Tháng 3 Âm lịch nhằm tháng 4 Dương lịch, trời yên biển lặng. Tháng này, năm nào cũng có những chuyến tàu từ đất liền hướng về Trường Sa thân yêu.
Đảo Trường Sa Lớn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Giản Thanh Sơn
Nơi đó, những Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, An Bang, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Cô Lin, Đá Đông, Đá Lát… đồng bào và chiến sĩ luôn ngóng trông những chuyến tàu đưa hơi ấm đất liền ra đảo. Và những nhà giàn Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Huyền Trân, Quế Đường… cũng thế.
Đặt chân lên Trường Sa Lớn hay Song Tử Tây sẽ thấy lòng trào dâng cảm xúc tự hào, yêu thương. Nhưng đặt chân lên những đảo chìm Đá Thị, Cô Lin, Len Đao… hay các nhà giàn DK, mới dậy lên sự cảm phục cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư kiên cường ngày đêm bám biển giữa đại dương mênh mông nước và cả những mùa bão tố. Đó là những người đầu sóng ngọn gió, là phên giậu biển khơi của Tổ quốc.
Tôi đã đặt chân lên rất nhiều đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa. Đã dừng lại trên sóng nước Gạc Ma, lặng lẽ cúi đầu thả vòng hoa tưởng niệm 64 chiến sĩ anh hùng với biểu tượng Vòng tròn bất tử trong tiếng quân nhạc trầm hùng. Không ai bị lãng quên. Không xương máu nào đổ xuống bị lãng quên. Gạc Ma và cả Hoàng Sa, nỗi đau nhức nhối, món nợ dai dẳng…
Tháng Tư mặt biển bình yên nhưng Biển Đông của Tổ quốc chưa bao giờ yên ả. Dã tâm cướp đất, cướp biển của kẻ ác vẫn thường trực. Tôi nhớ ở Đá Nam, khi đón đoàn đến, các chiến sĩ trẻ rất vui. Nắng chói chang, gió mơn man. Nhưng Trường Sa không chỉ có thơ mộng.
Những người chiến sĩ ở đây cho biết, đêm đến mới là thời khắc căng thẳng nhất, vì trong bóng đêm, kẻ thù có thể xâm nhập bất cứ lúc nào. Đến những con Vện, con Vàng đêm xuống cũng trở thành lực lượng cảnh giới.
Đảo bây giờ đã có dân cư, có trẻ con và có thầy giáo dạy chữ. Có cả chùa chiền và cảng cá hậu cần, có nhiều cây xanh từ đất liền đem ra. Nhưng cây bàng vuông và những dải cây phong ba vẫn là biểu tượng bất khuất, kiên cường, mặc cho sóng gió đại dương, chúng luôn tươi tốt.
Cây bàng vuông từ Trường Sa đem về đất liền nay nhiều nơi trong trường học, công sở cũng có, là biểu tượng gắn kết giữa đất liền và biển đảo, như máu thịt, như tay với chân.
Lần đó chúng tôi đi, mỗi người mang theo một nắm đất, mang về một chai nước múc từ Trường Sa. Trường Sa được bồi từng chút đất. Cũng bồi bằng xương máu của nhiều thế hệ.
Nhớ nhất lần con tàu hải quân hậu cần đưa chúng tôi đi trên biển có một tàu ngư dân mình ghé lại. Trên biển mênh mông, con tàu gỗ của ngư dân như chiếc lá tre lắt lẻo. Sau mới biết ngư dân ghé lại xin nước.
Và rồi lần khác, khi tàu đang neo để ăn trưa, một ca nô của đảo chìm gần đấy chạy đến. Thuyền trưởng cho phép hai chiến sĩ lên tàu và mời ăn trưa. Hai chiến sĩ lúng túng trình bày: “Báo cáo thủ trưởng, chúng em chỉ đến… xin nước!”.
Những giọt nước ở đảo quý như máu, như mạng sống. Nên khi ở đất liền đủ đầy, xin hãy quý từng giọt nước, từng ngọn xanh…
Xung đột Nga - Ukraine đang làm thế giới thay đổi trạng thái bình thường. Trên biển quê hương, nơi đầu sóng ngọn gió, những chiến sĩ Trường Sa càng cảnh giác cao độ hơn bao giờ hết, nhất là gần đây những chiếc tàu dán nhãn “hải dương” lảng vảng trong thềm lục địa chủ quyền Việt Nam.
“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên…” (Chút thư tình người lính biển – Đức Chính). Chưa bao giờ bình yên, nên thấy những lao xao sóng biển, hãy biết ơn và biết rằng có những chàng trai trẻ đang ngày đêm canh giữ biên cương nơi đầu sóng ngọn gió.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận