Hậu trường sao

Tuổi thơ cơ cực của ngôi sao mới nổi tại V-League 2020

12/09/2020, 06:30

Tuổi thơ cơ cực đã rèn luyện cho Lý Công Hoàng Anh ý chí vươn lên trong hành trình từ cậu học trò giỏi tới ngôi sao mới của bóng đá Việt Nam.

img
Lý Công Hoàng Anh (phải) trong màu áo Hồng Lĩnh Hà Tĩnh

Lý Công Hoàng Anh xuất thân trong một gia đình nghèo ở Hòa Bình. Tuổi thơ cơ cực đã rèn luyện cho anh ý chí vươn lên trong hành trình từ cậu học trò giỏi tới ngôi sao mới của bóng đá Việt Nam.

Bản sao của Đỗ Hùng Dũng

Trong đợt tập trung mới đây của đội tuyển U22 Việt Nam, Lý Công Hoàng Anh (CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) là một trong những cái tên gây ấn tượng mạnh nhất với HLV Park Hang-seo. Nhà cầm quân Hàn Quốc trực tiếp khen ngợi màn trình diễn của cậu học trò sinh năm 1999 sau buổi đá tập nội bộ.

Sở trường chơi tiền vệ, Hoàng Anh cho thấy khả năng di chuyển, chuyền bóng cũng như dứt điểm rất tốt. Đặc biệt, anh lên công, về thủ khá nhịp nhàng, khiến người hâm mộ liên tưởng tới tiền vệ Đỗ Hùng Dũng của CLB Hà Nội và đội tuyển Việt Nam.

Thực tế, trước khi cầu thủ 21 tuổi được triệu tập lên tuyển, HLV Phạm Minh Đức (CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) từng đánh giá Hoàng Anh có lối chơi tương tự Hùng Dũng nhưng còn hoàn thiện hơn ở tuổi 21. Dường như sợ học trò tự mãn nên nhà cầm quân này nhanh chóng thòng thêm một câu: “Hoàng Anh còn phải nỗ lực nhiều để đạt được những thành quả như Hùng Dũng hiện tại”.

Bản thân chàng cầu thủ quê Hòa Bình cũng tự ý thức được điều thày căn dặn. “Có lẽ do mọi người yêu quý tôi nên mới so sánh tôi với anh Hùng Dũng nhưng tôi biết mình cần học hỏi, rèn luyện thêm rất nhiều nếu muốn noi gương thần tượng”, tiền vệ CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Trước mùa giải 2020, không nhiều người biết tới cái tên Lý Công Hoàng Anh, chặng đường sự nghiệp của anh cũng rất thăng trầm. Anh gia nhập lò đào tạo trẻ PVF năm 11 tuổi. Cách đây 3 năm, anh nhận được thông báo mình bị loại vì không đáp ứng đủ yêu cầu chuyên môn. Không cam chịu thất bại trở về, Hoàng Anh xin vào tập tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ của Hà Nội, nơi đào tạo nên Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng…

Thời gian đầu ở đây, anh gặp chấn thương liên miên, không thể tập luyện và thi đấu nên từng có ý định từ bỏ. Nhưng rồi anh lại nghĩ về bố mẹ, nghĩ về gia đình và quyết định bước tiếp trên con đường đã chọn. Không lâu sau, giống như lứa Quang Hải, Duy Mạnh, chàng trai gốc Hòa Bình được chuyển giao cho CLB Hà Nội (tiền thân là Hà Nội T&T).

Tuy nhiên, không may cho Hoàng Anh là giai đoạn đó Hà Nội FC đang sở hữu lực lượng rất mạnh, nhiều ngôi sao trẻ sáng giá nên anh không thể chen chân vào đội hình chính, phải chơi cho đội Hà Nội B. Những ngày tháng đầu với cầu thủ sinh năm 1999 cũng vô cùng khó khăn, anh ít có cơ hội thể hiện. Phải tới khi HLV Phạm Minh Đức nắm đội, anh mới được tạo điều kiện phát huy tài năng.

“Thày Đức ảnh hưởng rất lớn tới cá nhân tôi. Chính sự chỉ bảo, dìu dắt và niềm tin của thày là động lực giúp tôi tự tin hơn mỗi lần ra sân. Nếu không có thày, giờ không biết sự nghiệp của tôi sẽ trôi về đâu”, Hoàng Anh bộc bạch.

Dưới trướng HLV Minh Đức, Hoàng Anh trở thành trụ cột đưa Hà Nội B lên chơi ở V-League nhưng do quy chế bóng đá chuyên nghiệp không cho phép một CLB có 2 đội đá cùng hạng đấu nên toàn bộ lứa đó và cả HLV Minh Đức được chuyển giao cho Hà Tĩnh.

Trong màu áo mới, Hoàng Anh tiến bộ không ngừng và trở thành một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất V-League. 10 năm theo đuổi bóng đá, hai lần chuyển giao cùng vô vàn trắc trở, đến nay, có thể nói Hoàng Anh đã bước đầu tạo dựng được sự nghiệp.

Hành trang là những câu chuyện của bà

Sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình, trong một gia đình không có điều kiện kinh tế, tuổi thơ tuyển thủ U22 Việt Nam khá vất vả.

“Thay vì được đi chơi như chúng bạn, sau khi học xong buổi sáng, chiều tôi phải ở nhà trông em để bố mẹ đi làm thuê. Ở vùng núi, làm nông nghiệp rất khó khăn, năng suất lại thấp nên bố mẹ phải làm thêm để nuôi anh em tôi. Cuối tuần, nếu bố mẹ ở nhà thì tôi lại cùng bà nội lên rừng kiếm củi về đun. Hôm nào được nhiều thì tôi mang bán lấy tiền đóng học”, Hoàng Anh kể.

Ngày nhỏ, chàng trai sinh năm 1999 rất mê bóng đá và luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để chạy nhảy cùng trái bóng. “Đồ chơi của tôi không có gì ngoài những quả bóng đủ loại, có quả cũ mèm tôi cũng không nỡ vứt. Lúc ăn hay lúc ngủ tôi cũng phải kè kè quả bóng bên cạnh”, cầu thủ 21 tuổi nhớ lại.

Mê bóng đá và có năng khiếu nên Hoàng Anh được chọn vào đội bóng của lớp rồi của trường, của huyện đi thi đấu. Giải nào có anh tham gia, đội cũng giành chức vô địch. Thành tích học tập của anh cũng rất đáng nể khi anh liên tục giành danh hiệu Học sinh Giỏi. Thậm chí, năm lớp 5, Hoàng Anh còn đoạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh.

Cũng bởi thấy con học tốt nên mẹ Hoàng Anh kịch liệt phản đối khi con muốn theo nghiệp bóng đá. Trong suy nghĩ của bà, đến trường là con đường duy nhất dẫn tới thành công. Bà không muốn con bỏ dở việc học rồi cả đời lại lam lũ như bố mẹ.

Cũng may, bố anh lại rất ủng hộ ước mơ của cậu con trai. Sau nhiều lần thuyết phục, Hoàng Anh được mẹ cho phép thi tuyển vào Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF. Ngày trúng tuyển, anh hứa với mẹ sẽ nỗ lực, đi để thành tài, chỉ về khi đã thành công.

Bởi lời hứa năm xưa, chàng trai 21 tuổi chưa bao giờ ngừng nỗ lực trên con đường sự nghiệp. “Tôi muốn bố mẹ có quyền tự hào về mình. Tôi tự hứa không được phép thất bại và luôn hướng về phía trước”, cầu thủ đang chơi ở V-League quả quyết.

Quanh năm tập luyện, thi đấu xa nhà, những lúc lắng lại, Hoành Anh lại nhớ nhà quay quắt. Anh bảo, nhớ nhất là món gà nướng của mẹ, nhớ bữa cơm chiều gia đình sum vầy rồi cả những câu chuyện cổ tích qua lời kể của bà nội.

“Tôi nhớ rằng, trong tất cả các câu chuyện bà kể, ở hiền sẽ gặp lành, chịu thương chịu khó thì sẽ đủ đầy chứ không thể há miệng chờ sung, không nỗ lực nhưng lại muốn hưởng thành quả. Đây là hành trang tôi luôn mang theo để tự nhủ không bao giờ được ngừng nỗ lực”, Hoàng Anh nói.

Từ ngày lên chơi chuyên nghiệp, Hoàng Anh có lương thưởng tương đối ổn định. Khoản thu nhập hàng tháng anh chia làm đôi, một nửa giữ lại cho bản thân và nửa còn lại gửi về phụ giúp gia đình.

“Số tiền tôi gửi bố mẹ hàng tháng không nhiều nhưng đó là trách nhiệm của một người con đã trưởng thành. Thi thoảng, tôi mua tặng bà món quà trang sức nhỏ hoặc tấm áo mới. Nhưng lần nào bà cũng mắng, bà bảo tôi thi đấu vất vả, để dành tiền mà bồi dưỡng, ăn uống thêm và lo cho tương lai…”, Hoàng Anh kể.

“Mong muốn lớn nhất là con được khỏe mạnh”

Ông Lý Công Thành, bố Hoàng Anh chia sẻ, gia đình không có ai theo thể thao, bản thân ông cũng không hiểu nhiều về công việc của con nhưng biết con đam mê nên hết lòng ủng hộ. “Hôm rồi con được gọi lên đội tuyển U22, cả nhà vui lắm, bà con tới chúc mừng chật cả nhà. Hy vọng sau này em nó sẽ có cơ hội cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Nếu được vậy, đó không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn cả của dòng họ, làng trên xóm dưới. Nói là vậy nhưng với người làm cha làm mẹ như tôi, quan trọng nhất là mong con được khỏe mạnh, không bị chấn thương, như vậy cũng đã mãn nguyện lắm rồi”, ông Thành nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.