Sáng 5/6, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐBQH về nhóm vấn đề xây dựng và quản lý trật tự đô thị.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đặt câu hỏi về việc Bộ Xây dựng có nhiệm vụ thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình dân dụng, các dự án, công trình cấp đặc biệt, các công trình nhà ở từ 25 tầng trở lên thuộc các nguồn vốn khác. “Vậy xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của cá nhân về tình trạng có quá nhiều nhà cao tầng được xây dựng với mật độ rất cao tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội?”, ĐB Mai hỏi.
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai cũng đặt câu hỏi về các khu đô thị bỏ hoang tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Theo ĐB, hiện nay đang có 47 dự án với 2.000 ha được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch 1/500. Tuy nhiên kể từ khi Mê Linh chuyển về Hà Nội từ tháng 8/2008 đến nay các dự án đang bị đình trệ không triển khai được. “Dân thì thiếu đất canh tác, trong khi 2.000 ha đất để hoang hóa, nhà đầu tư thì sống dở chết dở. Vậy xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này?", bà Mai chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng có chức năng thẩm định công trình cấp đặc biệt từ 25 tầng trở lên theo luật xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch phân khu đối với công trình tập trung và quy hoạch riêng lẻ với quy hoạch 1/500 thuộc thẩm quyền địa phương. “Nếu quy hoạch do địa phương phê duyệt nhưng không phù hợp mà dẫn tới việc xây dựng nhà cao tầng với mật độ cao là trách nhiệm của địa phương. Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh, kiểm tra”, ông Hà nói.
Liên quan đến dự án đầu tư khu đô thị Mê Linh, ông Hà cho biết dự án được lập năm 2004, do Bộ Xây dựng lập và thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt, chính quyền địa phương lập quy hoạch chi tiết và xúc tiến đầu tư. Năm 2008 huyện Mê Linh sáp nhập vào TP. Hà Nội. Thời điểm đó, Hà Nội đã rà soát để bảo đảm phù hợp quy hoạch chung.
“Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu đô thị Mê Linh, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.Hà Nội đầu tư một số công trình giao thông kết nối khu vực này với khu lân cận. Ngoài ra cần rà soát điều chỉnh bố trí tổng mặt bằng khu đô thị nếu cần thiết. Hà Nội cũng cần rà soát năng lực, chọn chủ đầu tư có kinh nghiệm, đủ vốn để thực hiện dự án được giao”, ông Hà trả lời.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) dẫn báo cáo chuyên đề của Quốc hội về quy hoạch thì mật độ đô thị của Hà Nội và TP.HCM được điều chỉnh từ 24,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20,33 tầng lên đến 40 tầng đã làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của đô thị, gây quá tải cho quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông. Từ đó, ĐB chất vấn: “Vậy quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này như thế nào?”.
Trả lời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đưa ra quan điểm UBND TP Hà Nội, TP.HCM khi thực hiện việc điều chỉnh mật độ xây dựng, chiều cao của các khu vực trong nội đô phải tuân thủ quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt. “Trường hợp thay đổi do thực tiễn địa phương, cần lập hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định để báo cáo Thủ tướng. Đồng thời đầu tư tập trung đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông để đáp ứng nhu cầu và tránh quá tải về hạ tầng”, ông Hà nói.
Kết thúc phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhóm vấn đề về xây dựng có 49 lượt đại biểu đặt câu hỏi, 9 đại biểu tham gia tranh luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận