Thời gian chỉ còn tính bằng ngày, song đến nay tại nhiều địa phương vẫn chưa có cơ sở nào trang bị.
Nguyên nhân vì sao và thực trạng này ảnh hưởng thế nào đến các cơ sở đào tạo và người học?
Nước đến chân chưa nhảy
Thời gian chỉ còn vài ngày nữa, song đến nay tại nhiều địa phương vẫn chưa có cơ sở nào trang bị cabin điện tử dạy lái xe (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ GTVT, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, các trung tâm đào tạo lái xe ô tô phải áp dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe.
Học viên muốn có giấy phép lái xe sẽ tập lái mô phỏng trên nhiều loại đường, điều kiện thời tiết, tình huống giao thông khác nhau. Phần học trên cabin thay 3 giờ học thực hành trên xe.
Được biết, đến thời điểm này, trên thị trường mới chỉ có 2 doanh nghiệp cung cấp thiết bị được Cục Đường bộ VN công bố hợp quy thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe - cabin học lái xe là Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel thuộc Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội và Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghệ Ecotek. Hiện, các cabin điện tử đang được các nhà cung cấp thiết bị chào bán với giá 450 - 500 triệu đồng/chiếc.
Tuy nhiên, ghi nhận của Báo Giao thông đến thời điểm này, nhiều trung tâm vẫn chưa trang bị thiết bị này.
Điển hình là tại Quảng Ngãi, nơi có 5 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, trong đó có 4 cơ sở công lập và 1 cơ sở ngoài công lập, hiện vẫn chưa có đơn vị nào trang bị cabin điện tử để tổ chức đào tạo học viên học lái xe theo quy định.
Tại Trung tâm Đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ GTVT Quảng Ngãi (Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi), một trong những đơn vị đào tạo lái xe có lưu lượng học viên tham gia học lái xe lớn với số lượng hàng nghìn học viên mỗi năm, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Xuân Biên cho biết, đơn vị cũng rốt ráo triển khai nhưng đến nay vẫn chưa “chốt” được đơn hàng.
“Các đơn vị đủ điều kiện cung cấp cabin gửi giấy chứng nhận công bố hợp quy và báo giá sản phẩm quá chậm. Trong khi theo quy định mua sắm đầu tư công, nhanh nhất phải 90 ngày để hoàn thiện các thủ tục. Không riêng gì đơn vị mà nhiều trung tâm đào tạo trong cả nước cũng đang gặp phải tình cảnh như vậy”, ông Biên nói.
Tương tự, tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Quảng Ngãi, dù là đơn vị trực thuộc Sở GTVT Quảng Ngãi, song đến giờ việc trang bị cabin điện tử vẫn “treo” khi các thủ tục mua sắm vẫn vướng.
“Chúng tôi đang chờ cơ quan có thẩm quyền cho phép mới có thể thực hiện mua sắm, bởi đơn vị là cơ sở đào tạo công lập, mua sắm công phải có quy trình, thủ tục”, ông Huỳnh Đức Thọ, Giám đốc trung tâm cho hay.
Cũng giống như Quảng Ngãi, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng chưa có bất kỳ trung tâm đào tạo lái xe nào trang bị ca bin điện tử.
Tương tự, ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, trên địa bàn Long An có 7 trung tâm đào tạo lái xe, song đến thời điểm này chưa có đơn vị nào lắp đặt cabin, dù Sở đã có nhiều công văn nhắc nhở, đốc thúc.
Tại một số địa phương khác, cũng chỉ lác đác trung tâm lắp đặt, song cũng chưa có gì đảm bảo tất cả sẽ hoàn tất trước ngày 31/12/2022.
Tại Gia Lai, ông Tăng Xuân Kiên, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, hiện có 3/6 trung tâm đã lắp đặt xong, vận hành thử.
Tại Đồng Nai, ông Dương Văn Đông, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở đã đôn đốc các cơ sở đào tạo khẩn trương mua cabin đạt chuẩn theo yêu cầu trước thời gian 31/12.
Ông Lê Bảy, Trưởng phòng Quản lý vận tải và người lái Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn có 3 trung tâm, đến nay đã có 2 trung tâm trang bị 4 cabin (mỗi trung tâm 2 cabin).
Tăng học phí bù tiền mua cabin?
Lý giải việc chưa có trung tâm nào trên địa bàn lắp cabin dù thời hạn chỉ còn vài ngày, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Nguyễn Phong cho biết, nguyên nhân là các đơn vị cung cấp cabin điện tử gửi giấy chứng nhận công bố hợp quy và báo giá sản phẩm chậm. Đơn cử như Công ty Công nghệ Ecotek có giấy chứng nhận hợp quy ngày 31/11; Viettel có giấy chứng nhận hợp quy ngày 5/12…
Từ kinh nghiệm của ngành hàng không, hàng hải, việc yêu cầu áp dụng cabin điện tử là tình thế bắt buộc phải đưa vào chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, giúp học viên làm quen với các cung đường, điều kiện thời tiết, nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện để tham gia giao thông an toàn.
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN
“Trong khi theo Nghị định 63 về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, cũng như các quy định liên quan khác, việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện quy trình theo 5 bước với thời gian nhanh nhất là 62 ngày. Điều này dẫn đến công tác mua sắm, trang bị cabin điện tử tại các cơ sở đào tạo lái xe tại Quảng Ngãi không thể đảm bảo về mốc thời gian theo quy định”, ông Phong cho hay.
Ông Huỳnh Đức Thọ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Quảng Ngãi đề xuất cơ quan có thẩm quyền lùi thời hạn bắt buộc trang bị cabin điện tử tới ngày 31/3/2023 đối với các cơ sở đào tạo công lập để các đơn vị có thêm thời gian chuẩn bị.
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Đào tạo lái xe miền Trung (Bình Định) thì cho rằng, việc trang bị cabin điện tử của đơn vị gặp một số khó khăn, trong đó chủ yếu là giá cả quá cao.
Đại diện Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Bình Định cũng cho rằng, việc lắp cabin có theo đúng quy định hay không hiện nay phụ thuộc vào nhà cung cấp nhanh hay chậm: “Hiện, Công ty CP Đào tạo lái xe Tây Sơn cho biết, đã đăng ký với Công ty Ecotek, nhà cung cấp này hứa trong ngày 27/12 sẽ chuyển về 2 cabin. Một số đơn vị khác đã ký hợp đồng với nhà cung cấp và đang đợi nhận hàng”.
Theo ông Lê Văn Thạnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Long An, học viên của trường khoảng 300 - 400 người. Với quy mô này, trung tâm cần khoảng 3 - 4 thiết bị, giá dao động từ 450 - 550 triệu đồng/chiếc. Như vậy, nếu trang bị 4 cabin học lái thì đơn vị cần kinh phí từ khoảng 2 tỷ đồng trở lên. Qua cân đối, đơn vị chỉ có thể đầu tư 1 cabin.
“Đây là nguồn kinh phí quá lớn, trong khi học phí chỉ thu hơn 14 triệu đồng/học viên/khóa. Việc đầu tư này sẽ khó tránh khỏi việc tăng mức học phí”, ông Thạnh trần tình.
Không lùi thời hạn, không lắp không được sát hạch
Theo quy định, các cơ sở đào tạo lái xe công lập phải đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp cabin điện tử. Nhiều cơ sở cho rằng, trong thời gian ngắn không thể đáp ứng các thủ tục đấu thầu. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư đòi hỏi phải có từ 3 đơn vị chào giá cạnh tranh, trong khi hiện mới chỉ có 2 nhà cung cấp được chứng nhận có sản phẩm hợp quy.
Lý giải vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, theo Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn, khi đơn vị chứng nhận sản phẩm điều kiện hợp quy thì Cục Đường bộ VN sẽ công bố.
Đối với các cơ sở công lập, ngoài thực hiện các trình tự thủ tục đầu tư cabin tập lái, nếu thời gian gấp, có thể áp dụng hình thức thuê dịch vụ của các nhà cung cấp, thuê cabin sử dụng trong thời gian trước mắt. Hiện, có thêm 2 đơn vị đang làm thủ tục để được chứng nhận sản phẩm hợp quy để cung cấp sản phẩm cho thị trường. Đến thời điểm có thêm nhiều nhà cung cấp, giá thành sẽ giảm và có sự cạnh tranh.
Theo ông Thống, thiết bị cabin điện tử góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, giảm tai nạn giao thông, Bộ GTVT đã cho phép một lần lùi thời điểm áp dụng, đến nay phải bắt buộc thực hiện. Thông tư của Bộ GTVT cũng không quy định số lượng cabin các trung tâm phải trang bị. Tùy theo phân bổ kế hoạch đào tạo của các cơ sở quyết định đầu tư số lượng phù hợp, đảm bảo thời gian 3 giờ theo quy định.
“Số cabin đầu tư bao nhiêu phụ thuộc vào số lượng học viên cũng như kế hoạch đào tạo của các cơ sở, miễn sao đến khi dự sát hạch, học viên phải có giấy chứng nhận đã học đủ 3 giờ. Đây là quy định mở cho các trung tâm tự lập kế hoạch đầu tư.
Cục Đường bộ VN sẽ đôn đốc các sở GTVT trực tiếp kiểm tra, nếu cơ sở đào tạo nào không trang bị cabin, người học không đủ điều kiện sẽ không được dự sát hạch”, ông Thống khẳng định.
Cơ sở vi phạm sẽ bị phạt tiền, đình chỉ tuyển sinh
Theo Nghị định 138/2018 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, trước ngày 1/1/2023, cơ sở đào tạo phải trang bị thiết bị cabin điện tử tập lái.
Còn theo Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cơ sở đào tạo không đúng nội dung, chương trình, giáo trình theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng; đình chỉ tuyển sinh từ 2 - 4 tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận