Thời gian qua, việc Chính phủ Malaysia liên tiếp đưa ra những tuyên bố trái chiều về dự án đường sắt East Coast Rail Link (ECRL) cho thấy hợp đồng ký năm 2016 với Trung Quốc đang đứng trước bờ vực phá sản, dù các nhà thầu từ Bắc Kinh có động thái nhượng bộ trong cắt giảm chi phí xây dựng.
Giảm 50% chi phí xây dựng để cứu dự án
Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC) đang cố gắng cứu dự án ECRL bằng cách đề nghị giảm một nửa chi phí xây dựng dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD, Channel News Asia (CNA) dẫn lời các nguồn tin thông thạo về các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Malaysia và nhà thầu Trung Quốc cho biết.
Cụ thể, nhà thầu Trung Quốc đã đề nghị cắt giảm chi phí xây dựng 67 tỷ ringgit (16,39 tỷ USD) cho dự án đường sắt dài 688km xuống còn một nửa (tức khoảng hơn 8 tỷ USD). Chi phí lãi suất và tiền đền bù thu hồi đất chiếm phần còn lại của tổng chi phí dự án 80 tỷ ringgit (20 tỷ USD).
Dù vậy, chính quyền của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad dường như vẫn sẽ quyết định hủy hợp đồng dự án này, nguồn tin tiết lộ và yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề.
Theo nguồn tin này, kể từ khi nắm quyền hồi tháng 5/2018, ông Mahathir đã chỉ trích mạnh các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Malaysia và tuyên bố sẽ đàm phán lại hoặc hủy bỏ những dự án được phê duyệt dưới thời của người tiền nhiệm Najib Razak mà nhà lãnh đạo 93 tuổi cho là không hợp lý.
Dự án xây dựng ECRL bị đình chỉ từ tháng 7/2018. Tới ngày 30/1/2019, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết, Malaysia đang tiến hành đàm phán lại dự án này với đối tác Trung Quốc. Tin tức này được đưa ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Azmin Ali nói rằng, quốc gia Đông Nam Á đã quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc.
Những nhận xét trái ngược của các bộ trưởng Malaysia thời gian qua với báo giới cho thấy các cuộc thương lượng này chưa đi đến kết quả chắc chắn.
Các thành viên của Chính phủ Malaysia còn cho biết, họ cũng sẽ tham khảo ý kiến của chính quyền bang Selangor, lưu ý đến sự phản đối của bang này đối với chặng cuối của tuyến đường sắt kết nối với Port Klang, một trung tâm thương mại lớn ở bờ biển phía Tây gần Thủ đô Kuala Lumpur.
Chiến thuật ngoại giao của Malaysia
Trong những tuyên bố liên tiếp trong tuần đầu tiên của tháng 2, Thủ tướng Malaysia Mahathir đã lặp lại lập trường của mình ngay cả khi người tiền nhiệm Najib Razak chia sẻ tài liệu trực tuyến cho thấy nước này đã quyết định hủy bỏ dự án ECRL.
Ông Mahathir khẳng định, chính phủ của ông vẫn đang đàm phán với Trung Quốc về dự án trị giá 20 tỷ USD và việc dự án có bị hủy bỏ hay không vẫn chưa được quyết định.
Trước đó, trong các cuộc phỏng vấn khác, nhà lãnh đạo 93 tuổi nói rằng, đối tác Trung Quốc nên hiểu cho tình hình kinh tế hiện tại của Malaysia và việc Kuala lumpur lật lại hợp đồng không phải vì không muốn tôn trọng các tài liệu đã ký kết. “Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là đảm bảo rằng Malaysia sẽ không tiêu nhiều tiền và Trung Quốc sẽ không bị lỗ”, ông Mahathir nói trong cuộc phỏng vấn với nhật báo tiếng Trung của Malaysia - tờ Sin Chew.
Cùng thời điểm này, cựu Thủ tướng Najib, người đã ký kết dự án năm 2016 với nhà thầu chính CCCC, đã chia sẻ lại trên Facebook ảnh chụp màn hình một lá thư viết ngày 31/1 từ một quan chức Malaysia tới công ty Trung Quốc về quyết định hủy bỏ dự án đường sắt.
Hiện, bức hình nêu trên chưa được xác thực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Malaysia, ông Lim Guan Eng mới đây nói rằng, các cuộc đàm phán liên quan tới ECRL hiện đang trong giai đoạn đàm phán giữa hai chính phủ và không bộ trưởng nào được phép đưa ra bất kỳ kết luận về vấn đề này, trừ Thủ tướng Mahathir.
Những diễn biến này diễn ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu, người có chuyến thăm chính thức Malaysia hồi cuối tháng 1 và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đều đề nghị rằng các cuộc đàm phán về dự án ECRL vẫn tiếp tục được diễn ra.
Điều này báo hiệu chính quyền Bắc Kinh đã trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán mà trước đây họ ở giữa Chính phủ Malaysia và CCCC, nhằm ngăn chặn việc hủy bỏ dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận