Đường giao thông tại Ấn Độ thuộc nhóm nguy hiểm nhất thế giới
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ dù chỉ chiếm 1% tổng số phương tiện trên thế giới nhưng lại chiếm 10% tổng số trường hợp thiệt mạng do va chạm giao thông trên toàn cầu.
Trong đó, dữ liệu từ cơ quan chức năng Ấn Độ cho thấy năm 2021, có 155.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông đường bộ tại nước này, tương đương 426 trường hợp tử vong/ ngày và 18 người thiệt mạng/ giờ. Ngoài ra, có khoảng 371.000 người bị thương trong 403.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ tại Ấn Độ.
1/3 số vụ va chạm giao thông tại Ấn Độ xảy ra trên cao tốc trong đó riêng năm 2021, nước này ghi nhận 53.615 người thiệt mạng do tai nạn giao thông trên cao tốc.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến tỷ phú Ấn Độ Cyrus Mistry thiệt mạng. Ảnh - AP
Sang năm 2022, chỉ trong 5 tháng đầu năm, theo số liệu chính thức, có tới 2.300 vụ tai nạn khiến 500 người thiệt mạng tại thủ đô New Delhi.
Ngay đầu tháng 9 này, đã xảy ra một vụ tai nạn ô tô nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của tỷ phú Ấn Độ Cyrus Mistry và đây một lần nữa là hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn giao thông tại Ấn Độ, nơi hàng chục nghìn người thiệt mạng mỗi năm do tai nạn giao thông.
Ông Mistry gặp nạn khi đang trên đường từ bang Gujarat tới thành phố Mumbai, chiếc Mercedes-Benz SUV của ông đâm vào dải phân cách trên cầu bắc qua sông Surya ở bang Maharashtra.
Theo một quan chức cảnh sát cấp cao tại Mumbai, khu vực trên thường xuyên xảy ra tai nạn với 3-4 vụ tai nạn nghiêm trọng mỗi năm. Chính quyền địa phương dự định liệt kê khu vực vào danh sách “điểm đen giao thông” để cảnh báo lái xe.
Chuyên gia hiến kế khắc phục “vấn nạn” tai nạn giao thông tại Ấn Độ
Hầu hết các vụ tai nạn là do thiếu tuân thủ luật giao thông, lái xe quá nhanh. Chạy quá tốc độ là nguyên nhân khiến 87.0000 người thiệt mạng trong khi thiếu ý thức khi tham gia giao thông khiến 42.000 người thiệt mạng tại Ấn Độ năm 2021.
Trong trường hợp của tỷ phú Mistry, theo kết quả điều tra, ông này đã không cài dây an toàn khi tai nạn xảy ra. Không riêng ông Mistry, đây là vi phạm mà nhiều người tham gia giao thông tại Ấn Độ mắc phải. Khảo sát năm 2019 của Quỹ SaveLIFE cho thấy chỉ 7% người tham gia xác nhận có thắt dây an toàn khi tham gia giao thông trong khi đa số không hề biết có quy định này.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông ở Ấn Độ. (Nguồn- Hindustantimes.com)
Trước thực trạng này, giới chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức về an toàn giao thông và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để giải quyết tình trạng mất an toàn giao thông tại Ấn Độ.
Theo ông Jagdish Mishra, cựu Phó Giám đốc một viện nghiên cứu về cơ sở hạ tầng tại New Delhi, điều Ấn Độ cần nhanh chóng thực hiện là cứng rắn hơn trong thực thi các quy định của pháp luật về giao thông, nâng cao ý thức cộng đồng về an toàn giao thông và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Theo ông Mishra, các hãng sản xuất ô tô có thể tham gia vào quá trình này qua việc đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn như lắp túi khí cho người ngồi đằng sau. Ông Mishra cũng cho rằng cần có thay đổi mang tính hệ thống để tạo thể chế thi hành pháp luật về an toàn giao thông.
Một số chuyên gia cho rằng quá trình thi lấy bằng lái xe cần nghiêm ngặt hơn và cần bổ sung nội dung giáo dục về an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy tại trường học.
Bên cạnh đó, kỹ sư dân sự Deepak Thakur tại thành phố Delhi cho rằng cải tiến thiết kế và thi công, bảo dưỡng cầu đường, lắp đặt biển báo góp phần ngăn chặn tai nạn giao thông. Ông Thakur cũng cho rằng quy định đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn khi tham gia giao thông cần được thi hành mạnh mẽ hơn thông qua hình thức xử phạt và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể tham khảo cách làm của nước láng giềng Trung Quốc. Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào cơ sở hạ tầng trên thế giới với việc thiết kế, thi công những cao tốc, sân bay, cảng hiện đại trong khi điều kiện đường sá tại Ấn Độ còn khá nghèo nàn.
Sau khi nhậm chức Thủ tướng vào năm 2014, ông Narendra Modi đã cam kết ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng từ đó đến nay, nhiều kế hoạch vẫn chưa được thực hiện.
Ông Cyrus Mistry, một doanh nhân Ireland gốc Ấn Độ từng là chủ tịch của Tata Sons, công ty mẹ của tập đoàn Tata trị giá 300 tỷ USD, trong 5 năm cho đến khi ông bị hội đồng quản trị bãi nhiệm vào tháng 10/2016.
Ông tốt nghiệp ngành kỹ sư dân dụng từ Đại học Hoàng gia London và ngành quản trị từ Trường Kinh doanh London, là một người ham đọc sách kinh doanh và chơi golf.
Ông Mistry từng sở hữu 18,4% cổ phần của Tata Sons thông qua công ty Cyrus Investments của ông. Tính đếnnăm 2018, giá trị tài sản ròng của ông rơi vào khoảng 10 tỷ USD.
Sự ra đi của vị tỷ phú lừng danh Ấn Độ khiến giới chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp rất sốc. Thủ tướng Narendra Modi nhận định ông Mistry là một nhà lãnh đạo doanh doanh nghiệp đầy hứa hẹn, người tin tưởng vào sức mạnh kinh tế của Ấn Độ. Sự ra đi của ông Mistry là một mất mát lớn đối với thế giới thương mại và công nghiệp - Thủ tướng Ấn Độ cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận