Công ty an ninh tư nhân Blackwater của Mỹ |
Nhiều công ty Trung Quốc đang bất chấp nguy hiểm để đầu tư vào các quốc gia bất ổn an ninh cao nằm trong chiến lược đầy tham vọng mang tên "Vành đai và Con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khi các công ty dịch vụ an ninh của Bắc Kinh lại không theo kịp nhu cầu cả về số lượng lẫn năng lực.
Thời gian tới, Trung Quốc chắc chắn sẽ thành lập các lực lượng đặc nhiệm theo mô hình Mỹ để bảo vệ lợi ích của các công ty, tập đoàn được Nhà nước bảo trợ ở nước ngoài.
Lực lượng mỏng và thiếu năng lực
Chiến lược Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình được thiết kế để kết nối hơn 65 quốc gia châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Điều này đồng nghĩa các dự án lớn do Trung Quốc triển khai có cả ở các khu vực thường xuyên có nguy cơ tranh chấp và rủi ro cao như: Pakistan, Afghanistan, Nam Sudan và Yemen.
Theo Chính phủ Trung Quốc, đã có hơn 30.000 doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài và theo đó là gần 1 triệu công nhân Trung Quốc làm việc ở các dự án này. Tuy nhiên, rủi ro làm việc ở nước ngoài cũng ngày càng tăng khi các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các nước có nhiều rủi ro về an ninh.
Kể từ năm 2014, ít nhất 44 công dân Trung Quốc đã thiệt mạng ở Pakistan, mặc dù Islamabad đã triển khai hàng nghìn nhân viên quân sự để bảo vệ công nhân Trung Quốc trong các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng ở nước này.
Trong đó, 2 giáo viên ngoại ngữ người Trung Quốc bị sát hại bởi các phần tử khủng bố IS ở TP Quetta, trung tâm của Dự án hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) có tổng giá trị đầu tư khoảng 50 tỷ USD.
Đối lập với sự hiện diện ở nước ngoài ngày càng nhiều đó, các công ty an ninh của Bắc Kinh lại không đáp ứng được nhu cầu. Nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển sang thuê các công ty đảm bảo an ninh tại nước sở tại và đa quốc gia cho các dự án ở nước ngoài. Ví dụ, 3 công ty năng lượng khổng lồ của Trung Quốc gồm: CNPC, Sinopec và CNOOC cùng chi hơn 2 tỷ USD/năm cho phí dịch vụ an ninh ở nước ngoài.
Huang Rihan, Giám đốc điều hành của Viện Vành đai và Con đường thuộc Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa cho biết, chỉ có 6 trong số hơn 5.000 công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc được chứng nhận hoạt động ở nước ngoài. “Và hầu hết các hoạt động an ninh ở hải ngoại của các công ty này đều tập trung vào việc hộ tống các tàu thương mại của Trung Quốc trên biển”, Huang cho hay.
Trong khi đó, nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming cho biết, nhiều công ty Trung Quốc đang cho rằng, việc trả tiền thuê quân đội của nước sở tại đảm bảo an ninh sẽ không hiệu quả, nhất là sau sự kiện Mùa xuân Ảrập năm 2011, gây ra rối loạn xã hội và chính trị ở nhiều quốc gia dọc theo dự án Vành đai và Con đường.
“Doanh nghiệp Trung Quốc cần được bảo vệ nhiều hơn, nhưng cho đến nay không có công ty an ninh nào ở nội địa có thể cung cấp cho họ những dịch vụ mong muốn do rào cản ngôn ngữ và thiếu kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài”, ông Zhou cho thấy nhu cầu cấp thiết của các dịch vụ an ninh ở hải ngoại.
Cơ hội và thách thức
“Một doanh nhân Trung Quốc có thể chỉ muốn trả 10 triệu nhân dân tệ (14.000 USD) cho một đội an ninh 40 thành viên. Nhưng ông ta sẵn sàng trả thêm 1 tỷ nhân dân tệ (149.000 USD) hoặc thậm chí nhiều hơn nữa, một khi ông ta phải đối mặt với nguy hiểm chết người khi làm ăn ở địa bàn nước ngoài”, Tian Buchou, một cựu chiến binh từng tham gia lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc cho biết về cơ hội “hái ra tiền” đối với dịch vụ đảm bảo an ninh tại các vùng đất nguy hiểm.
Tian cũng có tới 17 năm quản lý an ninh cho các công ty Trung Quốc tại các nơi đang bị tàn phá bởi chiến tranh ở Trung Đông và châu Phi. Các đội an ninh do Tian đứng đầu đã bảo vệ khách hàng doanh nghiệp của họ khỏi các mối đe dọa khác nhau, từ các vụ cướp đến tấn công khủng bố.
Am hiểu về vấn đề này, người đàn ông 39 tuổi này cho biết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã phải thuê nhân viên an ninh chuyên nghiệp nước ngoài vì các công ty an ninh Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu.
Chính Tian cũng đã nâng cao được khả năng và kinh nghiệm rất nhiều khi hợp tác với công ty quân sự tư nhân nổi tiếng Blackwater của Mỹ (nay đổi tên thành Academi) và ông cho rằng, các công ty Trung Quốc còn phải học hỏi rất nhiều mô hình này.
“Không giống như các đội bảo vệ Trung Quốc, các binh sĩ đa quốc gia và đa ngôn ngữ của Blackwater được huấn luyện tốt và đảm đương rất chuyên nghiệp các dịch vụ bảo vệ người và hàng hóa”, Tian nhận xét và tiết lộ rằng, công ty của Mỹ có cả một hệ thống vận hành toàn diện bao gồm hậu cần, vũ khí, công nghệ cao và thậm chí cả hỗ trợ y tế.
Giống như các binh sĩ của Blackwater, hầu hết nhân viên an ninh Trung Quốc đều là những cựu chiến binh quân sự nhưng họ thiếu huấn luyện chiến đấu và kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài. Lực lượng quân sự nước ngoài cũng được trang bị vũ khí tốt hơn, mạng lưới thông tin tình báo và hoạt động tự do hơn so với các nhân viên an ninh Trung Quốc.
Vì thế, Tian cho rằng, có cả cơ hội và thách thức lớn để có thể thành lập các lực lượng an ninh đáp ứng được nhu cầu đang ngày càng tăng của lượng lớn công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án của Vành đai và Con đường - kế hoạch cơ sở hạ tầng lớn để liên kết các nền kinh tế mà Bắc Kinh là trung tâm.
Theo một số nguồn tin của SCMP, Trung Quốc đang lên kế hoạch để thiết lập một cơ quan an ninh để điều phối an ninh cho các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài. Nếu được thông qua, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo và cung cấp hỗ trợ an ninh phi truyền thống cho cơ quan mới.
Các dịch vụ an ninh nước ngoài vẫn đang trong giai đoạn phát triển ở Trung Quốc. Trong đó, “các bộ gồm Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Thương mại đang làm việc cùng nhau để đưa ra bản chi tiết cách điều hành cơ quan an ninh mới, đóng vai trò hàng đầu trong việc điều phối các hoạt động của các công ty an ninh Trung Quốc ở nước ngoài”, một nguồn tin cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận