Sống trong thấp thỏm, âu lo
Chiều 2/4, trên con hẻm nhỏ của đường Phạm Thế Hiển, thuộc phường 2, quận 8 (TP.HCM), bà Võ Thị Hoa (67 tuổi) ẵm đứa cháu ngoại gần 1 tuổi ra hiên ngồi để tránh cái nóng hầm hập trong nhà. Nhiều người hàng xóm xung quanh cũng có mặt, nhỏ to nói về vụ cháy vừa xảy ra cách nhà họ chỉ vài trăm mét.
Vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân ở TP.HCM sống trong những căn nhà lụp xụp, tạm bợ ven kênh, rất ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ cao.
Bà Hoa kể, tối 1/4, khi hai bà cháu vừa thiu thiu ngủ thì ngửi thấy mùi khói nồng nặc, kèm với đó là tiếng hô hoán, la hét. Chạy ra khỏi nhà, bà thấy bầu trời đỏ rực, hơi lửa bốc ra nóng rát, cột khói bay cao ngút lên trời. Bà cùng các con, cháu tá hỏa, run rẩy hô hoán nhau chạy ra khỏi nhà. May mắn, đám cháy không lan rộng và được dập tắt sau vài tiếng, nhưng đến giờ bà vẫn còn ám ảnh, sợ hãi.
"Tôi đã sống ở đây qua mấy đời, từ đời ba mẹ đến tôi, rồi con, cháu… cũng đã trải qua không biết bao nhiêu chuyện sợ hãi. Việc nhà bị nghiêng, mục, sập cột, tốc mái, chập điện… không lạ gì, nhưng cháy kinh khủng như đêm vừa thì chưa từng gặp, sợ hãi vô cùng. Phải chi có số tiền kha khá để đi mua căn nhà trên đất mà sống, chứ như vầy thấp thỏm quá", bà Hoa nói.
Đưa tay chỉ vào ngôi nhà của mình, bà Hoa cho biết, 7 mẹ con, bà cháu sinh sống mấy chục năm qua tại đây. Căn nhà chỉ vỏn vẹn khoảng 10m2, sàn là ván gỗ, xung quanh và mái được chắp vá bởi nhiều miếng tôn. Phía trước nền nhà được gá một phần trên nền đất; còn lại đều nằm phía dưới kênh Tàu Hũ, được nâng đỡ bởi các cây cừ tràm. Nhìn xung quanh, nhà nào cũng na ná, chỉ được dựng lên một cách tạm bợ.
"Chúng tôi nghe nói khu vực này sẽ giải tỏa mặt bằng nhưng chưa biết bao giờ thực hiện. Ai cũng thấp thỏm chờ đợi, hy vọng được đền bù đủ để gia đình đến nơi khác sống", bà Hoa thở dài.
Tương tự, chị Huỳnh Thị Ngọc Loan (40 tuổi) thổ lộ, sống trên kênh từ nhỏ nên gia đình chị thấy quen với cảnh như sập nhà, gãy cột, rác thải bị đọng phía dưới bốc mùi hôi thối… Tất nhiên, đây không phải cuộc sống chị mong muốn nhưng cũng không có cách nào khác vì điều kiện không cho phép.
Được biết, vợ chồng chị có 2 con, đứa lớn 16 tuổi đang đi học, đứa nhỏ 15 tuổi nhưng bị thiểu năng nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Chồng chị làm nghề mai táng, chị nhận đồ gia công để tiện chăm sóc con. Thu nhập hai vợ chồng chỉ đủ chi phí sinh hoạt, ăn uống và dành dụm… sửa nhà. Thế nên, dù nhiều lần thót tim vì xảy ra sự cố sống trên kênh, đối diện với nhiều rủi ro, bệnh tật… nhưng chị cũng không có cách nào khác.
"Giờ mua nhà không nổi, thuê trọ cũng chỉ gắng gượng được vài tháng sao mà dám đi. Không biết kế hoạch giải tỏa thế nào, tiền đền bù có đủ để tái định cư hay không…", chị Loan lo lắng.
Ở một khu vực khác là rạch Xuyên Tâm (nối từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) quận Bình Thạnh đến sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, hàng ngàn hộ dân ngày ngày đối mặt với sự ô nhiễm nặng nề từ nguồn nước và rác thải.
Dòng nước trên kênh đã đổi sang màu đen kịt nhiều năm nay, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước và chứa nhiều nguy cơ bệnh tật cho con người. Thế nhưng, vì vấn đề giải tỏa mặt bằng, suốt gần 20 năm qua, tuyến rạch Xuyên Tâm vẫn chưa thể thu hồi đất, thực hiện cải tạo vệ sinh môi trường để chỉnh trang đô thị, xây dựng giao thông…
Tín hiệu tích cực từ khu vực này là thành phố đang triển khai dự án chỉnh trang rạch Xuyên Tâm. Dự án có chiều dài gần 9km đi qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Để cải tạo rạch Xuyên Tâm, TP.HCM dự kiến cần thu hồi gần 54ha đất của hơn 1.900 hộ dân. Trong đó, quận Bình Thạnh có khoảng 1.796 trường hợp và quận Gò Vấp có khoảng 135 trường hợp.
Đầu tháng 4/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu quận Bình Thạnh, Gò Vấp khẩn trương tổ chức triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo trình tự, thủ tục theo đúng quy định hiện hành để kịp tiến độ bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị khởi công vào tháng 8/2024.
Liệu cơm gắp mắm, đừng đợi có tiền mới thực hiện
Liên quan đến vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hũ, ông Phạm Quang Tú, Phó chủ tịch UBND quận 8 thông tin các nhà bị cháy nằm trong diện giải tỏa di dời theo chương trình chỉnh trang đô thị.
Ông Tú cũng cho biết, trên địa bàn quận hiện có gần 10.000 căn nhà nằm ven và nằm trên kênh rạch. HĐND Thành phố đã thông qua nghị quyết di dời 1.500 căn nhà dọc bờ Bắc kênh Đôi để giải tỏa số lượng nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch.
Phạm vi dự án từ phường 1 đến phường 7. Tổ công tác đang trong giai đoạn nghiên cứu các hướng khả thi thực hiện dự án. Dự kiến hơn 5.000 căn nhà trên bờ kênh, rạch sẽ di dời.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, giải tỏa mặt bằng trên kênh rạch là câu chuyện diễn ra từ lâu nhưng thực hiện vẫn rất chậm.
Có nhiều nguyên nhân khiến việc giải tỏa nhà ven kênh khó thực hiện, trong đó có thể kể đến như việc đền bù không thỏa đáng; Người dân không muốn di dời vì thói quen hoặc khi giải tỏa không có cơ sở để xác định tài sản (đa phần nhà nhà cắm cọc trên kênh không có giấy phép xây dựng, không có căn cứ để xác định số tiền đền bù)… Do đó, rất nhiều dự án tái định cư cho người dân di dời nhưng chưa thực hiện được.
Ông Nguyên cho rằng, việc giải tỏa mặt bằng nên thực hiện theo phương án "liệu cơm gắp mắm", có tiền đến đâu thì giải tỏa đến đó. Không nhất thiết phải đưa ra một dự án lớn rồi mới tiến hành đồng loạt.
"Cứ chờ dự án lớn với số tiền lớn nhưng lại không kêu gọi được đầu tư, không giải ngân được… thì việc giải tỏa sẽ bị trì trệ hoài", ông Nguyên nói.
Về vụ cháy vừa xảy ra trên kênh Tàu Hũ, ông Nguyên nhận định đây là tai nạn không mong muốn nhưng có thể nhân tiện vụ việc này thực hiện luôn việc di dời, giải phóng mặt bằng đối với các hộ bị cháy nhà và xung quanh. Trước mắt, cần ổn định nơi ở cho người dân, sau đó nhanh chóng đưa họ đến các khu vực đã quy hoạch. Việc di dời cứ làm từng bước, từng khu vực sẽ dễ hơn so với việc thực hiện đồng loạt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận