“Cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc, bảo vệ Tổ quốc thực ra kéo dài trong cả 10 năm, từ 1979-1989, đây là một trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất của dân tộc ta. Chúng ta tưởng nhớ tới quá khứ không phải để khơi gợi những hận thù, mà là tri ân những người đã chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc và thêm yêu, thêm trân trọng những gì chúng ta đang có”.
Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự, người đã có những năm tháng trực tiếp cầm súng và chỉ huy chiến đấu (với vai trò Trung đoàn trưởng) trong cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược đã xúc động chia sẻ như thế, khi trò chuyện với Báo Giao thông nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019).
Sự tàn khốc của chiến tranh
Mỗi năm, cứ đến dịp này, cảm xúc của ông thế nào?
Chiến tranh đã đi qua 40 năm rồi nhưng mỗi dịp này hàng năm, trong tôi lại ùa về rất nhiều cảm xúc, kỷ niệm.
Ngay từ tháng 2/1979, Trung Quốc đã xua 60 vạn quân sang để mở màn cuộc chiến tranh trên dải đất biên giới phía Bắc dài gần 1.000km, đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh tới Lai Châu. Đội quân xâm lược mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần, kể cả về số lượng hay trang bị vũ khí.
Tôi còn nhớ, buổi sáng 17/2/1979, Trung Quốc mở cuộc tấn công thì buổi chiều có bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” với ca từ hào sảng: “Trên bầu trời biên giới, toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược tàn ác, dã man…”. Khi bài hát này lên sóng đài truyền thanh đã thôi thúc lòng người, khơi dậy tinh thần tự tôn và ý chí của người dân Việt Nam, không khuất phục trước quân xâm lược.
Đây cũng là một cuộc chiến đẫm máu của chúng ta chống lại quân xâm lược, gây cho ta tổn thất khủng khiếp về kinh tế và cả con người.
Nhìn lại cuộc chiến tranh 40 năm trước, cảm xúc làm tôi lay động nhiều nhất chính là dân tộc ta đã bước vào trận chiến chống quân xâm lược với tâm thế đĩnh đạc, với lòng tự tôn dân tộc rất cao dù chúng ta vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm. Đó là sự hy sinh rất lớn.
Ấn tượng khác với tôi, chính là hình ảnh của những chiến sĩ, đồng đội ở Vị Xuyên và ở rất nhiều nơi khác đã nằm xuống và rất nhiều người chưa thể đón về với đất mẹ. Đó luôn là một nỗi niềm đau đáu trong tâm khảm những người còn sống như chúng tôi.
Là người từng trực tiếp chiến đấu trên những trận địa ác liệt nhất, chắc hẳn cùng với những kỷ niệm sâu sắc, còn có cả những điều ám ảnh ông trong suốt cuộc chiến ấy?
Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là ngày 28/2/1986, sau trận đánh ác liệt với quân Trung Quốc, tôi cùng một trợ lý tác chiến đi kiểm tra một đại đội chốt tiền tiêu. Thời điểm đó vào dịp Tết, nhưng anh em ở đó cuộc sống rất khó khăn, tiếp tế rau củ quả chưa kịp tới, nên suốt cả một đêm và trọn ngày hôm sau ngồi ở chốt điểm tiền tiêu ấy, quan sát hoạt động của lính Trung Quốc, chúng tôi cùng ăn lương khô, uống nước dự trữ trong bi-đông. Khi đó tôi ngẫm ra một điều là khả năng chịu đựng tuyệt vời, cùng tính nhân văn người Việt thấm đẫm vào từng người lính.
Khi ấy, cấp trên với cấp dưới không có ngăn cách gì hết, chỉ có một cái chung là bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, dù gian khổ, hy sinh cũng quyết chiến đấu giữ cho bằng được.
Nhìn cán bộ chiến sĩ cấp dưới quây quần chia nhau từng hơi thuốc lá, chia nhau miếng lương khô, tôi thấy nghẹn ngào. Nó cũng đã củng cố tinh thần cho tôi - một người chỉ huy, chịu trách nhiệm trước sinh mệnh của gần 2.000 con người. Nó cho tôi niềm tin mãnh liệt, tin vào mình và tin anh em, dù hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, lại vào dịp Tết nhưng tinh thần của người lính luôn lạc quan, vững vàng, không có gì suy chuyển được.
Nhưng cũng có rất nhiều sự hy sinh đã ám ảnh tôi, mà có lẽ sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời.
Đó là khi tôi nhìn thấy đồng đội mình trong bãi mìn bị thương mà không làm sao đưa anh em ra được. Sau những quyết định rất khó khăn, tôi cho một người vào cứu đồng đội ra khỏi bãi mìn, thì chính người đó cũng hy sinh. Nhìn ảnh người đồng đội của mình bị thương, gãy tay, gãy chân, nằm phơi nắng giữa bãi mìn mà không thể làm gì, thực sự vô cùng ám ảnh. Đó là sự tàn khốc của chiến tranh.
Nếu để so sánh mức độ tàn khốc, ác liệt của cuộc chiến ấy, ông sẽ so sánh nó với điều gì?
Mỗi một cuộc chiến nếu so sánh sẽ rất khập khiễng. Trong sự nghiệp chiến đấu của tôi với 45 năm là người lính, có 17 năm cầm súng chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, có 9 năm ở chiến trường miền Nam và 8 năm ở chiến trường biên giới phía Bắc, đánh hàng trăm trận, tham gia hàng chục chiến dịch với quy mô lớn, tôi vẫn không thể quên những trận địa pháo binh của Trung Quốc. Mật độ pháo bắn rất khủng khiếp. Chúng không chỉ bắn một tiếng, hai tiếng mà bắn suốt cả một ngày, từ sáng sớm cho đến tối. Tàn phá đến nỗi có những đoạn núi đá tai mèo bị pháo bắn trắng như vôi.
Tổn thất của chúng ta cũng rất lớn, đặc biệt là sự hy sinh trong những ngày mở đầu cuộc chiến, vì về mặt chiến thuật, chúng ta bị bất ngờ. Có những đồn biên phòng tổn thất rất nặng, có đồn hầu hết anh em hy sinh, vì sáng ra tập thể dục thì quân Trung Quốc đã nằm ngay trước cửa và anh em không có khả năng tự vệ.
Để giữ hòa bình, phải tự vươn lên, không phụ thuộc nước nào
Nhớ lại quá khứ không phải để khơi gợi lại những hận thù. Những kí ức đau buồn, những khoảnh khắc lịch sử bi tráng trong quá khứ nếu có nhắc đến thì cũng chỉ để chúng ta nhớ về với lòng tự hào và biết ơn những người đã hy sinh. Từ đó đất nước ta mới có được sự thanh bình, no ấm như hôm nay. Ông có nghĩ như vậy?
Đương nhiên rồi. Dân tộc ta là như thế. Chúng ta bây giờ cũng không coi Pháp, Mỹ là cựu thù, vì mọi cuộc chiến đã qua.
Có thể nói rằng, không dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, lúc nào cũng mong muốn, khát vọng hoà bình rất lớn lao, vì dân tộc ta đã chịu quá nhiều đau thương và mất mát.
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và chống giặc ngoại xâm từ thời Hùng Vương, An Dương Vương cho đến thời kỳ Hồ Chí Minh, chúng ta luôn rất khát khao hoà bình, không muốn có cuộc chiến tranh nào.
Đảng, Nhà nước ta cũng đưa ra chiến lược quan hệ với tất cả các nước. Chúng ta có quan hệ hợp tác nhưng cũng có đấu tranh, đấu tranh ấy là để giữ gìn bờ cõi, biên cương, biển đảo, đất liền mà thế hệ tiền nhân đã đổ xương máu để có được đất nước như ngày nay.
Nhưng lịch sử là lịch sử, lịch sử không thể bóp méo.
Dù vậy, quan hệ với các nước láng giềng và quan hệ quốc tế là vấn đề chúng ta cần đặt lên hàng đầu, vì nó liên quan đến sự trường tồn của dân tộc.
Chúng ta phải xây dựng đất nước mạnh về quân sự, quốc phòng, kinh tế và các lĩnh vực khác, để trước hết tự bảo vệ mình. Nếu không xây dựng đất nước mạnh giàu, khi chúng ta yếu đuối sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch, các kẻ thù phát động cuộc chiến với đất nước ta.
Và để xây dựng đất nước mạnh lên không đơn giản, nhưng không có nghĩa ta không là được, vì lịch sử đã cho ta bài học rồi.
Hoà bình, hữu nghị phải gắn với độc lập chủ quyền, vì thế, ta phải tự vươn lên, không thể phụ thuộc vào bất cứ nước nào, nếu không ta sẽ phải trả giá rất đắt. Lịch sử đã cho thấy điều đó.
Đến nay, còn hàng nghìn liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên chưa quy tập được hài cốt. Nhiều thương binh cũng chưa được hưởng đầy đủ những chính sách, chế độ… Là một người lính, cũng từng là người chỉ huy, ông mong muốn điều gì cho những người đồng chí, đồng đội của mình?
Chúng tôi vừa tổ chức một đoàn lên Vị Xuyên - nơi tôi trực tiếp chỉ huy một trung đoàn chiến đấu ở Vị Xuyên suốt 2 năm 1985 -1986, đó là những năm ác liệt nhất, để tri ân đồng đội.
Hiện nay, khoảng gần 2.000 đồng đội còn nằm ở các đỉnh núi cao, trong các hang đá bị lấp mà chưa được quy tụ về nghĩa trang Vị Xuyên.
Chúng tôi rất muốn đưa những đồng đội của mình về nghĩa trang để ấm lòng hơn, đỡ áy náy hơn, nhưng việc đưa các đồng đội về không đơn giản, vì nếu không cẩn thận những người đến đưa các đồng đội về có thể hy sinh tiếp, bởi vì mìn của Trung Quốc và của ta, pháo của 2 bên bắn vào các trận địa vẫn còn lẫn vào đó, dù phương tiện dò gỡ mìn của ta rất hiện đại nhưng để dò mìn và đưa các đồng đội ra không dễ chút nào.
Mong muốn thì rất nhiều, nhưng cái thực tế nhất là có một sự quan tâm thực sự đến hậu phương của những người lính, những người đã mãi mãi ra đi, làm sao để họ cảm thấy vơi đi mất mát, đau thương và ấm lòng khi có sự quan tâm thực sự.
Tiếp đó là cố gắng trong những điều kiện có thể để đưa người con ưu tú hi sinh còn nằm lại ở các chiến trường về với đất Mẹ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hơn 5.000 bộ đội ta hy sinh
Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, nguyên Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang thời kỳ 1985- 1989 cho biết, tháng 2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc tràn sang xâm lược Việt Nam, có nơi vào sâu trong đất liền tới 50km, phá hoại và san bằng TX Lào Cai, Cao Bằng, một phần TX Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc.
Nằm trong cuộc chiến đó, từ tháng 4/1984 - 5/1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 60 vạn quân của 8 trong 10 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên với âm mưu vẽ lại đường biên giới tới phía Bắc suối Thanh Thủy.
“Đây là cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất kể từ sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ năm 1975. Ác liệt nhất, có đợt chỉ trong 3 ngày Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn đại bác vào khu vực Vị Xuyên. Cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm (1984 - 1989), nếu tính từ năm 1979 thì cuộc chiến kéo dài tới 10 năm”, tướng Huy cho biết.
Để giữ vững biên cương, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên. Những trận đánh giữ đất của bộ đội Việt Nam diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm…
Chiến tranh kết thúc, có cao điểm bị bạt đi hơn 3m vì đạn pháo, ác liệt đến mức được gọi là “lò vôi thế kỷ”. Quân dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới.
“Thắng lợi rất anh hùng nhưng tổn thất cũng rất lớn. Đã có hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Phần lớn họ trên dưới 20 tuổi. Tính đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính thức về số người dân thiệt mạng, nhưng ước tính con số này là không nhỏ, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy chia sẻ.
Văn Huế
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận