Ông Nguyễn Hồng Điệp trong một lần tiếp dân |
Trở lại trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư vài ngày sau sự việc Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp bị một nhóm công dân tỉnh Bạc Liêu hành hung, đe dọa, nơi đây vẫn như còn nguyên không khí căng thẳng.
Trưởng ban tiếp dân mời, dân thẳng thừng từ chối
Tại trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư (số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội), ngày 30/5, không khí như ngột ngạt hơn bởi nhiều nhóm công dân tập trung giơ khẩu hiệu liên quan đến việc khiếu kiện, miệng liên tiếp hò hét.
Sau sự việc bị người khiếu nại tấn công, ông Điệp đã chủ động mời các cơ quan chức năng liên quan của T.Ư và địa phương, đồng thời mời nhóm công dân tỉnh Bạc Liêu lên làm việc để giải tỏa bức xúc, lắng nghe bà con. Tuy nhiên, nhóm công dân này nhất quyết đòi Chủ tịch tỉnh phải có mặt.
Được Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu ủy quyền ra Hà Nội, cùng Ban Tiếp công dân T.Ư gặp gỡ bà con, nhưng Phó chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam cũng phải “bó tay” vì bà con nhất quyết không chịu hợp tác. Vậy là tại Ban Tiếp dân hôm ấy diễn ra một buổi tiếp dân kỳ lạ: Các cơ quan chức năng liên quan có mặt đầy đủ, nhưng ngồi chờ gần một tiếng đồng hồ, dãy ghế dành cho công dân ngồi vẫn trống trơn. Công dân bức xúc nhưng không chịu hợp tác đối thoại. Trước đó, cán bộ của Ban Tiếp dân đã xuống tận sân để gặp nhóm công dân này, thuyết phục mời bà con lên phòng cùng làm việc, nhưng bà con không ai chịu hợp tác.
Sau khi kết luận buổi tiếp dân kỳ lạ ấy, ông Điệp buồn bã chia sẻ: “Sau sự việc bà con vì bức xúc quá mà có hành động khiến tôi bị ngã, tôi vẫn chủ động mời bà con lên đối thoại, nhưng rất tiếc không ai hợp tác. Nói thật, tôi cũng chưa bao giờ bị dân đối xử như thế cả, đây là lần đầu tiên nên tôi cũng khá sốc. Dù không có thương tích gì nặng nề, nhưng sự việc lại gây tổn hại về tinh thần, không chỉ với cá nhân tôi, mà còn cả với gia đình tôi và các cán bộ trong trụ sở tiếp công dân T.Ư”.
Nhóm công dân Bạc Liêu gồm 9 người, đến đây đã 2 tháng để khiếu kiện về nhiều vụ việc liên quan đến từng cá nhân trong nhóm, dù đã được tiếp, được hướng dẫn xử lý nhưng bà con chưa nghe mà nhất định bám trụ ở đây khiếu kiện.
Gắn bó với lĩnh vực “xương” nhất
Rời phòng tiếp dân, PV Báo Giao thông cùng ông Điệp về phòng làm việc để trao đổi, nhưng chỉ từ tầng 4 xuống tầng 3, cứ đi được vài bước, lại có người dân chạy đến níu tay ông hỏi về chuyện này, chuyện kia hay hỏi về các thủ tục khiếu kiện. Dù đã có hẹn với phóng viên, ông Điệp vẫn không ngại dừng lại mỗi nơi vài phút để nói chuyện, hướng dẫn cho bà con yên tâm.
Vào đến phòng, ông nhẹ nhàng nói: “Nhà báo thông cảm nhé, cứ nhìn thấy tôi ở đâu là dân chạy đến hỏi. Dù có khi đã được cán bộ ở đây giải thích rồi, nhưng họ nói cứ muốn hỏi Trưởng ban một lần nữa cho yên tâm”. Chuyển về công tác tại đây từ năm 2010, mọi người đều nói đây là lĩnh vực “xương” nhất, nhưng ông Điệp coi như một cái duyên nên quyết gắn bó cho đến nay.
Từ khi làm việc tại đây, mỗi tháng tôi tiếp ít nhất 10 đoàn đông người, còn tiếp dân riêng lẻ nhiều không thể đếm được. Cũng có những bức xúc, những khi dân không hiểu mình, nhưng chưa bao giờ bị dân hành hung như vừa qua. Tôi coi đó như một “tai nạn nghề nghiệp” vì dân chưa hiểu mình. Ông Nguyễn Hồng Điệp |
Là người đứng đầu cơ quan, ngoài việc xử lý tiếp dân, ông Điệp còn phải dành khá nhiều thời gian xử lý đơn thư, tổng hợp, kiểm tra công tác tiếp dân tại cơ quan. Tuy nhiên, với hầu hết các đoàn đông người, các vụ việc bức xúc, phức tạp, ông đều dành thời gian tiếp dân.
Kể về thời gian đầu tiếp xúc với công việc tại đây, ông Điệp tâm sự: “Thời gian đầu rất áp lực, tôi không thể tưởng tượng được những áp lực trong công việc tại đây nên cũng bị sốc một thời gian. Sau này, nhờ được mọi người động viên, người dân yêu mến vì có những lời thuyết phục được họ khi tham gia các buổi tiếp dân, tôi thấy đỡ áp lực hơn, cũng yêu công việc này hơn”.
Nhắc đến sự việc ông bị một nhóm công dân hành hung mới đây, ông không giấu nổi vẻ buồn bã: “Lúc bị đẩy ngã, thực sự tôi rất buồn. Nhưng nghĩ đến sau nhiều lần tiếp dân, có nhiều bà con yêu mến, có người viết thư cảm ơn, rồi có người làm cả thơ tặng, tôi lại thấy nhẹ nhõm hơn. Sau sự việc mới xảy ra, gia đình, bố mẹ, vợ con tôi đều tỏ ra vô cùng lo lắng, thậm chí mẹ tôi nằng nặc bắt tôi viết đơn xin nghỉ phép và tôi cũng đã viết rồi. Nhưng sau một đêm suy nghĩ, tôi thấy mình là người đứng đầu cơ quan nên cần phải có trách nhiệm là chỗ dựa tinh thần cho các anh em trong cơ quan”.
Theo ông Điệp, bất cứ cán bộ nào làm tại trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư đều phải chịu áp lực vì “không biết tai họa đổ xuống đầu mình lúc nào”. “Chúng tôi không có bất cứ lực lượng nào bảo vệ, cơ quan chỉ thuê được vài người bảo vệ, trong khi bà con khiếu kiện thì rất đông và luông trong tâm trạng bức xúc. Như khi tôi bị đẩy ngã, chỉ có 2 bảo vệ ở đó nên không thể làm được gì, sự việc xảy ra rồi mới có thể gọi điện báo công an”, ông Điệp nói và cho biết, ngoài lần bị hành hung, số lần ông bị chặn xe, đe dọa nhiều không thể đếm được. Thực tế, cũng đã có cán bộ tại đây bị chém với thương tật hơn 13%. “Dù có xử lý thế nào cũng chỉ là giải quyết về mặt hậu quả, còn tâm lý nặng nề để lại cho cán bộ là vô cùng lớn”, ông Điệp chia sẻ.
“Đúng phải kết luận đúng, sai phải nói sai”
Ông Điệp bị dân hành hung ngay tại trụ sở ngày 24/5 vừa qua |
Theo ông Điệp, người dân khiếu kiện nhiều hơn, bức xúc của dân ngày càng tăng lên do nhiều nguyên nhân, trong đó hầu hết các vụ khiếu kiện đều có liên quan đến cơ chế chính sách về vấn đề đất đai. Dân lên T.Ư khiếu kiện, bức xúc một phần vì muốn gây sức ép với chính quyền để sớm giải quyết thỏa đáng khiếu kiện của dân, nhưng một phần khác là do dân không được tạo điều kiện đối thoại với lãnh đạo địa phương nên họ cảm thấy không được tôn trọng.
Hỏi ông Điệp về những yếu tố cần thiết nhất đối với một cán bộ tiếp dân để làm sao có thể giải tỏa bớt bức xúc cho dân, thuyết phục được dân, ông Điệp nhấn mạnh, từ trước đến nay, chưa có nơi nào đào tạo chuyên về vấn đề này. Nhưng trước hết, một cán bộ tiếp dân phải có lòng thương dân, nếu không thương dân thì không thể tiếp dân được, hoặc có tiếp cũng không chất lượng và dễ dẫn đến xô xát. Thứ hai, cán bộ tiếp dân phải có trình độ hiểu biết để hướng dẫn cho dân, hiểu biết cả về chuyên môn và kiến thức xã hội, vì dân đến đây xuất phát từ nhiều địa vị, xuất thân khác nhau nên phải nắm được để có nghệ thuật thuyết phục dân.
“Quan trọng hơn cả là thực sự phải có bản lĩnh, đúng phải kết luận đúng, sai phải nói sai. Đôi khi, sẽ có áp lực, vì nếu mình khẳng định người dân đúng tức là mình đối đầu với chính quyền, còn nếu mình không bảo vệ dân lại không tiếp dân được. Nhưng ngược lại, chính quyền làm đúng phải khẳng định là đúng, không được nói khác với dân khiến dân bức xúc và khiếu kiện kéo dài”, ông Điệp chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận