ĐBQH Hồ Đức Phớc - Tổng kiểm toán Nhà nước đề xuất áo dụng "tù tại gia" |
Chiều 12/11, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự, ĐBQH Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ở một số nước có áp dụng gắn chip theo dõi, còn ở ta có tha tù trước thời hạn có điều kiện mỗi năm 3 lần để thể hiện tính nhân đạo và cũng là giải pháp để một số lượng lớn người cố gắng cải tạo tốt thì được ở ngoài. Bà Nga cũng đồng tình với đề xuất của Tổng kiểm toán Nhà nước và cho rằng, giai đoạn này tiếp tục nghiên cứu “tù tại gia” cũng là một cách.
Trao đổi thêm với PV bên hành lang Quốc hội về đề xuất này, ĐBQH Hồ Đức Phớc cho rằng, đề xuất của ông xuất phát từ thực trạng các cơ sở giam giữ đang quá tải, tất cả các tội phạm nhẹ hay nặng đều được đưa vào các cơ sở giam giữ, và ngân sách Nhà nước phải chi một khoản không nhỏ cho việc này.
Vì vậy, theo ông Phớc, với những trường hợp phạm tội nhẹ, không gây nguy hiểm cho xã hội thì việc áp dụng “tù tại gia” sẽ giảm áp lực cho các cơ sở giam giữ, từ đó, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, theo vị ĐB này, hình thức “tù tại gia” cũng sẽ có tác dụng về răn đe, giáo dục bởi với tâm lý người Á Đông, nếu được sống với gia đình thì sẽ có tính giáo dục cao, người nào thương cha mẹ, con cái thì sẽ không phạm tội nữa. Người thân trong gia đình của họ cũng sẽ có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục con cái.
Để hạn chế những bất cập từ chính sách này, ĐBQH Hồ Đức Phớc cho rằng phải quy định rõ trường hợp nào thì được áp dụng “tù tại gia”, trường hợp nào không được áp dụng. Sau này, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu để quy định rõ vấn đề này.
“Tôi nghĩ những tội như cố ý gây thương tích, hoặc vi phạm trong đối xử với bố mẹ, anh em…, hay những tội không nghiêm trọng thì áp dụng được, còn những tội nghiêm trọng vẫn phải cách ly khỏi xã hội, đưa vào tù tập trung” – ông Phớc nói.
Về việc quản lý, theo ông Phớc có thể có nhiều cách. Trong đó, “tù tại gia” cũng có thể là một hình thức giam giữ. Ví dụ người được áp dụng “tù tại gia” được giam giữ trong “khung nhà sắt” rồi giao cho gia đình chăm sóc, đến bữa ăn cho ăn, còn giám thị sau này định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, nếu để trốn thì gia đình phải chịu.
Hoặc có thể làm như một số nước là gắn chíp để theo dõi, đối tượng “tù tại gia” chỉ được đi loanh quanh trong một khu vực nhất định.
Vấn đề quan trọng nhất, theo ông Phớc là quy trình của mình quy định loại tội nào, mức án nào thì được hưởng “tù tại gia”.
Cùng với đó, phải khẳng định được người được áp dụng “tù tại gia” là người đó có tiến bộ, không có khả năng phạm tội và không có khả năng gây nguy hại cho xã hội. “Vì thế chỉ nên áp dụng cho một số tội nhẹ, còn tội phạm về ma tuý, tham nhũng, giết người, tội phạm an ninh quốc gia thì phải cách ly với xã hội” – ông Phớc nhấn mạnh.
Nói về đề xuất này, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đây mới chỉ là đề xuất của ĐBQH. Bộ trưởng Công an cũng nói đây là vấn đề mới nên sẽ phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận