Báo Giao thông trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ TN&MT) về những toan tính của Trung Quốc tại Biển Đông, cũng như những nước cờ tiếp theo mà Trung Quốc có khả năng áp dụng để hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Tạo “sự đã rồi” để ép “cùng khai thác”
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 ngày 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông: Chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, dự báo những thời cơ, thuận lợi và thách thức để đối phó...
Ngày 3/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã bác bỏ phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng về việc bãi Tư Chính là lãnh thổ của Bắc Kinh; đồng thời thông tin việc nhóm tàu Hải Dương 8 tiếp tục mở rộng khảo sát ở khu vực bãi Tư Chính. Hành động này của Trung Quốc đang vi phạm những gì, thưa ông?
Khu vực biển bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Còn bãi Chữ Thập, nơi nhóm tàu Hải Dương 8 vào tiếp liệu, xử lý thông tin thu được ngoài hiện trường, cũng thuộc chủ quyền của quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép năm 1988 và bồi đắp thành đảo nhân tạo gần đây.
Vì vậy, hành động của nhóm tàu Hải Dương 8 đang vi phạm cả đối với chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo ông thì mục đích mà Trung Quốc quyết liệt theo đuổi trên Biển Đông bấy lâu nay, cuối cùng là gì?
Thủ đoạn điều tàu tới khảo sát, phớt lờ các quyền và lợi ích của nước khác đối với vùng đặc quyền kinh tế được Trung Quốc sử dụng không chỉ ở vùng biển Việt Nam, mà còn ở Philippines, Malaysia gần đây, thậm chí ở cả Nhật Bản hơn 20 năm trước. Bắc Kinh đang nuôi tham vọng củng cố “sức mạnh Trung Hoa” để chấn hưng nền kinh tế trong nước, để cạnh tranh vị trí siêu cường số 1 với Mỹ.
Động thái lần này của Trung Quốc ở bãi Tư Chính nhằm cùng lúc đạt mục đích kép. Thứ nhất, Trung Quốc đang “đánh lận con đen” với ý đồ biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành “vùng tranh chấp”; và đang có ý đồ ép ta phải “khai thác chung” ở khu vực biển bãi Tư Chính.
Thứ hai, Trung Quốc đang “giương đông kích tây”, phô diễn sức mạnh cơ bắp trên Biển Đông để thách thức và nắn gân Mỹ, cũng như để thử phản ứng của các nước ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, hiện cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, việc “gây sự” trên Biển Đông sẽ củng cố niềm tin ở nội bộ đất nước Trung Quốc; củng cố vị thế đối với các “đồng minh” của Trung Quốc ở các điểm nóng với Mỹ; thâm độc hơn là làm nản lòng các đối tác hợp tác và đầu tư vào vùng biển của Việt Nam.
Dùng chiến thuật “gặm nhấm”, “tạo sự đã rồi”
Để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã, đang sử dụng những chiêu bài gì, thưa ông?
Khoảng giữa năm 2009,Trung Quốc đã gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc bản đồ “đường lưỡi bò” chín đoạn đứt khúc đính kèm theo một Công hàm với tham vọng biến 80% diện tích Biển Đông thành “ao nhà”. Dĩ nhiên, yêu sách phi lý này đã bị các nước phản đối và không tổ chức luật pháp quốc tế nào công nhận.
Ngay sau đó, Trung Quốc áp dụng kịch bản Dân sự hóa Biển Đông bằng cách đơn phương tuyên bố thiết lập “Thành phố Tam Sa” (năm 2012) và mở rộng thành “Tứ Sa” (năm 2017), bao gồm các thành phố địa khu: Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), Đông Sa/Pratas (tranh chấp với Đài Loan) và Trung Sa (bãi cạn Macclesfield phía Đông Nam Hoàng Sa).
Năm 2014 - 2016, Trung Quốc tôn tạo mở rộng 7 thực thể bãi cạn rạn san hô cưỡng chiếm trái phép ở quần đảo Trường Sa và một số thực thể ở Hoàng Sa của Việt Nam rồi xây dựng các sân bay, cơ sở hạ tầng cho các căn cứ quân sự.
Việc đẩy mạnh hoạt động xâm lấn vùng biển và hù dọa các quốc gia láng giềng, trọng tâm là Việt Nam cũng nằm trong các gói kịch bản độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Ông có dự báo gì về những nước cờ tiếp theo của Trung Quốc nhằm thực hiện âm mưu xâm chiếm Biển Đông?
Không loại trừ khả năng Trung Quốc tiếp tục tôn tạo, mở rộng đảo nhân tạo trên bãi Hoàng Nham (chiếm giữ của Philippines từ 2012) và bãi Trung Sa (tuyên bố 2017). Nếu cộng đồng quốc tế và các bên liên quan không hành động kịp thời, Trung Quốc sẽ hoàn thành phương án “chống tiếp cận”, đủ khả năng độc quyền kiểm soát Biển Đông.
Trung Quốc cũng được cho là đã và sẽ đặt các thiết bị giám sát ngầm dưới đáy biển phục vụ cho việc xây dựng một hệ thống “phòng tuyến điện tử” ngầm quanh đường lưỡi bò để kiểm soát không gian 3 chiều của Biển Đông và khống chế các hoạt động của các bên liên quan.
Việc Trung Quốc khảo sát địa chất, địa vật lý rất kỹ lưỡng trong một vùng biển không lớn với thời gian kéo dài, lặp lại và mở rộng dần ở khu vực biển bãi Tư Chính, có khả năng Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập trái phép một số trạm kiểm soát biển lâu dài ở đây. Cần phải theo dõi sát sao động thái này của Trung Quốc, đặc biệt là dấu hiệu điều chuyển thêm tàu khoan, tàu cẩu Lam Kình, tàu khảo sát địa chất công trình và tàu vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng... vào vùng biển của nước ta.
Với chiến thuật “gặm nhấm”, “tạo sự đã rồi” như vậy, Trung Quốc đang ngụy tạo ra một “Biển Đông yên mà không ổn”, có lợi cho Bắc Kinh thực hiện các ý đồ xâm chiếm. Và không dừng ở Biển Đông, âm mưu này có thể được áp dụng cho biển ASEAN và biển Hoa Đông ngày mai.
Không mắc mưu “sử dụng vũ lực trước”
Như vậy, Biển Đông không đơn thuần là câu chuyện của Việt Nam với Trung Quốc?
Biển Đông không chỉ chứa đựng lợi ích của Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác trong khu vực, mà còn chứa đựng lợi ích của các nước ngoài khu vực, trong đó là lợi ích của Mỹ và đồng minh liên quan đến quyền tự do hàng hải và hàng không qua Biển Đông. Chính vì thế,các nước đều không muốn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc là quốc gia đã ký UNCLOS nhưng tráo trở không thừa nhận UNCLOS, không thừa nhận có vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven bờ và vùng biển ngoài quyền tài phán quốc giatrong phạm vi Biển Đông. Điều đó đương nhiên chạm vào lợi ích Mỹ và đồng minh, lợi ích của cộng đồng quốc tế về quyền tự do hàng hải và hàng không qua khu vực này.
Các hành vi ngang ngược, bất chấp các quy định của UNCLOS và các chuẩn mực quốc tế của Trung Quốc cho thấy nước này đang muốn tạo tiền lệ xấu để áp dụng giải quyết cho các vùng biển khác trong khu vực, và “sức mạnh Trung Quốc” khi đó đứng cao hơn luật pháp quốc tế, buộc các quốc gia khác phải chấp nhận.
Vậy các nước cần phản ứng trước tham vọng xác lập chủ quyền đối với Biển Đông của Trung Quốc chứ, thưa ông?
Hiện Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, ASEAN, EU và các nước khác, các học giả quốc tế đã lên tiếng quan ngại và phản đối mạnh mẽ về các tham vọng chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh.
Mỹ và đồng minh tuyên bố sẵn sàng làm mọi cách để đảm bảo duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - tuyến hàng hải quốc tế quan trọng bậc nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo các học giả quốc tế, Mỹ và đồng minh cần phải tạo nên sự răn đe và buộc Trung Quốc phải trả một cái giá đủ lớn khi Trung Quốc gây hấn và có những bước đi táo bạo muốn độc chiếm Biển Đông.
Còn Việt Nam, chúng ta cần làm gì để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông?
Có nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm các giải pháp mang tính chiến thuật và chiến lược. Tuy nhiên, phải phối hợp đồng bộ các giải pháp và chọn đúng thời điểm để dùng giải pháp “quyết định”, phù hợp bối cảnh, bảo đảm lợi ích toàn cục, có tầm chiến lược và chắc thắng.
Ta với Trung Quốc là các nước láng giềng của nhau, nhân dân hai nước có truyền thống hữu nghị lâu đời, cho nên, cần giải pháp chính trị mang tính dài hạn, bảo đảm lợi ích toàn cục của quốc gia, dân tộc. Việt Nam ngày càng có uy tín trên trường quốc tế, cho nên cần tăng cường và phát huy vị thế địa chính trị của mình.
Chú ý giữ thanh danh của đất nước và tôn trọng luật pháp quốc tế là nguyên tắc nước nhỏ nên làm, là cách để nhận được sự ủng hộ quốc tế.
Đồng thời, chúng ta phải tăng cường, mở rộng và tranh thủ hợp tác quốc tế, nhất là với các nước có trình độ quản lý biển tốt, tiên tiến; với các nước có “cùng cảnh ngộ” để từng bước tạo thành một “mặt trận” bảo vệ nền hòa bình ở Biển Đông.
Bên cạnh các giải pháp ngoại giao mà chúng ta đang áp dụng như thông qua các tuyên bố cấp cao, tuyên bố của người phát ngôn, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, thông báo bảo lưu tại Liên hợp quốc; thông báo công khai ở các diễn đàn quốc tế, khu vực và ASEAN; Việt Nam cần tạo điều kiện cho báo chí nước ngoài tiếp cận hiện trường vụ việc để thấy rõ vi phạm của Trung Quốc, để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Ở trong nước, cần tăng cường và thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu đúng về quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông. Đồng thời, tăng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tích cực, chủ động ngăn chặn, đẩy đuổi quyết liệt các hành động vi phạm và cần tỉnh táo, linh hoạt, kiên trì, kiên định và không mắc mưu “sử dụng vũ lực trước”.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận