Tựa bóng showbiz - Ảnh minh họa |
Việc Xuân Thà về làng sau một năm học nhạc trên thành phố làm bà con xôn xao lắm. Ở cái làng mà ngay cái tên đã gợi sự chìm lắng, làng Lặng, thì chuyện này đủ để mọi người bàn tán cả tuần. Ở làng Lặng, người ta rất ngại việc bôn ba xứ người. Bởi chẳng bôn ba cũng đủ ăn, đất đai còn rộng, vườn tược còn nhiều, thế thì việc gì phải ra ngoài cho mệt. Ra ngoài mà không áo gấm vinh quy thì tốt nhất là không đi, về làng chả có gì khoe, chán lắm.
Xuân Thà khác. Anh là tài năng âm nhạc của làng. Bất cứ ca sỹ nào, anh đều có thể hát rất nhái. Mỗi đám cưới, một mình anh chơi hết từ nhạc xanh, nhạc đỏ nhạc vàng, cả ba loại nhạc đàng hoàng bốc lên. Nên khi anh tuyên bố sẽ lên thành phố, bao giờ thành danh mới về làng, bà con hoan hỉ lắm. Phải thế chứ, cuối cùng làng Lặng phải có người làm showbiz để mỗi lần đi chợ huyện còn ngồi đọ nhau xem làng nào oai hơn, nhiều quan chức hơn, nhiều người nổi tiếng hơn.
Về buổi sáng đến buổi tối, sân nhà Xuân Thà đã kín người. Bà con mỗi người một chân một tay, chẳng mấy mà rạp đã dựng xong, cỗ đã bày lên. Một ông nhìn rất già nhưng tuổi chưa cao vừa nhai rau ráu vừa hỏi, thế sao chú Thà đã về làng, hay là có vấn đề gì chăng, chả thấy chú biểu diễn trên tivi gì cả. Xuân Thà hớn hở cười, trước những con mắt mang hình dấu hỏi của bà con. Thưa bà con cô bác, thực ra người khác học cũng lâu, nhưng cháu có năng khiếu nên nhanh hơn. Lên trên thành phố, cháu xin vào học lớp của nam danh ca Hứa Toàn Năng.
Bà con ồ lên, được ca sỹ Hứa Toàn Năng dậy bảo thì oách quá rồi. Xuân Thà cạn một chén rượu rồi ề à, nghe đâu danh ca Hứa Toàn Năng còn được phong là đi-va nữa đấy. Một thiếu nữ thắc mắc, em tưởng đi-va là dành cho ca sỹ nữ chứ. Xuân Thà gật lấy gật để, ờ anh quên mất, ca sỹ nam được gọi là đi-vông. Một cụ lẩm bẩm, công nhận Tây cũng chả hơn gì mình, đàn bà đi-va đàn ông đi-vông. Thanh niên tóc vàng bĩu môi, anh Thà lấy gì làm bằng chứng nào. Bà con lại nhao nhao, phải rồi, đi-vông Hứa Toàn Năng nổi tiếng như thế cơ mà.
Xuân Thà mỉm cười, bà con chờ chút, cháu phải có mới nói chứ. Chạy như bay vào nhà trong, rồi trở ra, mỗi tay cầm một khung ảnh khổ to. Ảnh bên trái, đứng giữa là danh ca Hứa Toàn Năng, xung quanh là một dàn thanh niên mặc đồng phục áo vàng quần xanh thiếu mỗi giày đỏ nữa là thành kem ba màu, tất nhiên Xuân Thà có trong đội ngũ đó. Bà con ồ lên sung sướng. Xuân Thà cười, đây là lớp nhạc của danh ca, hiện tại họ hay đi cùng Hứa Toàn Năng biểu diễn khắp thế giới. Xuân Thà đưa cái ảnh thứ hai ra. Trong ảnh, đi-vông giơ một tay ra, Xuân Thà cũng đưa một tay ra tạo thành hình quả tim. Bà con trầm trồ, đúng là anh Xuân Thà thân thiết với đi-vông quá, nhưng mà động tác đó là gì cơ chứ. Xuân Thà gật gù, mốt chụp ảnh bây giờ nó thế, Tây lắm đấy. Bà Nụ bán thịt bảo, để mai tôi rủ con bé út lồng tay thành hình quả cật rồi rửa lên treo trước cửa hàng, có khi tăng doanh thu.
Xuân Thà thở dài, lẽ ra cháu cũng được đi hát cùng sư phụ, nhưng hồi nọ cháu trót khoe là làng mình nhiều tài năng âm nhạc, nên sư phụ bảo cháu về làng mở lớp đào tạo, rồi ai thành tài thì đưa lên thành phố. Sư phụ Hứa Toàn Năng có uy tín, lại mở công ty biểu diễn, nên cần rất nhiều ca sỹ mới. Mà cháu cũng phải thể hiện cho bà con thấy, cháu đã học được những gì chứ nhỉ. Bà con vỗ tay nhiệt liệt, phải thế chứ.
Bà con ngây người ra khi Xuân Thà khoác lên mình bộ đồ trắng toát. Sao mà giống Hứa Toàn Năng thế cơ chứ. Bà Nụ bán thịt thì nghiêm khắc nhận xét, mỗi tội mặt hơi đen. Thanh niên tóc vàng nhảy ra đứng cạnh Xuân Thà, nhảy minh họa, nhưng từ đầu đến cuối chỉ giật đùng đùng như mắc bệnh tê thấp lâu năm. Hát được nửa bài, Xuân Thà nhăn mặt lại để tỏ vẻ suy tư làm bà con tưởng đau bụng. Nhưng không, Xuân Thà lẩm bẩm, Hứa Xuân Thà xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị, sự ủng hộ của quý vị đã giúp cho Hứa Xuân Thà rất nhiều, rất rất nhiều trong buổi hôm nay. Bà con lại vỗ tay, sao mà giống thế cơ chứ, tuyệt cú mèo.
Xuân Thà đi xuống, sau khi đã chào rất kiểu cách. Bà Nụ bán thịt bảo, này có khi chị gửi cho chú con bé út. Con này nó lông bông chả chịu học hành gì, yên tâm đi, chị sẽ nộp tiền học đầy đủ, sáng nào chị cũng sẽ bảo chúng nó mang qua cho chú ít lòng tràng bồi dưỡng. Thanh niên tóc vàng xông đến, anh phải nhận em làm đệ tử, em hát thì quá hay rồi, Tuấn Vũ gặp em còn phải bỏ nghề về quê chăn vịt ấy chứ. Xuân Thà giơ tay, bà con yên lặng nghe Xuân Thà nói - lần này xưng tên cho nó gần gụi. Xuân Thà về đây mở lớp, phải để Xuân Thà được chọn những tài năng thích đực, à quên đích thực. Ông già tuổi chưa cao gạt đi, chú Thà nói thế là sai, làng mình ai hát cũng hay, mà không hay chú luyện thành hay mới là giỏi chứ. Xuân Thà mắng, bác nói thế em không đồng ý, phải là chưa hay chứ không phải là không hay. Bà con lại vỗ tay nhiệt liệt.
Thế là ngay hôm sau, lớp học nhạc đã được mở ra. Thanh niên tóc vàng hăm hở kẻ hộ Xuân Thà tấm biển Lớp dậy thanh nhạc của thầy Hứa Xuân Thà, dòng dưới in chữ đỏ chót, đệ tử chân truyền của danh ca đi-vông Hứa Toàn Năng. Lớp học chia ra theo ca. Thanh niên tóc vàng được phân công làm lớp trưởng, giảm một nửa học phí, đổi lại là sáng đến sớm chiều về muộn. Xuân Thà tính mãi mới ra phương án này, thuê người phụ việc thì vừa mang tiếng là bóc lột sức lao động bà con xóm giềng hơn nữa lại phải trả lương. Cứ sáng ra, từ nhà Xuân Thà, vang lên câu hát Mì a mí a mì, đến mức anh Mí láng giềng sang uống nước vối ké cứ gật gù, may quá, tớ bán mì, lấy câu này chế lại làm câu mời khách là ngon, mỳ anh mí mua nào.
Cuối buổi, Xuân Thà lại kể về những kỷ niệm với đi-vông Hứa Toàn Năng, lúc thì cùng sư phụ đi giao lưu với khán giả, lúc thì đi nghỉ mát cùng người hâm mộ. Con gái út bà Nụ bán thịt mê tít, bảo Xuân Thà, tóm lại là nếu thầy muốn lấy vợ làng, em đăng ký đầu tiên. Xuân Thà lừ mắt, không được đâu nhé, bình thường lấy nhau được, nay tôi đã là thầy của em, không ai làm như thế cả.
Bà Nụ hàng thịt nghe được, gật gù khen, thế mới là thầy chứ, không như lão thầy địa mù cuối làng, xem đất cho nhà người ta xong xem cả con gái nhà người ta, xem kỹ đến mức bụng to như cái trống. Lại càng hài lòng khi từ ngày tập nhạc, cô con gái út từ rống lên như bị chọc tiết một cách rất lung tung, nay tuy chưa hay nhưng rống đã có nhịp đàng hoàng. Cô con gái út cãi, mẹ đúng là già rồi, chả hiểu gì về âm nhạc hiện đại cả, hát thế mới đúng, chứ cứ đò đưa như bài hát ngày xưa thì chưa hát xong người nghe đã lăn ra ngủ.
Bà Nụ gật đầu, cũng có lý, lúc nào bố mày say rượu cũng hay hát kiểu đó, may là tao ít mơ ngủ chứ nếu không lại tưởng oan hồn lũ lợn về báo oán. Cô con gái lại thổn thức, con yêu anh ấy thật lòng nhưng chắc anh ấy chê con là gái quê mẹ ạ. Bà Nụ nhổ phắt cái bã trầu ra ngoài sân, con có thích không để mẹ xách dao sang nói chuyện, làm rể nhà này thịt lợn cắn ngập răng mà còn chê à, gái phố thì chỉ có õng ẹo là giỏi chứ báu cái gì.
Học gần năm trời mà chưa thấy Xuân Thà nói đến chuyện lên thành phố, đám học sinh xôn xao lắm. Đành rằng trước kia không biết thì không sao, nghe kể về ánh sáng đô thị, đám thanh niên làng sao mà có thể sống thanh bình được. Xuân Thà cười, muốn nhanh thì phải từ từ, khi nào tôi bảo được, tự khắc tôi sẽ có trách nhiệm. Thanh niên tóc vàng thắc mắc, sao thầy học cũng chỉ một năm mà đã được tốt nghiệp. Xuân Thà lừ mắt, cậu lại bì phấn với vôi, bì miệng cá chép với môi lợn sề rồi, cậu nhìn lại đi, ở làng này, ai có năng khiếu như tôi không. Đám học sinh gật gù đồng ý. Xuân Thà lại an ủi, yên tâm đi, cơ hội sẽ đến với người xứng đáng, giờ tôi sẽ dạy cho mọi người cách hát nhạc sến của đi-vông Hứa Toàn Năng. Đám học trò phấn khích, giờ hát nhạc xưa đang là mốt. Con gái bà Nụ lẩm bẩm, nhạc sến là nhạc vàng chứ gì, nhạc đó em hát mãi rồi. Nói xong, cô đứng lên ngay tắp lự, mắt rưng rưng: Một chiều rừng gió nộng một chiều rừng nhớ chuyện bên đồi thông, Làng lăm ấy khi tuổi vừa đôi tám tâm hồn đang trắng trong. Xuân Thà phá lên cười, hát kiểu cũ thế thì ai nghe, giờ phải hát theo kiểu mới, chữ gần cuối câu em phải cao lên một chút để gây ấn tượng. Con gái bà Nụ gật gù ra điều hiểu rồi, lại xin phép ra ngoài nghe điện thoại. Lúc quay trở vào, cô rú lên sung sướng, thầy ơi, dì em vừa thông báo, danh ca Hứa Toàn Năng sẽ về đây biểu diễn, ngay sân làng mình vì chỗ đó rộng.
Chết toi, tim Xuân Thà như thắt lại. Sao danh ca lại đến tận nơi khỉ ho cò gáy này mà biểu diễn cơ chứ. Phen này thì toi, bà con làng xóm mà biết chuyện mình chả quen biết gì danh ca Hứa Toàn Năng thì không còn mặt mũi nào mà ở làng nữa. Thanh niên tóc vàng ngạc nhiên, thầy bị trúng gió à. Xuân Thà thều thào, không phải, tôi cảm động ấy mà, lâu lắm thầy trò có được gặp nhau đâu, nhớ thầy quá, thầy nổi tiếng nhưng bình dị lắm. Đám học trò nhốn nháo, vậy cho chúng em gặp đi-vông nhé. Xuân Thà gật đầu, được, để tôi gặp trước nói chuyện. Đám học sinh sung sướng, chạy ngay về nhà, người thì bắt tạm con gà, người buồng chuối để nhờ Xuân Thà biếu người ca sỹ mà họ hâm mộ. Xuân Thà thở dài, thôi đã đến nước này, đành liều vậy.
Đoàn biểu diễn ở dãy nhà phía sau Uỷ ban. Xuân Thà chép miệng, đúng là nghệ sỹ càng lớn càng giản dị, chứ đâu có khoe khoang như mấy ông trên tỉnh mới bán được tí đất đã xây nhà tậu xe khoe của, nhìn đến phát buồn nôn. Xuân Thà rụt rè hỏi một cô gái đi ngang qua, chị cho em hỏi danh ca Hứa Toàn Năng ở đâu, em mang quà quê đến tặng. Cô gái cười rồi chỉ vào căn phòng đầu hồi. Xuân Thà gật đầu cảm ơn, nghĩ thế nào rút từ trong bao tải ra nải chuối, em tặng chị ăn để bổ sung kali, chuối quê ngon lắm, chị đừng từ chối em tủi, các anh các chị đã cất công về tận đây biểu diễn phục vụ bà con. Cô gái cầm nải chuối, ngơ ngẩn nhìn theo Xuân Thà.
Ngồi đối diện danh ca Hứa Toàn Năng, Xuân Thà ấp a ấp úng. Đã thế, đi-vông vừa nghe lại vừa tủm tỉm cười. Xuân Thà gục đầu xuống, em thật là có lỗi quá, đúng là chỉ biết núp bóng cây tùng mà dựa hơi, nhưng xin anh giúp cho em lần này, nếu không chắc em phải biến xới khỏi làng, nhục nhã lắm anh ạ, chẳng qua cũng vì sinh kế. Hứa Toàn Năng phá lên cười, yên tâm đi, tớ sẽ giúp cậu. Xuân Thà mở to mắt, không tin vào điều vừa nghe nữa, sao ở đời lại có người tốt đến thế cơ chứ.
Hứa Toàn Năng lại tủm tỉm cười, tớ giúp cậu vì cũng đồng cảnh ngộ thôi, chứ tớ là hàng nhái đấy. Cậu nghĩ xem, đi tỉnh, vé bán thì rẻ như bèo, ai dám thuê ngôi sao. Tớ may mắn có ngoại hình giống hệt Hứa Toàn Năng nên cũng đủ ăn, tớ chỉ nhại điệu bộ thôi chứ có biết hát đâu, chứ biết hát như cậu đã đỡ khổ. Thấy cậu khổ sở quá nên tớ mới khai thật, cùng nghề với nhau, giữ bí mật cho nhau nhé. Giờ cậu cần gì, cứ chỉ cho tớ, giúp được thì tớ sẽ giúp.
Xuân Thà thở phào một cái. Rồi tự nhiên thấy tim như thắt lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận