Cụ thể, ba tỉnh trên có điểm số trung bình thấp nhất cả nước, chủ yếu rơi vào các môn Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý.
Đặc biệt, Sơn La và Hà Giang thay nhau đứng cuối bảng về điểm trung bình ở tất cả môn thi.
Đây là kết quả phù hợp với những gì đã diễn ra ở các kỳ thi trước đây của các tỉnh nêu trên, ngoại trừ năm 2018, năm mà hội đồng thi các địa phương này đã làm những điều chưa từng có trong lịch sử khoa cử nước nhà: Gian lận thi cử có đường dây, có tổ chức, với cách thức không thể trơ trẽn hơn!
15 cán bộ của 3 tỉnh bị khởi tố, trong đó có nhiều cán bộ quản lý ngành giáo dục, công an. Danh sách phụ huynh của các thí sinh gian lận đại đa số là những cán bộ giữ vị trí chủ chốt ở các sở, ban, ngành của 3 địa phương này.
Những người trực tiếp can thiệp vào quá trình chấm thi, nâng điểm đã bị đề nghị khởi tố và tạm giam. Song, bất cứ ai cũng đều thấy được hành trình nâng sửa điểm không chỉ có họ. Đằng sau đó còn có các phụ huynh và các em học sinh đã được nâng điểm một cách “bất chấp tất cả”!
Lỡ có điểm số thấp, thậm chí ở mức “đội sổ” không phải điều đáng xấu hổ vì kết quả học hành, thi cử phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ tố chất, điều kiện học tập, môi trường giáo dục… Song dùng tiền, dùng quan hệ để đánh cắp suất đầu tư cho giáo dục của Nhà nước, đánh cắp cơ hội học tập, việc làm của các thí sinh xứng đáng thì rất đáng xấu hổ, hơn thế còn vi phạm pháp luật. Nhưng đến nay, những phụ huynh bỏ tiền tỷ chạy điểm cho con mình vẫn vô can là điều nhất định cần xem xét lại.
Pháp luật phản ánh những giá trị đạo đức cơ bản của xã hội. Sự trừng phạt của pháp luật trong trường hợp này còn là sự thức tỉnh giá trị đạo đức đã bị mai một, là sự công bằng, bình đẳng, lòng tự trọng, thái độ liêm sỉ…
Mặt khác, cũng là để thức tỉnh căn bệnh thành tích trong mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân xã hội ta. Tìm mọi cách mang lại cho con em mình, cho lớp mình, trường mình, địa phương mình những kết quả học tập, thi cử cao hơn thực chất, nhằm lấy thành tích cũng sẽ góp phần tiếp tay cho sự dối trá, bon chen, hơn thua bằng mọi giá trong môi trường giáo dục. Và đất nước sẽ đi về đâu, nếu cả một thế hệ tương lai bị nhồi nhét tinh thần ấy, tư tưởng ấy, căn bệnh có tên thành tích giả dối ấy?
Trước kết quả kỳ thi năm nay, lãnh đạo các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La hẳn cũng rất buồn, vì một lần nữa khẳng định, nhắc nhở về sự gian dối trong “kỳ thi năm ấy”. Không ít phụ huynh, học sinh “có điều kiện”, lại muốn “ăn sẵn” hẳn cũng rất thất vọng, vì đã mất đi cơ hội mua bán điểm, mua bán lợi thế tương lai cho con em mình.
Song trở về giá trị thực chỉ là điều sớm muộn, dù hiện thực có “xấu” đến đâu, nếu không muốn tương lai của đất nước, của địa phương và của chính con em mình được kiến tạo bởi những thí sinh gian lận thi cử - đã dốt lại còn gian dối.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận