Tàu cao tốc Fuxing của Trung Quốc |
Tháng 9 tới, Trung Quốc sẽ chính thức đưa vào vận hành “tàu viên đạn” có tốc độ cao nhất thế giới, được Bắc Kinh tự hào là tàu hoàn toàn “made in China”, đánh dấu bước chuyển mình đáng kể trên chặng đường phát triển đường sắt của Trung Quốc trong 7 năm kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn tàu thảm khốc khiến 40 người thiệt mạng đến nay.
“Trẻ hóa” tàu cao tốc
Trang web Thepaper.cn của Chính phủ cho biết, 7 cặp tàu cao tốc sẽ khởi chạy từ ngày 21/9, với tốc độ khoảng 350km/h, qua đó giúp cắt ngắn thời gian hành trình từ Bắc Kinh tới Thượng Hải khoảng nửa giờ.
Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, “tàu viên đạn” Trung Quốc được phép chạy tới tốc độ này. Trước đây, vì vụ tai nạn chết người tại TP Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang vào năm 2011, giới chức quản lý phải hạ tốc độ tối đa không quá 300km/h. Cũng vì vụ tai nạn này, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra quốc gia đối với toàn bộ Bộ Đường sắt của nước này, trong đó đã phát hiện hàng loạt bê bối tham nhũng, khiến nhiều quan chức bị cáo buộc nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, hai quan chức cấp cao nhận án tù chung thân.
Do đó, để đánh dấu sự trở lại và lợi hại hơn xưa của tàu cao tốc, 7 cặp tàu này được đặt tên là “Fuxing” - có nghĩa là “Trẻ hóa” trong tiếng Trung - phù hợp với khẩu hiệu và kế hoạch phát triển của Chính phủ Trung Quốc. Không chỉ có thể đạt tốc độ cao, toàn bộ tàu được trang bị hệ thống giám sát cải tiến cho phép tàu giảm tốc hoặc tự động dừng tàu khi xảy ra trường hợp có sự cố khẩn cấp. Theo hãng tin BBC, Cơ quan khai thác đường sắt quốc gia Trung Quốc đang tìm cách để nâng cấp đường ray cho phép tàu tăng tốc hơn nữa.
Tham vọng đẩy nhanh tốc độ tàu của Trung Quốc lên mức cao nhất thế giới vẫn rất mạnh trong bối cảnh nước này luôn khát khao muốn dẫn trước Nhật Bản, Đức và Pháp trong cuộc đua công nghệ. Ban đầu, khi phát triển đường sắt cao tốc, Trung Quốc đã học hỏi công nghệ từ các nước tiên tiến. Họ nhập khẩu công nghệ từ các nước như: Nhật Bản, Đức, Pháp sau đó tự cải thiện tính năng.
Trong vài năm, Trung Quốc liên tục đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển và mở rộng đường sắt cao tốc. Chỉ trong thời gian ngắn, nước này chi 360 triệu USD để xây dựng 22.340km đường sắt cao tốc - cao gấp đôi tổng km đường sắt mà tất cả các nước trên thế giới xây dựng trong 50 năm qua. Năm ngoái, tàu cao tốc Trung Quốc đón 1 tỉ lượt khách, chiếm 1/2 tổng lượng khách thế giới.
Trung Quốc đang nỗ lực để tiếp tục chế tạo tàu cao tốc thế hệ mới với tốc độ tối đa 400km/h, đến năm 2020 sẽ sẵn sàng đưa ra các thị trường quốc tế kết nối các khu vực nằm trong tham vọng “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc.
Xóa bỏ tiếng xấu “copy-paste”
Với sự ra mắt của Fuxing, Trung Quốc không chỉ từng bước nâng cấp hệ thống giao thông mà còn muốn xóa bỏ hình ảnh đi góp nhặt và chắp vá công nghệ tàu cao tốc (copy-paste). Lâu nay, nhiều nước như Nhật Bản cáo buộc tàu cao tốc Trung Quốc xâm phạm bản quyền vì nhiều tàu nước này giống phần lớn tàu của họ, chỉ thay đổi chút ít về thân tàu hay trang trí nội thất. Tuy nhiên, với Fuxing, giới chức khẳng định, đây là mẫu tàu hoàn toàn do các kỹ sư Trung Quốc thiết kế và chế tạo, không cần sự giúp đỡ từ các nước khác.
Nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình đường cao tốc quốc gia Trung Quốc, Jia Limin cho biết, sau khi được đưa vào sử dụng tại Trung Quốc, tàu Fuxing sẽ được xuất khẩu sang Nga để phục vụ tuyến Moscow-Kazan (dài 770km).
Nếu thành công, mẫu tàu Fuxing sẽ nâng tầm hình ảnh của Trung Quốc trên thị trường tàu cao tốc thế giới. Hiện nay, dựa trên ưu thế về giá cả và đầu tư hào phóng, Trung Quốc đã thắng thầu rất nhiều dự án xây dựng tàu cao tốc trên quy mô toàn cầu. Theo China Daily, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đến nay đã tham gia vào hơn 10 dự án tàu thông thường và tàu cao tốc trên thị trường quốc tế, bao gồm tàu cao tốc nối Thủ đô Ankara tới Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến tàu cao tốc Moscow - Kazan tại Nga, tuyến tàu Trung Quốc - Thái Lan, Hungary - Serbia.
CRRC và các công ty công nghệ, hạ tầng đường sắt Trung Quốc như CRC và China Railway Signal and Communication Co đang chế tạo đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung tại Indonesia. Khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ kết nối hai thành phố lớn nhất Indonesia cách nhau 570km, cắt giảm hành trình từ 3 giờ xuống 36 phút.
Ông Wang Zhile, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định: “Về lâu dài, các nền kinh tế Trung Quốc và ASEAN sẽ tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt là trong giao thông đường sắt để cải thiện kết nối, thu hút đầu tư và hội nhập kinh tế khu vực”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận