94 người chết, hơn 900 người bị thương trong các cuộc biểu tình, nhiều người trong số đó thiệt mạng bởi các tay súng bắn tỉa |
Lính bắn tỉa thuộc NATO?
Hôm qua, các hãng thông tấn lớn đều dẫn lời đại diện Bộ Ngoại giao Estonia khẳng định tính xác thực của đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao nước này Urmas Paet với bà Catherine Ashton - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU. Trong cuộc nói chuyện, hai quan chức này không chút e dè khi thảo luận về một trong những thủ lĩnh đối lập thuê các tay súng bắn tỉa những người có mặt ở quảng trường trung tâm Thủ đô Kiev trong các cuộc biểu tình tại đây.
Trước đây, việc xuất hiện những tay súng này được cho là do tổng thống thất thế Viktor Yanukovych đưa tới nhằm trấn áp biểu tình. Nhưng trong cuốn băng ghi lại cuộc điện đàm nói trên, ông Urmas Paet nói rằng, ngày càng nhiều người tin rằng đứng sau các tay súng là một ai đó trong liên minh cầm quyền chứ không phải ông Viktor Yanukovych. Những bằng chứng hiện trường, các bức ảnh, báo cáo khám nghiệm của bác sỹ cho thấy cả cảnh sát và người biểu tình đều bị bắn bởi cùng một loại đạn”. Ông Paet bày tỏ sự lo ngại khi “liên minh mới ở Ukraine không muốn điều tra chính xác những gì đã xảy ra”. Đáp lời, vị đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại chỉ nói ngắn gọn “sự việc cần phải được điều tra kỹ lưỡng”. Sau khi im lặng vài giây, ông Paet nhấn mạnh “họ (các tay súng – PV) đã hạ sát hàng chục người”. Đồng thời, ông Paet khẳng định việc này cần được điều tra độc lập.
Thời gian diễn ra cuộc nói chuyện được xác định vào ngày 26/2 - trước thời điểm thành lập Chính phủ lâm thời. Cuộc nói chuyện diễn ra sau khi ông trở về từ Kiev. Tại đây ông đã nói chuyện với một đại diện của phe đối lập Ukraine và được thông báo có sự xuất hiện của các tay súng bắn tỉa. Khi đó, phe đối lập cố thuyết phục ông Paet không mở rộng điều tra vụ việc. Thông tin chấn động nhất trong cuộc điện thoại bị rò rỉ là ông Paet cho rằng “có thể phe đối lập đã thuê những tay bắn tỉa này trong hàng ngũ NATO”.
Ngày 5/3, bà Minna-Liina Lind - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Estonia đã xác nhận tính xác thực của các đoạn ghi âm cuộc nói chuyện trên và cho biết ông Paet “lấy làm tiếc” về sự việc bị rò rỉ. Sau đó, Bộ Ngoại giao Estonia lên tiếng cải chính, đó là quan chức ngoại giao chứ không phải Ngoại trưởng Urmas Paet.
Hai ngày qua, báo giới Nga cáo buộc các nhà ngoại giao EU biết tỏng mọi việc nhưng đã làm ngơ.
Truy nã thủ lĩnh cực hữu
Trong một diễn biến khác (chưa xác định có liên quan hay không), Ủy ban Điều tra Nga (IC) đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với Dmitry Yarosh, thủ lĩnh Right Sector - một trong hai phong trào cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ukraine, phong trào kia là Tự do (Svoboda). Trong một tuyên bố, ông Vladimir Markin – Đại diện IC cho biết: "Dmitry Yarosh nằm trong danh sách bị truy nã quốc tế của Interpol". Ngoài ra “Yarosh sẽ bị xét xử vắng mặt với mức án 7 năm tù vì đã kêu gọi hành động khủng bố cực đoan tiến hành trên đất Nga”.
Liên quan tới tình hình Ukraine, Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson lên tiếng phản đối việc đặc phái viên Robert Serry đã bị các tay súng không rõ danh tính đi theo đe dọa bên ngoài một trụ sở hải quân và cảnh báo ông này nên rời Crimea. Ông Robert Serry sau đó đã rời Crimea về Kiev.
Hôm qua (6/3), tại Rome (Italia) tiếp tục diễn ra cuộc gặp giữa ngoại trưởng Nga và Mỹ thảo luận việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Cùng ngày, người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước EU sẽ họp phiên khẩn cấp về tình hình tại Ukraine.
Ngọc Tiến
Cộng hòa tự trị Crimea ra nhập Nga?
X.M |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận