Tàu chạy trên đường ray ảo do Trung Quốc sản xuất |
Nếu như 10 năm trước, trong mắt dư luận cộng đồng quốc tế, Trung Quốc nổi tiếng là “công xưởng của thế giới” thì thời gian gần đây, quốc gia lớn nhất châu Á đã chuyển từ “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) đến “Created by China” (do Trung Quốc sáng tạo) chỉ trong vòng đúng một thập kỷ.
Xuất khẩu công nghệ tàu, chế tạo máy bay
Nhớ lại thời điểm cách đây 10 năm, nói đến Trung Quốc, người ta hình dung ngay đến nước này như một “công xưởng thế giới” chuyên chỉ sản xuất, lắp ráp hàng hóa, dệt may… cho hàng loạt nhãn hãng lớn từ phương Tây.
Ở những nhà máy này, các quy định về Luật Lao động bị vi phạm như chuyện cơm bữa. Dù sản phẩm ra lò gắn nhãn mác châu Âu nhưng điều kiện lao động để tạo ra những sản phẩm đó thì không theo tiêu chuẩn châu Âu chút nào.
Năm 2007, Trung Quốc đứng vị trí nền kinh tế thứ 4 thế giới, nay họ đã bắt đầu vươn lên dẫn đầu thương mại toàn cầu và là nền kinh tế lớn thứ 2 - vượt qua Đức vào năm 2008 và Nhật vào năm 2010 - với sản lượng thương mại gấp đôi của cả hai nước này gộp lại.
Trong năm 2017, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) giới thiệu loại trực thăng không người lái AV500W được coi là chiếc máy bay cánh quạt lên thẳng quân sự tự động do Trung Quốc tự nghiên cứu và chế tạo đầu tiên trên thị trường. |
Về mặt kỹ thuật, Trung Quốc gây tiếng vang khi tự phát triển và xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao dài nhất thế giới, thậm chí đã bắt đầu xuất khẩu công nghệ đường sắt sang nhiều nước, cạnh tranh ngang hàng với Nhật, Đức, Pháp...
Người dân Trung Quốc cũng tự hào khi những chiếc máy bay “cây nhà lá vườn” Comac ARJ21 và C919 của họ có thể bay lượn trên bầu trời, hứa hẹn cạnh tranh với Boeing, Airbus.
Các khu vực phát triển công nghệ cao mọc lên khắp đất nước rộng lớn. Điểm khác biệt rõ nhất đó là những nhà máy thành công vang dội như khu công nghiệp mang tên Trưng bày sáng kiến Quốc gia Zhangjiang ở ngoại ô TP Thượng Hải đã không còn mấy dấu vết vi phạm Luật Lao động như những nhà máy ở đây năm nào.
Trung Quốc đã và đang tham gia vào các xu hướng công nghệ tương lai như công nghệ động cơ điện và trí tuệ nhân tạo với tham vọng dẫn đầu thế giới. Không ít lần, những sáng chế cộp mác “Created by China” khiến phương Tây phải trầm trồ ngạc nhiên như đoàn tàu chạy trên đường ray ảo vừa đi vào hoạt động tại Hồ Nam.
Gần đây nhất, tàu không người lái (USV) nhanh nhất thế giới “Created by China” có tên gọi “Thiên Hành-1” lần đầu tiên được giới thiệu tại Triển lãm Kinh tế hàng hải Trung Quốc tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.
Quy trình sản xuất hiện đại tại nhà máy sản xuất điện thoại Oppo |
Trung Quốc đã làm như thế nào?
Một trong những nhà sản xuất đầu tiên lý giải câu trả lời trên là người đứng đầu công ty xuất khẩu đồ lót Qian Anhua, hiện cũng là Chủ tịch Tập đoàn dệt may khổng lồ Antex tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ông cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào công nghệ. Ở một số phân xưởng, 90% máy móc đã được điều khiển chỉ bằng 1 máy tính duy nhất. Điều này cho phép cải thiện chất lượng và tăng cạnh tranh”.
Ông Qian dự đoán, tự động hóa là một giải pháp. Năm ngoái, theo Hiệp hội Robot quốc tế, Trung Quốc sở hữu 25% robot trên toàn thế giới và đang chuẩn bị đưa thêm 1/3 robot mới vào hoạt động.
Chiến lược này ngày càng được Chính phủ Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chú trọng. Năm 2016, Bộ Công nghiệp và Thông tin Kỹ thuật (MIIT) cùng 2 cơ quan quốc gia khác đã ra thông báo chung hướng dẫn hành động để cải thiện chất lượng và quảng bá nhãn hiệu ngành sản xuất thiết bị Trung Quốc.
Động thái này nhằm cải thiện hình ảnh và chất lượng các sản phẩm “sản xuất tại Trung Quốc” và đạt tỉ lệ 90% chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia tính đến năm 2018.
“Việc đạt được tham vọng Trung Quốc trở thành cường quốc công nghiệp không chỉ để được công nhận là nhãn hiệu mạnh mà còn đảm bảo về chất lượng”, Phó tổng Giám đốc Cục Công nghệ và Khoa học thuộc MIIT, ông Sha Nansheng tuyên bố.
Theo ông Sha Nansheng, đây là hai khía cạnh trong ngành công nghiệp sản xuất mà Trung Quốc còn tụt dưới mức tiên tiến của quốc tế. Vì vậy, nước này cần phải thực hiện chiến lược xây dựng nhãn hiệu thế giới tập trung vào chất lượng để tăng sức cạnh tranh của các nhãn hiệu nội địa trên thị trường quốc tế.
Giai đoạn đầu tiên từ 2016 - 2018 sẽ đặt nền tảng vững chắc cho xây dựng chất lượng và nhãn hiệu, tạo vượt bậc trong nhiều lĩnh vực quan trọng.
Giai đoạn 2, từ năm 2019 - 2021 sẽ tập trung xây dựng Trung Quốc thành cường quốc sản xuất trên thế giới với chất lượng và nhãn hiệu được công nhận trên toàn cầu.
Đơn vị đi đầu trong việc quảng bá khái niệm mới “Created by China” là nhà sản xuất ô tô Great Wall. Great Wall đang xuất khẩu xe ô tô tới 80 nước trên thế giới. Năm tới, họ sẽ mở một nhà máy tại Bulgaria.
“Chúng tôi cần học từ các nước khác, không chỉ ở công nghệ mà còn ở kỹ năng quản lý. Do đó, công ty đã cử nhiều nhân viên văn phòng ra nước ngoài học tập và mang kiến thức về áp dụng”, Giám đốc quản lý quốc tế của Great Wall, Roger Wang cho biết. Hiện nay, Great Wall đang dẫn đầu thị trường nội địa trong nhiều phân khúc xe SUV và xe bán tải.
Một công ty sản xuất ô tô khác cũng đang đóng góp khá nhiều vào công cuộc “thanh tẩy” danh hiệu “Made in China” đó chính Geely. Hai năm trước, công ty vừa mua lại nhà sản xuất ô tô của Thụy Điển, mới mua Công ty Taxi London và tiếp tục nhắm tới ra mắt nhãn hiệu Emgrand tại châu Âu.
“Ô tô của chúng tôi rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh khoảng 15-20%. Chúng tôi muốn khuyến khích khách hàng trên toàn thế giới thử vì chúng tôi tin họ sẽ hiểu “Made in China” không có nghĩa là chất lượng tồi”, Phó chủ tịch Geely Yang Xueliang cho biết.
Hầu hết công nhân tại nhà máy lắp ráp mới của Geely đều mang về nhà 3.000 nhân dân tệ/tháng nhưng robot đang được áp dụng nhiều hơn vào quá trình lắp ráp vì vậy tiêu chuẩn công nhân tại các công xưởng này cũng bắt đầu cao hơn. “Chúng tôi cần những người tài năng và sáng tạo hơn nữa”, ông Yang nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận