Các lỗi vi phạm tốc độ sẽ bị phạt nặng (Trong ảnh: Trung úy Vũ Hoàng Long, Đội CSGT số 15, Công an TP Hà Nội dừng và xử lý một trường hợp điều khiển xe ô tô vượt quá tốc độ trên đường Võ Nguyên Giáp) - Ảnh: K.Linh |
Nghị định 46 ngoài việc bổ sung nhiều hành vi mới còn tăng nặng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm uy hiếp trực tiếp đến ATGT chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/8). Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Trưởng ban soạn thảo xung quanh các vấn đề của Nghị định này.
Mục tiêu của Nghị định 46 không phải chỉ xử phạt
Nghị định 46 được rất nhiều người quan tâm, Thứ trưởng có thể cho biết, những điểm mới cơ bản của nghị định này so với Nghị định 171?
Nghị định 46 điều chỉnh mức phạt đối với 115 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ như: Vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, vi phạm quy tắc giao thông, chở quá số người quy định, chở hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường...
"Nghị định lần này được xây dựng trên cơ sở thực tiễn công tác bảo đảm ATGT của Việt Nam cũng như tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước. Quá trình xây dựng Nghị định được làm rất kĩ, các nội dung dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân, các bộ, ngành liên quan, tổ chức hội thảo lấy ý kiến ở cả ba miền rồi mới tổng hợp để có đề xuất phù hợp nhất, trình lên Chính phủ”. |
Đặc biệt, để tăng cường kiểm soát xe quá tải ngay tại đầu nguồn hàng, Nghị định bổ sung phân định thẩm quyền xử phạt cho Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ ĐTNĐ, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Đường sắt, hàng không, hàng hải, ĐTNĐ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi “xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô vượt quá trọng tải cho phép chở của xe”.
Một điểm mới khác là mặc dù một số hành vi Luật GTĐB không quy định, nhưng trong Công ước về GTĐB năm 1968 (Công ước Viên) mà Việt Nam tham gia có quy định cấm và được các quốc gia công nhận Công ước này áp dụng chế tài xử phạt, cũng được bổ sung quy định trong Nghị định lần này như: Vừa lái ô tô vừa sử dụng điện thoại di động; Người ngồi trên xe ô tô tại vị trí có trang bị dây an toàn nhưng không thắt dây an toàn; Hay khi điều khiển phương tiện cơ giới chỉ mang GPLX quốc tế (không do Việt Nam cấp) mà không mang theo GPLX quốc gia. Ngoài ra, nếu kết cấu hạ tầng không được duy trì các điều kiện về bảo đảm ATGT cũng là nguyên nhân dẫn đến TNGT như: Không bổ sung, sửa chữa kịp thời các biển báo hiệu nguy hiểm đã bị mất, hư hỏng; Không có biện pháp khắc phục kịp thời các hư hỏng của công trình đường bộ gây mất ATGT. Những cơ quan, đơn vị, được giao trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông mà vi phạm cũng phải bị xử lý.
Những hành vi chủ yếu nào được tăng nặng mức xử phạt tại Nghị định này, thưa Thứ trưởng?
Về cơ bản, Nghị định lần này kế thừa và giữ nguyên mức xử phạt như quy định tại Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014, trong đó có điều chỉnh nâng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây mất ATGT và làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn ở mức cao, chở quá tải trọng quy định từ 150% trở lên, vi phạm tốc độ hoặc đi xe máy vào đường cao tốc... Đặc biệt, qua quá trình lấy ý kiến của các chuyên gia, Bộ, ngành đều nhất trí rằng, với những hành vi uy hiếp trực tiếp tới ATGT cần tăng nặng chế tài xử phạt. Còn đối với một số vi phạm không uy hiếp trực tiếp đến ATGT có thể khắc phục được qua tuyên truyền, giáo dục, mức xử phạt giảm.
Thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm trật tự ATGT là do hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ quá tải, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân chưa cao… Do đó, việc tăng mức xử phạt phần nào sẽ tác động vào ý thức của người đi đường, để họ thấy được hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật giao thông. Bên cạnh đó, phải kể đến trách nhiệm của người thực thi công vụ. Người thực thi công vụ phải làm gương, tuân thủ quy định cũng như xử phạt nghiêm minh, đúng người đúng tội, đưa luật đi sâu vào đời sống người dân. Chỉ khi đó mới có thể kéo giảm được TNGT.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ |
Giám sát chặt các lực lượng thực thi pháp luật
Có ý kiến cho rằng, các Nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm giao thông không ổn định và liên tục được sửa đổi, ban hành mới theo hướng tăng nặng. Vì sao lại như vậy, thưa Thứ trưởng?
Đúng vậy, trong vòng 10 năm qua, cơ quan quản lý nhà nước đã từng xây dựng, sửa đổi, bổ sung 8 Nghị định về xử phạt. Các văn bản quy phạm pháp luật không thể trọn vẹn, thực tiễn cuộc sống lại luôn thay đổi. Do đó, vấn đề nào chưa phù hợp với thực tiễn phải xem xét, điều chỉnh là cần thiết.
Mục đích của Nghị định mới là tăng sức răn đe để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, đặc biệt với những vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Mức phạt cao mà Nghị định 46 đưa ra không nhằm mục tiêu thu tiền của người vi phạm, chủ yếu mang tính giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm, đặc biệt là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng. Tất cả các mức xử phạt đều đã được Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng về mức độ phổ biến và nghiêm trọng để đảm bảo tăng sức răn đe, khả thi khi áp dụng.
TOÀN VĂN NGHỊ ĐỊNH 46, TĂNG MỨC XỬ PHẠT VI PHẠM GIAO THÔNG TỪ 1/8 |
Có người lo ngại mức phạt càng cao tiêu cực càng nhiều, bởi nếu không quản lý tốt, tình trạng “chung chi” sẽ tăng, người vi phạm “thỏa hiệp” để tránh bị lập biên bản. Thứ trưởng nhận định về vấn đề này thế nào?
Để bảo đảm ATGT cũng như kéo giảm TNGT, ngoài việc hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là quy định chế tài đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Cùng với việc xử phạt, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành pháp luật. Đồng thời, chúng ta phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật cũng như giám sát chặt chẽ các lực lượng thực thi pháp luật.
Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng, bản thân người tham gia giao thông cũng cần chủ động nâng cao hiểu biết về pháp luật giao thông, nâng cao ý thức, tuân thủ đúng quy định. Nhận thức thay đổi hành vi, nhận thức đúng sẽ có hành vi đúng. Do đó, tuyên truyền, giáo dục phải là giải pháp được ưu tiên hàng đầu.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Một số hành vi bổ sung mới và tăng nặng mức xử phạt Khoản 11, Điều 5 quy định: Tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Theo Nghị định số 171 thì hành vi vi phạm này chỉ bị phạt từ 8 - 10 triệu đồng. Điểm c, Khoản 7, Điều 21 quy định: Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 175cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm có GPLX quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ GPLX quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo GPLX quốc gia. Điểm c, Khoản 4, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 800.000 - 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không đi bên phải theo chiều đi của mình; Đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; Điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà. Điểm d, Khoản 8, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường... |
>>> Xem thêm Video: Toạ đàm về Quy định mới trong xử phạt giao thông
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận