"Một mình một ngựa"
Như Báo Giao thông đã đưa tin, hệ sinh thái nhà Tuấn Ân, đặc biệt là Tuấn Ân Hà Nội thường xuyên trúng thầu với các đơn vị của EVN, trong đó có EVNHANOI hay EVNHCMC.
Cụ thể, Tuấn Ân Hà Nội đã tham gia 608 gói thầu, trong đó tỷ lệ trúng thầu hơn 87%, với giá trị lên tới 1.458 tỷ đồng.
Theo đó, Tuấn Ân Hà Nội là đối tác quen mặt trong các đơn vị của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) như: Điện lực Thường Tín, Điện lực Thanh Trì, Điện lực Thanh Xuân, Điện lực Sơn Tây, Điện lực Chương Mỹ, Điện lực Đông Anh, Điện lực Mỹ Đức... Công ty này thường xuyên trúng thầu với tỷ lệ cao.
Điều này đã khiến giới kinh doanh tò mò rằng, bằng cách nào mà Tuấn Ân Hà Nội lại có thể "đại thắng" thầu như vậy?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân thành lập vào cuối năm 2009, trụ sở tại huyện Hòa Đức, tỉnh Long An. Doanh nghiệp này là thành viên trong hệ sinh thái Tuấn Ân Group của ông Huỳnh Tuấn Ân, chuyên hoạt động trong lĩnh vực phân phối thiết bị và phụ kiện ngành điện gồm:
Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội, Công ty TNHH Tuấn Ân miền Bắc, Công ty TNHH Tuấn Ân Ninh Bình, Công ty TNHH Tuấn Ân Nha Trang, Công ty TNHH Tuấn Ân Khánh Hòa, Công ty TNHH Tuấn Ân miền Tây, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Thương mại Tuấn Ân, Công ty Cổ phần Tuấn Ân Đà Nẵng, Công ty TNHH Tuấn Ân Thái Nguyên, Công ty TNHH Tuấn Ân Đồng Nai, Công ty TNHH Tuấn Ân Lào Cai, Công ty TNHH Tuấn Ân Hải Phòng, Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Tuấn Ân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, "bí quyết" đầu tiên giúp Tuấn Ân Hà Nội trúng thầu nhiều lần tại các đơn vị của EVNHANOI là nhờ vị thế "một mình một ngựa" - nghĩa là doanh nghiệp này là ứng viên duy nhất tham gia các gói thầu này. Nhờ vậy, doanh nghiệp ung dung trúng thầu ở mức giá khá sát với giá dự toán ban đầu của gói thầu.
Cụ thể, giá trúng thầu bình quân của Tuấn Ân Hà Nội tại EVNHANOI đạt mức 95,34% so với giá chào thầu, tương ứng tỷ lệ ngân sách tiết kiệm được chỉ khoảng 4,66%, thậm chí có gói thầu, giá trúng cao hơn giá dự toán.
Đơn cử như "Gói Mua sắm bổ sung vật tư phục vụ công tác quản lý vận hành quý IV năm 2023" tại Điện lực Mỹ Đức. Gói thầu này dự toán giá 237,8 triệu đồng thì Tuấn Ân Hà Nội trúng thầu giá 245,4 triệu đồng, "đắt" hơn 3,6 triệu.
Với "Gói thầu số 03/VTTB-SXKD 2023: Mua sắm VTTB phục vụ công tác sản xuất kinh doanh và phát triển khách hàng đợt 2 năm 2023" tại Điện lực Thạch Thất, giá trúng thầu 817 triệu đồng, "rẻ" hơn 71 triệu so với giá thầu là 888 triệu đồng.
"Gói thầu số 01/SCL/2023: Mua sắm vật tư thuộc các công trình sửa chữa lớn năm 2023" tại Điện lực Thạch Thất, giá trúng thầu 427 triệu đồng, thấp hơn 29 triệu đồng so với giá thầu (456 triệu đồng).
Thậm chí, tại một gói thầu có giá trị lớn như "Gói thầu 01-MSHH: Mua vật tư thiết bị, văn phòng phẩm,... phục vụ SXKD" tại Điện lực Sóc Sơn, liên danh của Tuấn Ân Hà Nội cũng một mình trúng thầu với giá 24,1 tỷ đồng (giá gói thầu 25,1 tỷ đồng).
Thắng sít sao về giá nhiều đối thủ quen
Đối với những gói thầu có nhiều đơn vị cùng tham gia, Tuấn Ân Hà Nội rất giàu kinh nghiệm khi lựa chọn mức giá trúng thầu vừa "sít sao" thắng đối thủ.
Cụ thể như "Gói Mua sắm vật tư thiết bị phục vụ các công trình đầu tư xây dựng năm 2023 (đợt 2)" tại Điện Lực Mỹ Đức, giá 21,2 tỷ đồng.
Trong cuộc so kè này, Tuấn Ân Hà Nội cùng Thiết bị điện MBT, Năng Lượng Xanh Tương Lai, Công Nghệ Hải Anh đấu với Vật liệu điện Nam Hà Nội. Kết quả, liên danh Tuấn Ân thắng với giá 17,915 tỷ đồng, trong khi Vật liệu điện Nam Hà Nội thua sát sao với giá 17,977 tỷ đồng.
Cuối tháng 12/2023, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận cùng Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân và 15 người bị bắt do cáo buộc nhận hối lộ, sai phạm đấu thầu, cung cấp vật tư, thiết bị, phụ kiện cho ngành điện và kế toán trong quản lý doanh nghiệp.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/2/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an nói rằng, vụ án xảy ra tại EVN Bình Thuận và Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân là điển hình việc chủ đầu tư và nhà thầu bắt tay nhau nâng giá. "Phần lớn vật tư, thiết bị điện đã bị nâng giá vài chục, vài trăm phần trăm; thậm chí 300%", trung tướng Tô Ân Xô nói và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá điện, ảnh hưởng tới người tiêu dùng do việc nâng giá vật tư sẽ được cộng vào giá thành điện.
Đáng chú ý, Vật liệu điện Nam Hà Nội cũng thường xuyên đối đầu với các liên danh của Tuấn Ân Hà Nội và thường phải ngậm ngùi về nhì khi so sánh về giá thầu.
Như tại "Gói thầu số: 01/MS-VTSX 2023 Mua Vật tư Vật liệu điện cho Vận hành và PTKH năm 2023" ở Điện lực Đống Đa (giá thầu 9,68 tỷ đồng), liên danh Tuấn Ân Hà Nội đã đấu thắng liên danh của Vật liệu điện Nam Hà Nội và Sứ Thủy tinh cách điện.
Được biết, liên danh Tuấn Ân trúng thầu với giá 9,6 tỷ đồng, thấp hơn chỉ khoảng 100 triệu đồng so với nhóm về nhì là liên danh Vật liệu điện Nam Hà Nội.
Tương tự, tại "Gói thầu số 03-KHVT22-ĐTRR: Mua sắm vật tư, trang bị dụng cụ phục vụ cấp mới và sản xuất kinh doanh" của Công ty Điện lực Hoàng Mai, liên danh Tuấn Ân Hà Nội tiếp tục đấu thắng liên danh Vật liệu điện Nam Hà Nội với giá trúng thầu 3,8 tỷ đồng.
Vật liệu điện Nam Hà Nội một lần nữa lại về nhì với giá đấu 3,88 tỷ đồng, cao hơn khoảng 80 triệu đồng.
Không chỉ vậy, nhiều đối tác trong liên danh của Tuấn Ân Hà Nội như Năng Lượng Xanh Tương Lai, Sứ Thủy tinh hay Cáp điện Trường Thịnh cũng từng đối đầu với Tuấn Ân và xếp vị trí thứ 2.
Như tại "Gói thầu số 15-23.MS-PCCM "Cung cấp VTTB lắp đặt các dự án Đầu tư xây dựng đợt 2 năm 2023" ở Điện lực Chương Mỹ (giá thầu 13,3 tỷ đồng), liên danh Tuấn Ân Hà Nội đã đấu thắng Cáp điện Trường Thịnh với giá trúng là 12,234 tỷ đồng.
Trong khi đó, Cáp điện Trường Thịnh cũng thua sát sao và về vị trí thứ 2 với giá 12,596 tỷ đồng.
Hay tại gói "Mua vật tư phụ kiện phục vụ công tác quản lý vận hành đợt 1 năm 2023" của Điện lực Ba Vì, liên danh Tuấn Ân Hà Nội gặp lại đối tác Công ty Năng lượng xanh tương lai.
Nhóm Tuấn Ân đã thắng thầu với giá trúng là 3,571 tỷ đồng, còn Năng lượng xanh tương lai về nhì với giá 3,6 tỷ đồng, cao hơn chỉ 30 triệu đồng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận