Dù lái xe nghiệp dư hay chuyên nghiệp, một khi đã gây tai nạn, trách nhiệm trước pháp luật và với nạn nhân đều như nhau. Với tư cách một người từng trăn trở bao chuyến đi, tôi cho rằng điều này chẳng oan. Xe gặp sự cố dọc đường là do tài xế thiếu chăm sóc hoặc kém hiểu biết nguyên lý làm việc và cấu tạo các bộ phận an toàn trên xe mình. Có người đem xe đi kiểm định, đáng lẽ phải sửa chữa ngay các lỗi thiếu an toàn do nhân viên kiểm định phát hiện, lại năn nỉ hoặc hối lộ họ bỏ qua…
Theo tôi, tai nạn khó xảy ra trước đầu xe của một tài xế hiểu hết tính chất nghề nghiệp của mình. Người tài xế phải hiểu, sự sơ sểnh của mình sẽ làm mất một phần thân thể của nạn nhân, sẽ làm cho họ suốt đời sống trong cảnh tàn tật, tối tăm, nghèo đói, chán chường... Nếu nạn nhân qua đời, nỗi đau mất người thân của gia đình họ không gì bù đắp được. Tất nhiên, bạn sẽ mất hết gia sản để khắc phục tai nạn và vào tù với nỗi ân hận muộn màng.
Không cần nói đến đạo đức nghề nghiệp cho cao sang, hãy nghĩ đến cái giá phải trả khi gây tai nạn mà tài xế phải biết chăm sóc phương tiện trước mỗi chuyến đi. Không dùng chất kích thích như hút hít heroin, ma túy, rượu bia; không mờ mắt vì đồng tiền mà biết từ chối những chuyến hàng chở quá tải, hàng lậu; không cho xe lăn bánh khi nghi ngờ nó thiếu an toàn; hiểu địa hình đường sá và thời tiết nơi mình sẽ đi qua, nếu thấy không an toàn thì dừng lại... khi đó mới thật sự có những chuyến xe an toàn.
Người học muốn học nghề tài xế, nhất thiết phải tìm hiểu kỹ tính chất nghề mình chọn. Tính nóng nảy, hiếu thắng, thích ăn chơi, nhất thiết không chọn nghề này. Cha mẹ cũng phải biết tâm tính con cái mình để đưa ra lời khuyên trước khi các em quyết định chọn nghề này mưu sinh. Nếu đã chọn thì cần học hành nghiêm túc. Sự dễ dãi của một số trường dạy lái và những người không có lương tâm rủ rê bán bằng giả cho bạn là hại tương lai bạn đấy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận