Pháp luật

Tử tù hiến tạng, bà xin giác mạc cho cháu mù lòa được không?

19/07/2018, 08:12

Bà Tâm có cháu mù lòa muốn xin giác mạc của tử tù Nguyễn Hữu Tình giết 5 người ở quận Bình Tân.

16

Tử tù Nguyễn Hữu Tình rất khó có thể thực hiện việc hiến tạng cho y học dù có nguyện vọng

Mới đây, bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1950, ngụ ấp Kinh Mới, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) sau khi nghe tin tử tù Nguyễn Hữu Tình giết 5 người ở quận Bình Tân (TP.HCM) xin hiến tạng, đã chia sẻ nguyện vọng được xin giác mạc của tử tù này cho đứa cháu bất hạnh của mình (SN 2002), từng bị tạt axit dẫn đến mù loà, sống trong tăm tối đã 6 năm nay.

Lấy mô tạng trước khi tiêm thuốc độc được không?

Câu chuyện nói trên một lần nữa cho thấy nhu cầu có thực trong cuộc sống, có những tử tù vì sự ăn năn hối hận muốn hiến mô tạng để làm được một việc ý nghĩa với đời và cũng có những người bất hạnh, mong muốn được nhận mô tạng ấy.

Tử tù Nguyễn Hữu Tình không phải người đầu tiên muốn hiến tạng sau khi thi hành án, mà trước đó, nhiều tử tù khác cũng bày tỏ nguyện vọng này. Nhưng đến nay chưa có trường hợp nào được chấp nhận.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật”. Năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong luật có quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”.

Về mặt pháp lý, luật vẫn cho phép tử tù được hiến mô, bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi thi hành án tử hình đối với tử tù bằng tiêm thuốc làm mất trí giác, thuốc làm liệt hệ vận động và thuốc làm ngừng hoạt động của tim thì những bộ phận cơ thể người này đã bị hủy hoại và không thể ghép vào cơ thể của người khác. Như vậy, về mặt pháp lý vẫn cho phép tử tù được quyền hiến tạng tuy nhiên trên thực tế là bất khả thi.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại
(Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, pháp luật hiện nay đều không có quy định nào về hiến tạng, hiến xác đối với tử tù. Dẫn quy định của Luật Thi hành án hình sự, ông Quang cho rằng, sau khi thi hành án tử đối với tử tù bằng hình thức tiêm thuốc độc, rất cần nghiên cứu về mặt y học xem cơ thể lúc này có đảm bảo để hiến tạng, hiến xác hay không, bởi về nguyên tắc, muốn hiến tạng, hiến xác thì phải là một cơ thể “sạch”, phải đảm bảo được các điều kiện khoa học nhất định.

Về băn khoăn liệu trước khi thi hành án có thể tiến hành lấy mô tạng của tử tù, ông Quang cho rằng như vậy là không thể, vì muốn lấy mô tạng hay các bộ phận cơ thể thì người đó phải chết não. Và khi thuốc độc tiêm vào cơ thể, vào các mạch máu thì cơ thể nhiễm độc, các bộ phận không thể sử dụng được.

Một cán bộ pháp chế của Bộ Công an cũng cho hay, trước đây, khi bàn về Luật Thi hành án hình sự, vấn đề tử tù xin hiến tạng cũng đã được đặt ra, tuy nhiên, thời điểm đó các trường hợp tử tù xin hiến tạng chưa nhiều, xã hội cũng chưa chấp nhận chuyện đó, nên vấn đề đó không được nêu trong luật. “Nhưng nay xã hội đã thay đổi, đây cũng là nhu cầu có thật trong thực tế nên tới đây, khi xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự, có thể vấn đề này sẽ lại được đặt ra và thảo luận”, cán bộ này nói và cho hay, vì chưa có bất cứ hành lang pháp lý nào cho việc này nên nếu có thực hiện cũng sẽ vướng mắc rất nhiều về thủ tục cùng nhiều vấn đề phát sinh khác. Hơn nữa, xét về tâm lý, tử tù là những người gây tội lớn, nên có thể những người tiếp nhận mô tạng của tử tù cũng cảm thấy băn khoăn. Chưa kể đến việc nhiều tử tù không đảm bảo về sức khoẻ, nên chất lượng mô tạng cũng không thể đảm bảo.

17

Bà Tâm ngồi cạnh đứa cháu nội bất hạnh bị tạt axít tàn phế. Bà mong được xin giác mạc của tử tù Nguyễn Hữu Tình để cứu cháu nội - Ảnh: Thanh Lâm

Muốn làm phải sửa luật

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho đến nay, luật pháp không cấm tử tù hiến xác, hiến tạng nhưng cũng không có bất cứ quy trình pháp lý nào quy định về việc này. Và xét trên thực tế, việc này cũng khá phức tạp. Bởi khi hiến tạng thì cơ thể đó phải là cơ thể sạch, nhưng nếu tử tù sau khi thi hành án bằng phương pháp tiêm thuốc độc thì không thể lấy được mô tạng. Kể cả phương pháp như xử bắn trước đây cũng sẽ gây chấn động các mô, tạng nên việc lấy các mô tạng từ tử tù sau khi thi hành án là không khả thi.

Bên cạnh đó, về góc độ tâm lý, ông Hậu cho rằng có những khi, chính những người, những gia đình đang chờ để được ghép mô tạng họ cũng không muốn nhận mô tạng từ tử tù, nhất là với những tử tù mang án giết người, cướp của. “Cho tử tù hiến xác sẽ đặt ra những vấn đề rất phức tạp. Nếu muốn tạo hành lang pháp lý cho việc này phải tháo gỡ nhiều nút thắt, theo đó, Quốc hội phải sửa Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự. Không còn cách nào khác, bởi những việc này nhất định phải được quy định bằng luật, không thể bằng văn bản dưới luật được”, luật sư Hậu nhấn mạnh.

Với giả thiết có thể lấy mô tạng của tử tù trước khi thi hành án, luật sư Hậu cho rằng như vậy cũng không được vì trái luật. Theo quy định, trước khi thi hành án thì người đó cũng phải lành lặn. Hơn nữa, chưa hề có quy định nếu cho tử tù hiến mô tạng thì lấy mô tạng trước hay sau khi thi hành án, cơ quan nào đồng ý thì mới được tiến hành, sẽ tiến hành ở đâu, do cơ quan nào thực hiện, quy trình như thế nào... “Phải có những quy định cụ thể như vậy mới có thể tiến hành việc này, nếu không, chắc chắn không ai dám làm”, ông Hậu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.