Thế giới giao thông

Chuyên gia dự báo tương lai ảm đạm của các công ty vận tải công nghệ

01/10/2022, 06:49

Lạm phát tăng, giá cả thị trường leo thang tác động xấu tới tương lai của các công ty cung cấp nền tảng gọi xe, giao nhận đồ ăn như Grab, Uber.

Khó tránh giảm doanh thu

Nhiều năm qua, các dịch vụ gọi xe và giao nhận đồ ăn trên toàn cầu như Grab, Uber đã phát triển vượt bậc vì nhiều yếu tố như mô hình mới, tiện lợi cho khách… nhưng quan trọng nhất là giá rẻ, nhiều chương trình khuyến mãi.

Tuy nhiên, yếu tố hấp dẫn nhất này đang nhạt dần do tác động từ đại dịch, hệ lụy lạm phát, giá nhiên liệu tăng cao từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine…

img

Lái xe Uber biểu tình

Theo báo điện tử Channel NewsAsia, đối nghịch với mức độ mở cửa của nền kinh tế sau đại dịch, nhu cầu giao đồ ăn hay vận chuyển hàng hóa giảm dần, còn dịch vụ gọi xe vẫn chưa phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch.

Ông Andrew Challenger, Phó chủ tịch cấp cao Công ty Dịch vụ toàn cầu Challenger, Grey & Christmas cho biết, nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ có tốc độ tăng trưởng vượt bậc vào năm 2020, đặc biệt lĩnh vực giao hàng, đã và đang nhận thấy lượng người dùng giảm dần.

Riêng tại Singapore, Channel NewsAsia dẫn thông tin từ Bộ trưởng Giao thông Singapore S Iswaran cho biết, kể từ tháng 1/2020, số lượng lái xe taxi và tài xế hợp tác với các hãng gọi xe giảm 18%. Tính đến tháng 6/2020, số lượng này vào khoảng 57.000 người.

Theo ông John Colley, Giáo sư Khoa kinh doanh, Đại học Warwick, với dự báo tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tiếp tục cao trong năm tới hoặc lâu hơn thì số tiền khách hàng có thể chi cho các dịch vụ không thiết yếu sẽ ngày càng giảm đi. Ví dụ, đối với dịch vụ giao hàng hay gọi xe thì khách hàng có thể chọn lấy đồ mang đi hoặc đi bộ đến siêu thị thay vì trả thêm phí giao hàng.

Người dùng cũng có thể đi phương tiện công cộng hoặc đạp xe hơn là đi taxi. Do đó, sự sụt giảm về doanh thu là điều gần như không thể tránh khỏi.

Giáo sư Colley cũng cho rằng, các công ty cung cấp nền tảng công nghệ giao hàng, gọi xe không chỉ vướng vào mối quan hệ đối nghịch - hành khách muốn hạ giá, tài xế muốn tăng phí - mà còn bị đóng khung trong mô típ phát triển cũ là chịu lỗ, vay lãi nhiều trong thời gian đầu để đưa ra những hỗ trợ hấp dẫn, thu hút khách hàng và cả nguồn nhân lực, đặc biệt là tài xế. Mục tiêu của họ là tạo ra sức nặng thương hiệu và trở thành một thói quen hàng ngày của người tiêu dùng. Khi nguồn tiền còn dư dả, họ tin rằng có thể tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư mới để tài trợ cho những khoản lỗ ban đầu, miễn là số lượng khách hàng luôn tăng lên.

Tuy nhiên, theo Bloomberg đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, các nhà đầu tư đang đánh giá lại và không muốn đổ tiền vào những mô hình liên tiếp lỗ nữa.

Đó chính là một trong những lý do nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của các công ty công nghệ, khiến những công ty này rất khó vay vốn kinh doanh và chịu thêm nhiều sức ép trả các khoản nợ hiện có. Trang Bloomberg thậm chí còn nhận định đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trong năm 2022 còn lâu mới có thể kết thúc.

Tìm cách sinh tồn

Ông Andrew Challenger cho biết, cùng với những lo ngại về lạm phát và lãi suất, các công ty công nghệ phải cắt giảm các khoản chi, trong đó có các khoản hỗ trợ cho người lao động, kiểm soát tiền lương, thậm chí cả số lượng nhân viên.

Điển hình, Grab đang phải cải tổ lại các đơn vị fintech (công nghệ tài chính) để tập trung vào các lĩnh vực sinh lợi hơn. Trước đó, hãng tin Reuters cũng đưa tin về sự ra đi của một số giám đốc điều hành cấp cao Grab.

Trong khi đó, một cách thức nhiều công ty công nghệ nghĩ đến đó là phải tăng giá dịch vụ bất chấp lúc này thu nhập của khách hàng đang giảm. Điều này chắc chắn sẽ kéo theo lượng khách giảm.

Riêng với Uber, tại Mỹ, từ tháng 3 năm nay, Uber đã thông báo tăng phụ phí nhiên liệu khoảng 0,45 USD hoặc 0,55 USD đối với mỗi chuyến tùy thuộc vào từng địa điểm và cam kết 100% số tiền phụ phí này sẽ đi thẳng tới túi của tài xế hợp tác. Song Uber nhấn mạnh việc tăng giá chỉ là tạm thời và “sẽ đánh giá lại”.

Tại châu Âu, Uber cũng tăng giá ở nhiều quốc gia như: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Cộng hòa Séc… theo hình thức tăng phí cơ bản và ấn định mức tăng ở mỗi nơi khác nhau tùy theo chi phí hoạt động của lái xe, mức lợi nhuận khác nhau mà Uber kiếm được ở mỗi quốc gia/thành phố, dựa trên các đối thủ cạnh tranh, các quy định vận hành tại mỗi nước.

Tuy nhiên, đứng trước áp lực giá cả leo thang chóng mặt ở EU nhất là giá nhiên liệu, mức tăng giá trên vẫn chưa thấm vào đâu với các lái xe hợp tác.

Ở một số nơi tại châu Âu, các tổ chức đại diện cho tài xế cũng chỉ trích nỗ lực của các ứng dụng gọi xe như Uber, Bolt là chưa đủ và yêu cầu Chính phủ vào cuộc hỗ trợ người lao động. Mặt khác, nhiều tài xế khác tìm đến những nơi làm việc toàn thời gian, công việc mới có lương cao hơn.

Theo Giáo sư John Colley, quy mô hoạt động của các công ty công nghệ cũng có thể bị thu hẹp. Họ chỉ có thể tìm kiếm lợi nhuận lâu dài ở những khu vực giàu có hơn, nơi nhu cầu của khách hàng vẫn duy trì và mức phí cao, ở những khu vực có mật độ dân số cao.

Xa hơn nữa, khi nhu cầu từ khách hàng giảm, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thì chỉ những công ty mạnh nhất mới có thể tồn tại. Khả năng một số công ty sẽ biến mất và những công ty còn lại sẽ nắm quyền tiếp quản. Giữa hàng loạt yếu tố đầy bất trắc hiện tại, sự phát triển của các công ty công nghệ sẽ ra sao và công ty nào trụ lại được vẫn còn khó dự đoán.

Sau thời gian phát triển nóng, hiện tại, định giá của nhiều công ty công nghệ đã giảm đáng kể. Uber hiện được định giá chỉ còn 49 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 125 tỷ USD vào đầu năm 2021. DoorDash, một công ty giao hàng của Mỹ, cũng giảm xuống còn 28 tỷ USD từ mức gần 90 USD tỷ so với cùng kỳ.

Cổ phiếu của Grab, công ty đặt xe và giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á, cũng đã giảm khoảng 60% trong năm nay và hiện giá trị thị trường của công ty này chỉ vào khoảng 10,6 tỷ USD. Deliveroo, một công ty giao hàng của Anh đã ghi nhận giá trị thị trường giảm từ 7 tỷ bảng Anh xuống 1,7 tỷ bảng chỉ trong 9 tháng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.