Trưởng ban Dân nguyện Lê Thanh Hải: Tranh chấp chung cư đang trở thành vấn đề nóng, gây bất ổn xã hội và thị trường BĐS |
Trao đổi với PV Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định, tranh chấp chung cư đang trở thành vấn đề nóng.
“Khoảng 3 năm trở lại đây tỷ lệ và số lượng khiếu kiện tranh chấp các khu chung cư mà Ban Dân nguyện tiếp nhận đã gia tăng cao, chiếm từ 7-10% trong tổng các vụ việc tố cáo, chủ yếu diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM”, bà Hải cho biết.
Nội dung trong các đơn khiếu kiện và tố cáo chủ đầu tư các dự án của cư dân, chủ yếu xoay quanh việc lợi ích không gian chung bị xâm hại như: hành lang, khu vui chơi, cây xanh, bể bơi, phòng cộng đồng… không đảm bảo với hợp đồng đã ký hoặc bị chủ đầu tư chiếm dụng làm mục đích riêng.
“Ở một số chung cư, tình trạng bất hợp tác giữa cư dân với ban quản lý tòa nhà trở nên rất căng thẳng, dẫn đến hoạt động biểu tình, căng băng rôn phản đối…Ngược lại về phía ban quản lý, chúng tôi còn nhận được đơn tố cáo họ đã sử dụng hình thức cắt điện nước, dọa nạt, thậm chí có những hành vi khủng bố, uy hiếp làm ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống của người dân”, bà Hải cho hay.
Cư dân Capital Garden căng băng rôn biểu tình |
Theo bà Hải, việc giải quyết tranh chấp chung cư tiếp tục "nóng", một phần do chính sách còn lỗ hổng, bất cập để chủ đầu tư lợi dụng.
“Ban Dân nguyện đã tiếp nhận nhiều đơn thư khiếu nại của cư dân liên quan các vụ việc tranh chấp. Điển hình là cư dân tại chung cư Golden West (quận Thanh Xuân) do Công ty CP Phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) làm chủ đầu tư. Để giải quyết vụ việc, chúng tôi đã mời đại diện cơ quan chức năng, chủ đầu tư và cư dân. Trong buổi làm việc, đã đề nghị chủ đầu tư cung cấp hồ sơ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, thiết kế. Qua đó mới phát hiện chủ đầu tư đã có hồ sơ lấy ý kiến và chữ ký của người dân và tổ dân phố, song thực chất tất cả đối tượng này đều ở bên ngoài, không phải là cư dân được thụ hưởng công trình”, bà Hải dẫn giải.
“Trong thời gian tới, căn cứ trên tình hình thực tiễn, thực hiện trách nhiệm của mình, Ban Dân nguyện và cá nhân tôi sẽ trực tiếp tiếp nhận đơn thư, tiếp xúc cư dân để lắng nghe và có những kiến nghị đề xuất một cách quyết liệt hơn trong những vụ việc tranh chấp chung cư”, bà Hải nói và nhấn mạnh: “Nếu không được giải quyết dứt điểm, những mâu thuẫn sẽ còn diễn ra. Đây không chỉ là khiếu nại tố cáo thông thường mà còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội, thậm chí ảnh hưởng cả tới thị trường BĐS căn hộ, bởi khách hàng sẽ mất lòng tin”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận