm 2011).

Ba nhà máy thủy điện khác đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật và triển khai xây dựng là: Nọa Trát Độ (công suất 5.500 MW, dung tích hồ chứa 12.400 tỉ m3, dự kiến hoàn thành năm 2017); Cảm Lâm (công suất 150 MW; dung tích hồ chứa 230 tỷ m3, dự kiến hoàn thành năm 2018); Mãnh Tống (công suất 600MW, dung tích hồ chứa 230 tỷ m3, dự kiến hoàn thành vào năm 2018).

Hạ nguồn đang chết dần

Trong khi việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính Mê Kông của Trung Quốc gây sự lo ngại sâu sắc cho các quốc gia hạ nguồn thì Trung Quốc luôn trấn an rằng “các đập thủy điện này là những hồ chứa điều tiết nước, tích nước mùa lũ và xả nước mùa khô, điều tiết lượng nước cho hạ nguồn”. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng, tác động trên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là chế độ vận hành của các hồ chứa, đặc biệt là với các hồ lớn, mà điều này hoàn toàn lệ thuộc vào ý chí chủ quan của nước sở hữu đập.

Thực tế, việc tích nước và vận hành các đập thuỷ điện phía thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy, sụt giảm lượng phù sa… gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp và nguồn lợi thuỷ sản đối với ĐBSCL. Theo các chuyên gia Uỷ hội sông Mekong (MRC), “hiện lưu lượng dòng chảy của sông đã giảm 1/3 so với những thập kỷ trước. Tại ĐBSCL, do nguồn phù sa giảm sút, buộc người trồng lúa phải tăng nhiều chi phí cho phân bón, theo đó, giá lúa bị đẩy tăng lên. Ước tính việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong đã làm mất đi nguồn lợi thủy sản khoảng 700.000 - 1.600.000 tấn/năm”.

img

Chủ tịch Hiệp hội cá da trơn Thái Lan khẳng định: “Mực nước vùng hạ nguồn Mekong đã xuống thấp nhất trong vòng 20 năm qua, gây tác động mạnh đến đời sống người dân vùng hạ nguồn. Trong tương lai, lượng nước sông Mekong sẽ tiếp tục sụt giảm, đây là một thảm họa đối với Thái Lan và Việt Nam”. Các nhà khoa học Campuchia cho rằng: “Việc triển khai các dự án thuỷ điện trên thượng nguồn đã làm thay đổi chất lượng nước và dòng chảy đối với vùng hạ nguồn, trong đó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Campuchia và Việt Nam”.

Một chuyên gia cao cấp ADB đánh giá: “Các đập thuỷ điện do Trung Quốc xây dựng tại Vân Nam, khi hoàn thành sẽ giữ lại một lượng nước lớn lên đến 50 tỷ m3, chiếm trên 50% lượng nước thượng nguồn sông Mekong, khối lượng phù sa bị giữ lại tương ứng 125 triệu tấn/năm. Như vậy, dòng chảy trung bình hàng năm chỉ còn 60% so với trước khi có các công trình được xây dựng”.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Henry Stimson, Mỹ chỉ rõ: “Việc chặn dòng chảy để xây dựng các đập thủy điện trên sông sẽ ngăn cản sự di cư tự nhiên của các loài cá và sẽ khiến hơn 70% lượng cá của dòng sông biến mất, dẫn đến tình trạng khoảng 80% cư dân sống băng nghề cá mất việc làm. Ngoài ra, việc chặn dòng chảy cũng sẽ dẫn đến tình trạng ngập mặn ở vùng hạ lưu và làm giảm lượng phù sa của con sông, ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, nhất là ngành trồng lúa xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam... đe dọa đến an ninh lương thực và an sinh xã hội của khu vực”.

Ông Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian (Mỹ) thì đánh giá: “Các bước khai thác Mekong của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần”.

Người dân địa phương đãi vàng gần khu vực dự án đập thuỷ điện Xayaburi (Ảnh minh hoạ)
Người dân địa phương đãi vàng gần khu vực dự án đập thủy điện Xayaburi (Ảnh minh hoạ)

Hiện lưu vực sông Mekong đã trở thành một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất. Ở Lào, đoạn chảy qua thủ đô Viên Chăn 10 năm qua khô hạn đến mức có thể lội qua trong mùa khô. Ở Thái Lan, sông Chao Phraya vốn hiền hòa đã xảy ra lũ lớn, gây ra thảm họa quốc gia trong nhiều tháng liền vào năm 2011. Ở ĐBSCL, nước mặn đã vào khu vực Tân Châu, Châu Đốc (tỉnh An Giang), điều chưa bao giờ xảy ra trước đây. Nếu cứ đà này, trong vòng 100 năm tới nước biển ở Việt Nam sẽ dâng cao một mét, làm mất 40% diện tích ĐBSCL, gây ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 10% dân số.

Tại Myanmar, việc Tổng thống Thein Sein đình chỉ dự án thủy điện Myitsone do Trung Quốc tài trợ đã cho thấy mức độ quan tâm đến môi trường của nước này. Con đập này có thể khiến vùng hạ nguồn rộng lớn của Myanmar, tương đương diện tích Singapore, chìm trong biển nước. Trong khi đó, tại các diễn đàn quốc tế và khu vực bàn về vấn đề này, Trung Quốc thường chỉ tham gia đối thoại mà không ký kết gì; họ muốn được rảnh tay tận dụng nguồn tài nguyên nước ở sông Mekong một cách tự do, tránh sự nhòm ngó và can thiệp của các nước hạ nguồn.

Nguyễn Đăng Song

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.