Sau khi Báo Giao thông điện tử mở diễn đàn “Dẹp loạn vỉa hè, đừng hô hào nữa!”, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Phần lớn ý kiến đều đồng tình đề nghị chính quyền các thành phố phải quyết tâm lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng cách nào để dẹp loạn được vỉa hè? Đây là bài toán không dễ.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của TS. Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT, thì việc dẹp loạn vỉa hè không khó, nếu...
TS. Lê Đỗ Mười
Quản lý chồng chéo
Từ chục năm qua, chính quyền các thành phố lớn thường xuyên phát động chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, tuy nhiên, kết quả dường như là số 0. Theo ông, vì sao việc dẹp loạn vỉa hè lại khó đến vậy?
Về việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ, các thành phố trên cả nước đã mở rất nhiều chiến dịch, đưa vào rất nhiều kế hoạch, đề án, hô hào quyết tâm cũng rất nhiều. Tuy nhiên, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa làm đến nơi đến chốn, đến tận cùng của vấn đề.
Quản lý vỉa hè thì chồng chéo, có những phần do quận, huyện quản lý, có phần lại thuộc quản lý của Sở GTVT, thậm chí có những phần thuộc Sở Xây dựng quản lý. Điều này dẫn đến việc khó tìm tiếng nói chung.
Thực tế, vỉa hè là nơi mưu sinh của rất nhiều người, là nguồn kinh tế nuôi sống nhiều thành phần, phải chăng đó là nguyên nhân khiến người ta “ngại” làm quyết liệt?
Cũng phải nói thẳng là khi cơ quan chức năng tiến hành giành lại vỉa hè cho người dân thì cũng có rất nhiều người bị ảnh hưởng.
Không thể phủ nhận rằng, vỉa hè thực tế là nơi nuôi sống nhiều người, nhiều gia đình, điển hình như khu phố cổ Hà Nội. Vì vậy họ sẽ quyết liệt bám trụ. Lực lượng chức năng xử lý xong một thời gian là họ lại tiếp tục lấn chiếm.
Nhưng chúng ta cũng cần phải khẳng định quan điểm là cần phải trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ chứ không vì lợi ích của một nhóm nhỏ người mà lấy đi quyền đi lại an toàn của nhiều người.
Với những hộ gia đình điều kiện khó khăn, các địa phương cũng phải có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện, giúp chuyển đổi sinh kế, có như vậy việc quản vỉa hè mới bền vững, lâu dài.
Làm quyết liệt, không ai dám bảo kê
Lực lượng chức năng phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tuần tra, xử lý các hộ kinh doanh cố tình bày bán hàng hóa, lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn trong sáng 1/3. Ảnh: Tạ Hải
Từng có lãnh đạo Hà Nội tuyên bố không dẹp được lấn chiếm vỉa hè, sẽ chỉ đích danh “chỗ nào của bí thư quận, chỗ nào của chủ tịch quận, chỗ nào có trưởng công an phường hay lãnh đạo sở, ngành đứng sau”. Có ý kiến cho rằng việc xử lý sẽ động chạm đến các nhóm lợi ích nên mới khó khăn đến vậy, quan điểm của ông thế nào?
Tôi cho rằng khó tránh được những suy nghĩ về việc có lợi ích nhóm ở vỉa hè, có sự khuất tất. Nhưng việc này cũng chỉ chiếm một tỷ lệ không lớn và nếu làm quyết liệt thì chắc chắn vẫn dẹp được vi phạm vỉa hè.
Những vi phạm, lấn chiếm vỉa hè là cái hiển hiện, không thể giấu được, ai cũng có thể thấy. Nên nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc, đừng nói chuyện có thể giấu giếm, bao che vi phạm. Việc quy trách nhiệm cũng không hề khó. Chỉ cần quyết tâm, làm mạnh, phạt nghiêm, có muốn bảo kê, bao che cũng không dễ.
Đang có 2 luồng quan điểm. Một bên cho rằng, công năng của vỉa hè là để dành cho người đi bộ, không thể là nơi kinh doanh buôn bán, để xe. Một bên cho rằng, trong khi hệ thống giao thông tĩnh chưa đáp ứng nhu cầu thì cũng nên tận dụng một phần vỉa hè để làm nơi để xe, đỗ xe. Theo ông thì nên như thế nào?
Hiện tiêu chuẩn vỉa hè của chúng ta cũng chưa được đồng bộ. Có tuyến chỉ 1m, có tuyến 1,2m, có tuyến tận 5m. Đây chính là khó khăn cho cơ quan quản lý khi muốn đưa ra một tiêu chuẩn chung, đồng nhất để quản lý vỉa hè.
Vì vậy, các thành phố cần rà soát lại vỉa hè một cách chuẩn xác giống như cách mà Hà Nội đã làm trong những năm 2015 - 2016 và quy định rõ những tuyến phố nào điều kiện như thế nào được để xe, những tuyến phố nào được kinh doanh, kinh doanh thì như thế nào, biển báo ra sao…
Thực tế thì nhiều nước châu Âu vẫn cho kinh doanh trên vỉa hè, ông thấy ta có thể học gì từ họ?
Trên thế giới, kể cả tại những nước tiên tiến, người dân có thu nhập bình quân rất cao như châu Âu thì chính quyền vẫn cho để xe trên vỉa hè, thậm chí cả ở một phần lòng đường với những tuyến có lưu lượng giao thông ít.
Tôi cho rằng, chúng ta cũng nên rà soát lại các vỉa hè, tận dụng những tuyến nào có thể cho người dân để xe, những tuyến nào có thể cho thuê vỉa hè để trông xe hoặc bán hàng, phát triển du lịch.
Còn tất nhiên, việc lấn chiếm vỉa hè, treo biển báo để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị thì phải nghiêm cấm, phải phạt nặng.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, việc cho thuê vỉa hè ở đây không phải là để tận thu mà là để tránh lãng phí, cũng là để tạo điều kiện cho người dân trong bối cảnh đất dành cho giao thông tĩnh của ta chưa đáp ứng, nhu cầu để xe, gửi xe của người dân là có thật.
Nếu làm quá cực đoan sẽ khó mà thành công. Vì vậy phải linh động, linh hoạt, tất nhiên là linh hoạt trong khuôn khổ, có sự quản lý, có điều tra, khảo sát rõ.
Để xe ở đây theo ý ông là để ô tô hay xe máy?
Tuyến nào đủ tiêu chuẩn thì cho để ô tô, tuyến nào không đủ tiêu chuẩn thì chỉ cho để xe máy, không nên cứng nhắc mà phải linh hoạt.
Cần rõ trách nhiệm
Lực lượng chức năng phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ra quân nhắc nhở và yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè trong sáng 1/3. Ảnh: Tạ Hải
Theo ông thì những quy định về xử lý vi phạm vỉa hè hiện nay đã hiệu quả và đã đủ sức răn đe?
Tôi lấy ví dụ cụ thể về hành vi đỗ xe trên vỉa hè. Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sẽ áp dụng mức phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật”; đỗ xe nơi có biển “cấm đỗ xe” hoặc biển “cấm dừng xe và đỗ xe”.
Tôi cho rằng, mức phạt này vẫn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Để họ không dám vi phạm, cần phải tăng cao hơn.
Nhiều người cho rằng, cần quyết liệt hơn, thậm chí thu xe, tước bằng lái của chủ xe cố tình đậu đỗ trên vỉa hè… Theo ông có nên không?
Quan điểm của tôi là phải làm theo luật, không thể làm gì trái pháp luật được.
Nhưng chúng ta có thể đề nghị sửa luật nếu quy định hiện hành chưa đủ mạnh?
Ý tôi là chúng ta vẫn phải triển khai trước, từng bước, bài bản, bền bỉ, đồng bộ, quyết liệt, hợp tình hợp lý. Trong quá trình làm, vướng ở đâu kiến nghị ở đó, cần thiết thì tiếp tục đề nghị sửa luật, sửa nghị định, sửa thông tư.
Tuy nhiên, cũng không thể bó tay chờ sửa luật rồi mới làm. Lập lại trật tự vỉa hè là điều cần làm ngay. Cần có những cam kết từ tổ dân phố, từ người dân về việc chấp hành nghiêm quy định về vỉa hè, lòng đường.
Ông vừa nói vi phạm vỉa hè không thể giấu được, tức là rất dễ giám sát. Vậy theo ông, ngoài trách nhiệm của người dân, của tổ dân phố, có nên gắn trách nhiệm quản vỉa hè cho chính quyền địa phương,cụ thể là của UBND quận, phường? Ai không làm hoặc không làm được thì phải chịu kỷ luật?
Rõ ràng việc thất bại trong chiến dịch giành lại vỉa hè trước đây có một phần là do “ai làm tốt không được khen, ai làm không tốt không bị xử lý”.
Do đó, vấn đề quy trách nhiệm là rất quan trọng. Rõ trách nhiệm như bạn nói mới có thể làm tốt, làm nghiêm và mới có thể xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm.
Cảm ơn ông!
TS. Vũ Anh Tuấn, chuyên gia giao thông, giảng viên Đại học GTVT:
Nên lắp camera giám sát
Lực lượng tuần tra, kiểm soát không thể thực hiện 24/7 được nên chỉ mang lại một hiệu quả nhất định. Do đó, cùng với việc tuần tra thì cần phải lắp đặt camera giám sát để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Lắp đặt camera vỉa hè có thể kết hợp với camera giao thông để việc giám sát vi phạm được toàn diện, liên tục.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật:
Tái vi phạm phải xử lý hình sự
Thực tế, người dân đều nhận thức được hành vi của mình là sai quy định nhưng họ vẫn cố tình xem thường pháp luật. Việc kinh doanh buôn bán liên quan đến việc mưu sinh của mỗi người dân, nhưng sự việc này cần phải sớm khắc phục để tránh tình trạng gây mất ATGT.
Dẹp loạn vỉa hè, ngoài việc xử phạt hành chính, nên bổ sung hình phạt hành vi tái phạm và tiến tới truy trách nhiệm hình sự. Đồng thời tăng cường tuyên truyền về những quy định này để người dân nắm được, có như vậy mới thể hiện được tính răn đe.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP luật sư Kết nối:
Xử lý vi phạm phải thường xuyên
Bên cạnh tăng nặng mức xử phạt, các lực lượng chức năng trên địa bàn cần quyết liệt ra quân, xử phạt, lập chốt trực 24/24h. Ngoài ra, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT đối với các hộ gia đình kinh doanh; nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành cho nhân dân.
Việc làm nghiêm, làm chặt và gia tăng hình thức xử phạt là cần thiết để mang tính răn đe. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm phải duy trì thường xuyên bởi việc chỉ làm rầm rộ trong thời gian ngắn và tại 1 vài điểm sẽ không đem lại lợi ích lâu dài.
TS. Nguyễn Hiếu, Trường Đại học GTVT:
Tịch thu phương tiện, tước bằng lái
Tôi đề xuất cần phải xử lý nghiêm vi phạm vỉa hè thông qua việc thu giữ phương tiện, hàng hóa, tước giấy phép lái xe của các đối tượng vi phạm và tái phạm nhiều lần. Việc làm nghiêm như vậy chắc chắn sẽ tạo ra sự răn đe, không ai còn dám buôn bán, để xe bừa bãi trên vỉa hè nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận