Khoảng 14 nghìn vụ tai nạn xảy ra tại khu vực vạch kẻ sang đường dành cho người đi bộ tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc |
Nhằm giảm thiểu rủi ro TNGT khi sang đường cho người đi bộ, giới chức Trung Quốc đã thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp nhằm siết chặt việc thực thi quy định giao thông với người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ dù vấp phải phản ứng từ dư luận.
Siết chặt quy định nhường đường cho người đi bộ
Luật An toàn giao thông dành cho người đi bộ đã được Trung Quốc công bố từ năm 2003, trong đó yêu cầu người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ khi đến gần vạch kẻ dành cho người đi bộ và dừng hẳn khi có người đang muốn sang đường.
Nhưng đến nay, quy định này không được thực thi nghiêm túc. Tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn số liệu thống kê từ Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết, trong ba năm, tại các khu vực sang đường dành cho khách bộ hành ở nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc đã chứng kiến khoảng 14 nghìn vụ tai nạn, khiến 3.898 người thiệt mạng.
90% tổng số vụ tai nạn xuất phát từ nguyên nhân tài xế không nhường đường cho người đi bộ - báo cáo từ Bộ GTVT nêu rõ. Đó chính là lý do, thời gian gần đây, CSGT trên toàn Trung Quốc siết chặt giám sát việc thực thi luật giao thông để người đi bộ an tâm và an toàn hơn khi sang đường.
Trong vài tháng qua, cơ quan chức năng Trung Quốc đã phát động thực hiện “tác phong lịch sự trước vạch dành cho người đi bộ”, tiến hành lắp đặt thêm hàng chục nghìn camera giám sát gần khu vực sang đường không có đèn hiệu giao thông, để giám sát và xử phạt nặng những người điều khiển phương tiện không tuân thủ quy định nhường đường.
Tại các đô thị ở miền Đông Trung Quốc, người điều khiển phương tiện bị bắt quả tang vi phạm luật ưu tiên người đi bộ sẽ phải nộp tiền phạt và buộc phải tham gia các lớp học bổ túc kiến thức giao thông. Đến nay, con số người đi học lại đã lên tới hàng nghìn người.
Những người không giảm tốc độ khi đi qua vạch sang đường hoặc dừng để nhường đường cho người đi bộ sẽ bị phạt 100 nhân dân tệ (tương đương 340 nghìn VND), đồng thời bị trừ 3 điểm trên bằng lái xe.
Tháng trước, 7 tài xế tại quận Panan, Chiết Giang đã bị phạt và trừ điểm bằng lái xe sau khi họ cố tình vượt qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ khiến một cụ già bị kẹt cứng giữa đường. Tờ Thepaper.cn của Thượng Hải cho biết, bà cụ đã vẫy tay xin đường nhưng người điều khiển phương tiện vẫn không nhường.
Theo một sĩ quan CSGT tại tỉnh Giang Tây, việc tăng cường nhận thức cộng đồng tại khu vực sang đường là một trong những lý do cơ quan giao thông thực thi chiến dịch truy quét người điều khiển phương tiện thiếu ý thức.
“Ngày càng nhiều người hiểu ra rằng, người điều khiển phương tiện phải có trách nhiệm nhường đường cho người đi bộ. Chiến dịch này cũng tương tự như chiến dịch thay đổi suy nghĩ về quy định thắt dây an toàn khi lái xe hoặc phải đội MBH khi đi xe máy.
Trừ điểm trên bằng lái gây nhiều tranh cãi
Song, về phía dư luận Trung Quốc, mạng xã hội nước này đã dậy sóng vì rất nhiều người điều khiển phương tiện phản ứng tức giận trước chiến dịch tăng cường siết chặt quy định đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Trong đó, yếu tố trừ điểm trên bằng lái gây tranh cãi nhất. Một bộ phận người điều khiển phương tiện cho rằng, tiền phạt không đáng kể nhưng việc trừ 3 điểm là chế tài quá nặng.
Bằng lái xe tại Trung Quốc có 12 điểm và nếu tất cả số điểm bị trừ hết trong một năm, người vi phạm sẽ phải học lớp Luật Nhường đường cho người đi bộ (đã ra đời từ rất lâu). Họ cũng phàn nàn rằng, đó là những quy định không phù hợp với đường bộ cũng như văn hóa tại Trung Quốc.
Chia sẻ trên mạng xã hội QQ, một cư dân mạng viết: “Tôi hiểu việc tài xế nhường đường cho người đi bộ là cách ứng xử văn minh, nhưng nó chỉ có thể áp dụng tại các nước phương Tây. Tại Trung Quốc, người dân chưa văn minh. Một số người đi bộ còn cố tình đi chậm hoặc xem điện thoại trong khi sang đường”, người này viết.
Một số khác lo ngại, việc nhường đường cho người đi bộ càng làm giao thông tắc nghẽn.
Nhận định về các phản ứng của dư luận, ông Vương Hạo Tinh, giáo sư luật đến từ Viện Quản lý giao thông thuộc Bộ GTVT Trung Quốc cho biết, có một cách để giải quyết xung đột giữa người đi bộ và người điều khiển phương tiện đó là xây dựng đường hầm phụ hoặc cầu vượt.
“Nhưng khi chưa thể làm được việc này, vạch kẻ đường cần phải là nơi ưu tiên cho người đi bộ. Nếu xét ở góc nhìn về an toàn, người điều khiển phương tiện cần phải nhường đường cho khách bộ hành.
Nếu xét từ quan điểm tắc đường, tôi nghĩ chúng ta phải lựa chọn giữa việc di chuyển nhanh và an toàn. Mục tiêu an toàn cần phải đặt lên trên hết”, ông Vương (cũng chính là một trong những người tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo Luật An toàn đường bộ Trung Quốc) cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận