Thời sự

Từ 1/1/2016: Được lợi gì khi có thẻ căn cước công dân?

24/12/2015, 07:18

Khi được cấp thẻ căn cước công dân, người dân không phải mất công xin dấu xác nhận ở phường,...

4_5
Thẻ căn cước thay thế các giấy tờ công dân như: sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn...

Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết, từ ngày 1/1/2016, sẽ có 16 địa phương trên cả nước thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân.

Trong đó, 14 địa phương đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để cấp Căn cước công dân theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Cần Thơ và Tây Ninh.

Công tác chuẩn bị đã hoàn tất

Đại tá Thắng cũng cho biết, Bộ Công an đang cố gắng hoàn thiện cơ sở kỹ thuật để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình đủ tiêu chuẩn cấp thẻ Căn cước công dân từ đầu năm 2016, các địa phương còn lại vẫn tiến hành cấp mới, cấp đổi CMND cũ như bình thường.

“Chỉ chờ ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực, chúng tôi sẽ chuyển đổi từ CMND loại 12 số sang cấp Căn cước công dân. Việc này không gây phát sinh gì thêm, tuy nhiên, khi thay đổi giao diện và các thông tin theo luật, do các thông tin trên CMND trước kia ít hơn trong Căn cước công dân, nên chúng tôi sẽ tiến hành tập huấn thêm cho anh em làm nhiệm vụ.

Việc tập huấn đến nay cũng đã xong, mỗi tỉnh chỉ tập huấn một ngày”, Đại tá Phùng Đức Thắng nói và cho biết, năm 2016, Bộ Công an sẽ tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện cấp CMND mới 12 số (giai đoạn 1) và sau đó lập đề án, xin cấp kinh phí để mở rộng cấp Căn cước công dân với mục tiêu đến ngày 1/1/2020 sẽ cấp Căn cước công dân trên toàn quốc. Như vậy, từ ngày 1/1/2016, sẽ có ba loại giấy tờ cùng lưu hành là CMND 9 số, CMND 12 số và Căn cước công dân. Ba loại giấy tờ này có giá trị sử dụng ngang nhau.

Trước đó, khi thảo luận về Luật Căn cước công dân tại Quốc hội, nhiều ĐBQH băn khoăn, nếu Căn cước công dân chưa được in thông tin song ngữ Việt - Anh và không có thông tin về nhóm máu thì liệu có đảm bảo hội nhập với quốc tế. Lý giải điều này, Đại tá Thắng cho biết: “Chúng tôi cũng muốn đưa các thông tin đó vào, nhưng khi thảo luận ở Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc đưa thông tin về nhóm máu sẽ gây phiền hà, tốn kém cho người dân khi phải làm thêm các xét nghiệm.

Ngoài ra, hiện nay, Việt Nam chưa ký cam kết với các nước trong khu vực về sử dụng thẻ căn cước công dân. Sau này, theo lộ trình, khi chúng ta ký kết với các nước thì thông tin song ngữ trên thẻ Căn cước công dân sẽ được điều chỉnh cho phù hợp”.

Thay giấy khai sinh, sổ hộ khẩuTại Hà Nội, Thượng tá Nguyễn Danh Quảng, Phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Công an TP Hà Nội cho biết, thành phố cũng đã sẵn sàng cho việc cấp Căn cước công dân.Theo Thượng tá Quảng, việc tiến hành cấp Căn cước công dân thay cho CMND được thực hiện trên nền cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân lực của việc cấp CMND trước đó, nên việc này hoàn toàn không làm phát sinh thêm chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực.

“Tuy nhiên, cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ cấp thẻ căn cước công dân phải được tập huấn thêm về công nghệ thông tin, làm quen với phần mềm căn cước công dân, nghiệp vụ làm căn cước công dân”, Thượng tá Quảng nói và cho biết thêm, những công việc này đến nay đã hoàn tất.

Nhấn mạnh về lợi ích của thẻ căn cước công dân, Thượng tá Quảng cho rằng, về mặt thủ tục, khi cấp căn cước công dân thì công dân không phải xin xác nhận qua công an phường, xã nữa. Việc này cũng bớt được một khâu cho người dân, cũng là một bước tiến trong công tác cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, Luật căn cước công dân quy định, khi công dân xuất trình căn cước công dân thì cơ quan chức năng không được đòi hỏi giấy tờ khác như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu vì ngày, tháng, năm sinh, nơi thường trú của công dân đều được thể hiện đầy đủ trên thẻ căn cước công dân. Qua việc cấp thẻ căn cước công dân, Nhà nước cũng sẽ xây dựng được kho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo chiến lược của Bộ Công an, thẻ căn cước công dân sẽ dần thay thế sổ hộ khẩu.

Thẻ căn cước công dân còn được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Tuy nhiên, chúng ta chưa ký kết thỏa thuận này với nước nào.  

Ngoài ra, theo Thượng tá Quảng, người sử dụng CMND loại 9 số hoặc 12 số vẫn còn giá trị sử dụng thì tới đây chưa nên làm thẻ căn cước công dân, bởi có thể trong thời gian đầu tiến hành cấp thẻ, lượng người đến đăng ký sẽ rất đông.

Thẻ căn cước khác CMND chỗ nào?

Theo Đại tá Phùng Đức Thắng, thẻ căn cước công dân cơ bản chỉ khác CMND về tên gọi. Theo Luật Căn cước công dân, khi có cơ sở dữ liệu dân cư thì số CMND, sau này là số căn cước công dân sẽ là số định danh cá nhân.

Mỗi lần đến các cơ quan hành chính công giao dịch, công dân chỉ cần trình thẻ căn cước công dân, cơ quan chức năng sẽ lấy số định danh để truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu, sau đó lấy thông tin của công dân. Vì vậy, công dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu hay giấy khai sinh và những giấy tờ khác như hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.