Zawahiri, 71 tuổi, vừa bị tiêu diệt trong một chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. Thông báo được Tổng thống Joe Biden đưa ra trong bài phát biểu trên truyền hình trực tiếp vào tối thứ Hai (ngày 1/8). Các quan chức Mỹ cho biết cuộc tấn công diễn ra vào Chủ nhật tại thủ đô Kabul của Afghanistan.
Dù Al Qaeda dưới thời Zawahiri đã bị gạt ra ngoài làn sóng Mùa xuân Ả Rập năm 2011 cũng như suy yếu về khả năng phối hợp toàn cầu sau khi các chiến dịch không kích của Mỹ giết chết hàng loạt cấp phó của Zawahiri thì người này vẫn duy trì được các nhóm liên minh trên khắp thế giới và thúc giục họ tiến hành các cuộc bạo loạn tại nhiều nơi.
Xuất thân danh giá và bước ngoặt khiến Zawahiri cực đoan hóa
Sinh năm 1951 trong một gia đình nổi tiếng ở Cairo, Zawahiri là cháu trai của đại tư tế đền Al Azhar, một trong những nhà thờ quan trọng nhất của thế giới Hồi giáo. Zawahiri được lớn lên ở vùng ngoại ô Maadi của Cairo, nơi thường xuyên có sự tiếp xúc với văn hóa nước ngoài. Là con trai của một bác sĩ phẫu thuật và cũng là tín đồ Hồi giáo, Zawahiri lần đầu gia nhập chủ nghĩa chính thống Hồi giáo vào năm 15 tuổi.
Sau này, Zawahiri bị ảnh hưởng từ những ý tưởng cực đoan của nhà văn Hồi giáo Ai Cập Sayyid Qutb - một người từng bị hành quyết vào năm 1966 với tội danh âm mưu lật đổ nhà nước.
Hình ảnh thông tin truy nã của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đối với Ayman al-Zawahiri
Ban đầu, Zawahiri cũng là một người căm ghét bạo lực, theo học tại khoa Y thuộc Đại học Cairo, tốt nghiệp năm 1974 và lấy bằng thạc sĩ phẫu thuật 4 năm sau đó. Những người từng học với Zawahiri vào những năm 1970 mô tả Zawahiri là một người sôi nổi với những thú vui như bao người bình thường khác như đến rạp chiếu phim, nghe nhạc và vui đùa cùng bạn bè.
Nhưng tất cả đã thay đổi khi Zawahiri bị bắt năm 1981 cùng với một nhóm các nghi can thực hiện vụ ám sát Tổng thống Ai Cập tại một cuộc duyệt binh quân sự. Đó cũng là lần đầu tiên thế giới biết đến một mặt khác của Zawahiri.
Trong phòng xử án sau vụ ám sát Tổng thống Ai Cập Anwar al-Sadat, Zawahiri lên tiếng gay gắt về việc các nghi can đã bị tra tấn dã man trong tù.
"Họ bắt những người vợ, người mẹ, người cha, chị em gái và con trai ngay trong phiên tòa để gây áp lực tâm lý lên những tù nhân vô tội", Zawahiri hé lên.
Thủ lĩnh al Qaeda Ayman al-Zawahiri.
Zawahiri mặc áo choàng trắng cùng các bị cáo khác thể hiện sự phẫn nộ, phản đối hiệp ước hòa bình giữa Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin và tuyên bố sẵn sàng hy sinh nhiều hơn nữa cho đến khi Hồi giáo chiến thắng.
Trong phiên xét xử đó, Zawahiri chỉ phải ngồi tù ba năm vì tội tàng trữ vũ khí bất hợp pháp.
Những người cùng ở trong tù với Zawahiri cho biết tình trạng khắc nghiệt trong tù đã khiến Zawahiri ngày càng cực đoan hóa và đưa ông ta vào con đường tham gia các nhóm nổi dậy toàn cầu.
Chuỗi hành động cực đoan, hiếu chiến của Zawahiri
Là một bác sĩ phẫu thuật được đào tạo, nên Zawahiri thường được gọi với biệt hiệu là ‘Bác sĩ’ (The Doctor), Zawahiri đã đến Pakistan khi được trả tự do, tham gia điều trị cho những du kích Hồi giáo tham gia thánh chiến (mujahideen) bị thương ở Afghanistan khi chiến đấu với lực lượng Liên Xô.
Trong thời gian đó, al-Zawahiri gặp Osama bin Laden và tìm thấy tư tưởng chung.
Lên nắm quyền lãnh đạo tổ chức Thánh chiến Hồi giáo ở Ai Cập vào năm 1993, Zawahiri là nhân vật hàng đầu trong một chiến dịch vào giữa những năm 1990 nhằm lật đổ chính phủ và thành lập một nhà nước Hồi giáo thuần túy. Hơn 1.200 người Ai Cập đã thiệt mạng trong vụ bạo loạn này.
Sau vụ ám sát, vào tháng 6/1995, Tổng thống Hosni Mubarak, chính quyền Ai Cập đã tiến hành một cuộc đàn áp đối với tổ chức Thánh chiến Hồi giáo. Zawahiri tiếp đó đã đáp trả bằng cách ra lệnh tấn công vào đại sứ quán Ai Cập ở Islamabad năm 1995. Hai chiếc xe chở đầy chất nổ đã đâm qua cổng của khu nhà khiến 16 người thiệt mạng.
Năm 1999, một tòa án quân sự Ai Cập đã tuyên án tử hình vắng mặt đối với Zawahiri. Vào lúc đó, Zawahiri đã ở bên cạnh hỗ trợ bin Laden thành lập al Qaeda.
Trong nhiều năm, Zawahiri được cho là đã lẩn trốn dọc theo biên giới cấm giữa Pakistan và Afghanistan. Sau khi bin Laden thiệt mạng năm 2011, Zawahiri đã nắm quyền lãnh đạo tổ chức này và liên tục kêu gọi lực lượng thánh chiến toàn cầu hành động.
Zawahiri thường cố gắng khuấy động niềm tin của người Hồi giáo bằng cách chia sẻ phát ngôn, bình luận trên trực tuyến về các vấn đề nhạy cảm như chính sách của Mỹ ở Trung Đông hay các hành động của Israel chống lại người Palestine.
Zawahiri cũng nổi tiếng là một nhân vật cứng nhắc và hiếu chiến nên dưới thời hắn, al Qaeda thấm đẫm chủ nghĩa quân phiệt, từng phối hợp với các lực lượng nổi dậy địa phương để làm dấy lên nhiều cuộc xung đột và bạo lực cục bộ. Tình trạng bạo lực này đã gây nên bất ổn cho một số quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận