Thậm chí, để hoàn thiện thủ tục, các trung tâm phải đóng cửa một năm.
Đổi tên phải xin cấp phép lại từ đầu
Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đang yêu cầu các trung tâm đào tạo lái xe phải đổi tên thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp để “phân biệt với Trường cao đẳng nghề và Trung cấp nghề”.
Theo cơ quan này, căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp, từ ngày 1/7/2022, sẽ không có “trung tâm đào tạo lái xe”.
Việc hàng trăm trung tâm đào tạo lái xe phải đổi tên sẽ gây lãng phí xã hội rất lớn
Tuy nhiên, đến nay, theo thông tin của Báo Giao thông, hầu hết trung tâm chưa thực hiện yêu cầu này và cho rằng không cần thiết, gây tốn kém, bị xáo trộn, vừa mất thời gian, vừa gây lãng phí nguồn lực.
Theo ông Vũ Xuân Trung, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Bắc Hà, việc đổi tên sẽ phát sinh rất nhiều bất cập.
Đề án thành lập trung tâm đào tạo sát hạch GPLX phải qua UBND cấp tỉnh phê duyệt, nếu giờ đổi tên phải thực hiện nhiều thủ tục xin cấp phép đầu tư lại từ đầu.
“Không những vậy, còn phải xin thay đổi mã số thuế, giấy phép đào tạo lái xe, các thủ tục liên quan đến ngân hàng. Hơn 300 xe cũng phải đổi giấy chứng nhận đăng kiểm. Những việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Để hoàn thành các thủ tục này, Trung tâm sẽ phải đóng cửa mất một năm”, ông Trung nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thanh Thủy (Phú Thọ) cũng cho rằng, việc đổi tên phải thay đổi các giấy tờ liên quan đến chủ sở hữu đất đai, đăng kiểm, đăng ký, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm. Mặc dù vậy, đến nay các trung tâm vẫn chưa được hướng dẫn.
“Với đặc thù của lĩnh vực đào tại lái xe là người học có thể học nghề để trở thành lái xe chuyên nghiệp, cũng có thể học để lái xe phục vụ sinh hoạt gia đình nên nếu đổi tên là có phần khiên cưỡng. Mới nghe đến việc này, ngân hàng cho vay vốn đã bắt chúng tôi trả toàn bộ số tiền đã vay đầu tư. Muốn vay tiếp phải làm thế chấp với cái tên mới. Đặc biệt là đối với thuế, hệ thống phần mềm tài chính ngân hàng muốn thay đổi phải liên quan đến 5 bộ, ngành”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Hữu Thuần, giảng viên Trung tâm dạy nghề cơ điện và đào tạo lái xe, Học viện Nông nghiệp VN chia sẻ: “Qua nhiều lần, chúng tôi đã thấm nỗi vất vả của việc đổi tên. Việc này kéo theo đủ các hệ lụy khi phải thay đổi nhiều thứ, tốn tiền của, thời gian, công sức mà không mang lại lợi ích gì”.
Không nên hiểu máy móc quy định của luật
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, đào tạo lái xe là một lĩnh vực đào tạo mang đặc thù riêng biệt, mỗi cơ sở phải đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện theo quy định.
Các văn bản quy phạm pháp luật trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và các Thông tư hiện hành đều không có điều khoản nào quy định bắt buộc các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đang hoạt động phải đổi tên. Trong khi đó, trung tâm đào tạo lái xe ô tô đã và đang hoạt động từ trước thời điểm Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành.
Tên gọi và nội hàm về điều kiện được phép đào tạo là hai nội dung không trùng với nhau. Tên sử dụng chỉ để phân biệt với các cơ sở đào tạo khác trên địa bàn. Đào tạo ngành nghề gì, quy mô, lưu lượng bao nhiêu đã được ghi chi tiết trong giấy phép hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN
Tất cả tài sản này đều gắn liền với tên gọi của cơ sở đào tạo, cụ thể như: Quyền sở hữu và sử dụng đất đai; hạ tầng xây dựng trên diện tích đất được cấp; phương tiện phục vụ đào tạo lý thuyết, thực hành lái xe.
Ngoài ra, mỗi cơ sở đào tạo đều phải triển khai thực hiện nhiều giao dịch dân sự phức tạp như vay vốn ngân hàng, bảo hiểm các loại, giấy kiểm định phương tiện, thủ tục sang nhượng hoặc mua bán tài sản, phiên hiệu cơ sở đào tạo được in trên các phương tiện tập lái.
“Dù gọi là trường trung cấp hay trung tâm thì vẫn phải thực hiện đầy đủ các tiêu chí của cơ sở đào tạo giấy phép lái xe. Vậy, chi ra một số tiền lớn, mất nhiều thời gian, lao động xã hội chỉ để đổi tên có thực sự cần thiết?”, ông Quyền nêu vấn đề.
Ông Phan Thanh Uy, Phó chủ tịch Chi hội Đào tạo - sát hạch lái xe cho hay, nếu thực hiện đổi tên thì phải thực hiện cả quy trình thủ tục với nhiều cơ quan chức năng để thay đổi nhiều loại giấy tờ theo tên gọi mới.
Việc này gây tốn kém không cần thiết, đặc biệt trong tình hình các cơ sở đào tạo chưa kịp phục hồi sau đại dịch.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, pháp luật đã quy định thì cần thực hiện nghiêm.
Ông Hà cho biết, lĩnh vực đào tạo lái xe chịu sự quản lý của các bộ, trong đó, trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH.
Về chuyên môn nghiệp vụ đào tạo sát hạch, cấp GPLX thuộc chức năng của Bộ GTVT.
Để cấp chứng chỉ đào tạo lái xe cũng như chứng chỉ sơ cấp, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đã nêu rõ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục nghề nghiệp bao gồm trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng.
“Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định những cơ sở dạy nghề tuyển sinh trước ngày 1/7/2015 được tiếp tục đào tạo đến khi kết thúc khóa học, sau đó phải thực hiện theo quy định của Luật là phải đổi tên. Nghị định 65 về đào tạo lái xe cũng đã quy định, cơ sở đào tạo lái xe là cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên phải thực hiện theo pháp luật giáo dục nghề nghiệp”, ông Hà cho hay.
Tuy nhiên, luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc yêu cầu đổi tên là chưa thuyết phục: “Không nên hiểu Luật Giáo dục nghề nghiệp một cách máy móc. Quốc hội đổi tên Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, chứ không hiểu máy móc là tất cả các trung tâm giáo dục hay trung tâm dạy nghề là trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Dạy nghề cũng chính là giáo dục nghề nghiệp nếu hiểu theo nghĩa rộng”.
Chỉ nên đổi tên với trung tâm mới thành lập?
Theo ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐTV Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô, nếu có đổi tên thì chỉ nên đổi tên với trung tâm mới thành lập. Bên cạnh những thủ tục tốn kém thì đổi tên còn làm mất đi giá trị vô hình về thương hiệu đào tạo của các đơn vị trên thị trường.
Vì vậy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH nên xem xét theo hướng chỉ yêu cầu các trung tâm mới thành lập đặt tên là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, còn các đơn vị đào tạo lái xe đã và đang hoạt động vẫn tiếp tục giữ theo tên gọi cũ để tránh phiền hà, lãng phí không cần thiết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận