Tài xế phê ma túy gây tai nạn
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã khởi tố bị can Phạm Công Hiếu (SN 1988, trú phường Hải Hòa) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Điều tra cho thấy, ngày 6/12, Hiếu được bạn cho một gói ma túy dạng "nước vui" và sử dụng. Khoảng 18h ngày 8/12, Hiếu lái xe ô tô bán tải biển số 14C-281.31 lưu thông qua khu 2, phường Hòa Lạc thì gây va chạm với xe ô tô biển số 14E-013.98 chạy cùng chiều.
Sau đó, Hiếu tiếp tục điều khiển xe chạy tốc độ cao về phía trước. Đi được một đoạn, ô tô mất lái, lao lên vỉa hè và tông vào quán nước. Cú lao xe khiến anh Bình (người địa phương) đang ngồi uống nước bị thương nặng. Sự cố còn làm hỏng nhiều cột điện chiếu sáng và các tài sản khác, tổng giá trị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Trước đó, chiều 14/12, Công an tỉnh Đồng Nai khi tuần tra trên tuyến quốc lộ 51 cũng phát hiện lái xe N.Đ.V (38 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển ô tô khách 16 chỗ dương tính với ma túy.
Điều đáng nói là khi làm việc, V khai hàng ngày đều lái ô tô 16 chỗ chở khách từ Vũng Tàu đi TP.HCM và ngược lại. Xe của V thường xuyên hoạt động ngoài tuyến (xe dù), bắt khách dọc đường. Thi thoảng, V sử dụng ma túy đá trong thời gian lái xe chở khách.
Nghiêm trọng hơn, rạng sáng 14/11 vừa qua, Đinh Anh Tài (tài xế taxi) được một người bạn nhờ chở 4 vị khách từ TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) về TP Nha Trang. 9h cùng ngày, khi đến đoạn đường cong qua xã Ea Trang, huyện M'Đrắk), Tài không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát nên tông vào thành hộ lan ven đường.
Hậu quả, hai vị khách trên xe của Tài tử vong, một người khác bị thương. Sau tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng xét nghiệm đối với Tài thì phát hiện anh ta dương tính với chất ma túy.
Tài xế dương tính chất ma túy mà lái xe nguy hiểm ra sao?
Nói về tác hại của các chất ma túy đối với người sử dụng, nhất là giới tài xế điều khiển xe kinh doanh dịch vụ, đại tá Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) khẳng định, việc sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt là trong thời gian dài sẽ gây rối loạn tâm thần.
Ma túy còn làm cho người sử dụng mất kiểm soát hành vi, từ đó gây ra các vụ án mạng, vụ tai nạn giao thông làm chết nhiều người, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Còn đại tá, tiến sĩ Ngô Văn Hóa (Cục C04) phân tích, các tiền chất có trong ma túy tổng hợp sẽ gây ra những kích thích, ức chế hệ thần kinh. Từ đó tạo ra ảo giác.
"Điều này rất nguy hiểm khi ảo giác đó làm mất kiểm soát về hành vi, tạo ra những hệ lụy khó lường", đại diện Cục C04 lo ngại.
Hiện nay, những tài xế điều khiển phương tiện mà đã sử dụng ma túy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, họ sẽ bị xử phạt hành chính từ 30-40 triệu đồng, theo quy định tại điểm c khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm c khoản 34, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Chế tài xử lý đã đủ sức để răn đe?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, theo quy định tại khoản 7, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tài xế điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Ngoài việc bị phạt tiền, nếu tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn mà hậu quả thuộc một trong 4 trường hợp (làm chết người, gây thương tích cho một người mà tỷ lệ từ 61% trở lên, gây thương tích cho hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể họ từ 61-121%, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng), thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định này, khung hình phạt mà tài xế phải đối mặt là từ 3-10 năm tù. Ngoài ra còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người liên quan.
Với những chế tài trên, luật sư Nguyễn Văn Đồng cho rằng, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và chế tài hình sự đều phù hợp với thực tiễn. Bởi lẽ, khi quyết định hình thức và mức độ xử lý, cơ quan chức năng đều phải căn cứ vào quy định pháp luật, vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, nhân thân người vi phạm và các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ liên quan.
"Trường hợp nào xử phạt hành chính, trường hợp nào truy cứu trách nhiệm hình sự đều được cơ quan chức năng cân nhắc, xem xét đảm bảo không xử lý oan, xử lý sai, nhưng cũng không bỏ lọt hành vi vi phạm", luật sư nêu quan điểm.
Đưa ra đề xuất phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tài xế điều khiển phương tiện mà sử dụng chất ma túy, luật sư Đồng cho rằng, chế tài xử phạt hành chính là phạt tiền và chế tài hình sự hiện tại là phù hợp.
"Tuy nhiên, hình phạt bổ sung cần có thêm quy định nếu tài xế từng bị xử phạt vi phạm về hành vi sử dụng ma túy mà tiếp tục vi phạm nhiều lần, thì cần xem xét tước giấy phép lái xe vĩnh viễn", luật sư Đồng hiến kế.
Clip: CSGT Hà Nội kiểm tra xử lý nồng độ cồn đêm cuối năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận