Mưa rào giữa nắng hạn
Sau những bê bối liên quan khai thác cát trái phép của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, nhiều mỏ cát ở miền Tây ngưng hoạt động khiến công trình trọng điểm quốc gia "hụt hơi" do thiếu cát đắp nền.
Đồng Tháp, địa phương đầu tiên bàn giao mỏ cát cho nhà thầu thi công cao tốc khai thác là Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) theo cơ chế đặc thù của Chính phủ cho thấy sự chủ động của tỉnh trong phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trong giai đoạn này, cát được ví là quý như vàng. Vì vậy, việc khai thác sử dụng nguồn cát được các nhà thầu rất trân trọng và cẩn trọng.
Ông Hoàng Trung Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) cho biết, mỏ cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành vừa được tỉnh Đồng Tháp giao là hết sức cần thiết. Điều này giúp công trình trọng điểm quốc gia "giải cơn khát" cát để có thể đẩy nhanh tiến độ trước bối cảnh nguồn vật liệu này gặp khó khăn trong thời gian qua.
Ông Thanh khẳng định sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Số lượng cát khai thác sẽ được sử dụng đúng mục đích nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau quy định.
"Chúng tôi sẽ cho lắp đặt camera giám sát và định vị phương tiện cần cẩu, sà lan để theo dõi, giám sát quá trình khai thác, vận chuyển cát một cách công khai, minh bạch từ mỏ về đến công trình, đảm bảo không thất thoát", ông Thanh khẳng định.
Tiếp tục huy động thêm nguồn cát
Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, chủ đầu tư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của tuyến cao tốc này khoảng 18,46 triệu m3. Trong khi nguồn vật liệu cát trong khu vực đang gặp khó khăn, chưa có giải pháp thay thế hiệu quả.
Trước đó, tỉnh Đồng Tháp đã bố trí cho dự án 371 nghìn m3 từ nguồn tăng công suất các mỏ đang khai thác nhưng cũng chưa thấm vào đâu do nhu cầu của dự án rất lớn.
Vì vậy, Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu thi công tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Tháp và các sở ngày liên quan, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục theo quy định đối với 4 mỏ còn lại đã được tỉnh Đồng Tháp giới thiệu ngay trong tháng 9 . Trữ lượng các mỏ cát này khoảng 2,8 triệu m3, phấn đấu đưa vào khai thác trong tháng 10 tới.
"Cùng với việc tăng công suất không quá 50% các mỏ đang khai thác để đảm bảo nguồn cung cho dự án trong năm 2023 là 3,3 triệu m3, UBND tỉnh Đồng Tháp đang tiếp tục rà soát các mỏ mới trên địa bàn tỉnh để giới thiệu cho nhà thầu khảo sát, tiến hành các thủ tục khai thác đảm bảo cung ứng đủ 7 triệu m3 cát cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Thi nói.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, việc bàn giao mỏ cát trên sông Tiền lần này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc hỗ trợ thực hiện công trình trọng điểm quốc gia, góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hoàn thiện hạ tầng giao thông, bứt phá, vươn lên.
Ông Nghĩa cho rằng, cát đang thiếu, nên việc khai thác tại những mỏ đã cấp phải thật chặt chẽ. "Ban QLDA cùng các nhà thầu phải thường xuyên theo dõi quá trình khai thác, đảm bảo cát khai thác đúng trữ lượng, đúng thời gian và số lượng cát được khai thác phải cung ứng đủ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau", ông Nghĩa đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận