Thời sự Quốc tế

Từ nay tới cuối năm, loạt đường ống khí đốt của Nga tới châu Âu dừng hoạt động

16/11/2024, 15:52

Ngày 15/11 (giờ địa phương), Nga thông báo với Áo về việc tạm dừng cung cấp khí đốt qua Ukraine từ ngày 16/11 trong bối cảnh hợp đồng giữa Gazprom và OMV chưa đi đến thống nhất và đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Ukraine đến châu Âu cũng sắp dừng.

Liệu có ảnh hưởng gì tới Áo?

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh xảy tranh chấp hợp đồng giữa Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga và OMV, đơn vị phân phối nhiên liệu lớn nhất của Áo. Trong đó, OMV đã thắng kiện trước Gazprom.

OMV đã có thông báo về sự việc, cho biết nguồn cung ứng khí đốt từ Nga sẽ dừng từ ngày 16/11. Tuy nhiên, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này, thời gian tới có thể nhập khẩu khí đốt từ Đức, Italy hoặc Hà Lan để cung ứng cho khách hàng.

X2OUMENU5FJMFC6VUFHAQI2FPQ.jpg

Áo chủ yếu tiếp nhận khí đốt Nga qua đường ống Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Trước những nỗi lo về việc thiếu khí đốt trong mùa đông năm nay, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết việc Gazprom dừng cung cấp khí đốt đã được dự đoán từ lâu và Áo đã có sự chuẩn bị.

"Sẽ không có ngôi nhà nào phải chịu giá lạnh của mùa đông. Các cơ sở lưu trữ khí đốt đều đã chuẩn bị đầy đủ", Thủ tướng Áo tuyên bố.

Theo hãng tin Reuters, hoạt động cung ứng khí đốt từ Nga đến Áo chủ yếu thực hiện qua đường ống thông qua Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha cho biết kể cả khi không có nguồn cung khí đốt từ Nga, Áo sẽ có cách đảm bảo an ninh năng lượng.

"Thời đại châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga đã kết thúc. Đã đến lúc cắt hoàn toàn lợi nhuận năng lượng của Nga, đây cũng là nguồn tài chính phục vụ hoạt động quân sự Nga", Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine nói.

Trong khi đó, theo nhận định của ông Ulrich Schmid, Giáo sư nghiên cứu Đông Âu thuộc Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ), động thái tạm dừng cung cấp khí đốt cho Áo cho thấy Nga đang phô trương sức mạnh với phương Tây khi áp lực ngừng bắn ở Ukraine gia tăng, nhất là khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bởi ông đã cam kết nhanh chóng đưa xung đột tại Ukraine đi đến hồi kết.

Sắp đóng đường ống qua Ukraine

Việc Moscow dừng cung cấp khí đốt cho Áo diễn ra trong bối cảnh đường ống dẫn khí đốt quan trọng từ Nga sang châu Âu thông qua Ukraine sắp phải đóng cửa từ cuối năm 2024 do Ukraine tuyên bố không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Gazprom.

Phía Ukraine cho rằng việc Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu đã tạo ra khoản lợi nhuận để phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

RNLAFZCRMVKW5OXYEMJT44TPKY.jpg

Đường ống khí đốt từ Nga qua Ukraine sang châu Âu sẽ dừng hoạt động từ cuối năm 2024. (Ảnh: Reuters)

Thực tế Ukraine vẫn kiếm được 0,8-1 tỷ USD (khoảng 25.000 tỷ đồng) tiền phí trung chuyển khí đốt Nga. Trong khi Nga thu lời hơn 3 tỷ USD từ hoạt động bán khí đốt qua đường ống Ukraine tới châu Âu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2023, tuyến đường trung chuyển khí đốt qua Ukraine đã đáp ứng 65% nhu cầu khí đốt ở Áo và các nước láng giềng phía đông là Hungary và Slovakia.

Dữ liệu do Reuters tổng hợp cho thấy Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine vào năm 2023, chỉ bằng khoảng 8% lưu lượng khí đốt của Nga tới châu Âu qua nhiều tuyến đường khác nhau trong giai đoạn cao điểm 2018-2019.

Ủy viên năng lượng Liên minh châu Âu EU Kadri Simson tuyên bố tất cả các nước thành viên EU nhận khí đốt qua tuyến đường ống Ukraine đều có thể tiếp cận các nguồn cung thay thế.

"Chúng tôi đã nói nhiều lần, luôn có nguồn cung cấp thay thế và không cần phải tiếp tục vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đến châu Âu", bà Kadri Simson nhấn mạnh.

Hãng tin Reuters nhận định nếu Áo không tiếp nhận khí đốt Nga và đường ống từ Ukraine dừng hoạt động, trong khu vực sẽ chỉ còn Hungary và Slovakia nhập khẩu khí đốt Nga qua hai đường ống TurkStream và Blue Stream từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, Séc từng chấm dứt nhập khẩu khí đốt qua đường ống phía Đông vào năm 2023, nhưng từ đầu năm 2024, nước này đã bắt đầu nhập khẩu khí đốt Nga trở lại.

Giá khí đốt châu Âu và toàn cầu tăng vọt sau khi các nước EU tuyên bố giảm phụ thuộc, tiến tới loại bỏ khí đốt Nga vào năm 2022, thời điểm bùng nổ xung đột tại Ukraine.

Một số nước đã tìm kiếm nguồn thay thế như Na Uy, Qatar hoặc Mỹ. Trong đó Mỹ đã trở thành nhà sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới, dự kiến mở rộng sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.