Thay vì kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển học bạ như năm học trước, năm học 2019 - 2020, kỳ thi vào 10 tại Hà Nội (tổ chức vào ngày 2-3/6) chỉ dựa vào kết quả thi tuyển của học sinh. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng quy định không áp dụng việc cộng điểm khuyến khích cho các thành tích học sinh đạt được từ kì thi văn hóa, khoa học kỹ thuật, chứng chỉ nghề..., không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS. Đó là thông báo mới nhất về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2010 được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố hôm nay, 11/3.
"Quy định này là công bằng với tất cả các thí sinh, bởi thực tế có quá nhiều điều bất hợp lý ở các giải thưởng, và cũng không thiếu những khuất tất trong việc chạy đua thành tích", chị Vũ Lan Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đồng tình với quy định mới.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho rằng việc không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS làm thiệt thòi hơn cho cho những học sinh có cả quá trình phấn đấu.
Điểm mới khác trong kỳ thi vào 10 năm nay của Hà Nội là bổ sung môn Sử cùng với 3 môn đã được định sẵn gồm Toán, Văn và Ngoại ngữ.
Bài thi hoặc phần thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo hai nguyên tắc: Hai thí sinh liền kề không trùng mã đề, thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phầm mềm máy tính.
Đề thi gồm các câu hỏi theo chuẩn kiến thức kĩ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Đề thi Toán, Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Đề thi Ngoại ngữ, Lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng thấp.
Trước thông tin Sử được chọn là môn thi thứ 4, em Nguyễn Hà Phương (học sinh lớp 9 H, Trường THCS Lê Ngọc Hân) cho biết: "Em cũng không quá bất ngờ, vì năm nay có nhiều thay đổi kỳ thi này nên, từ đầu năm học chúng em đã cố gắng học đều các môn. Hơn nữa cũng đủ thời gian để ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi này. Tuy nhiên, nếu được là môn Hóa hay Lý thì em sẽ thích hơn bởi đã rất chắc hai môn này".
Còn chị Vũ Lan Anh nhận định: "Việc cải cách kỳ thi năm nay ít nhiều cũng khiến các con mệt mỏi hơn. Nhưng việc lựa chọn một môn thi thứ tư vẫn là lợi thế cho con hơn là 1 tổ hợp. Với môn Sử được lựa chọn trong năm nay, hi vọng đề thi nằm trọn vẹn trong phần học lớp 9 thì các con đỡ vất vả".
Được biết, năm học 2019-2020, toàn thành phố có 101.460 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm 4.000 học sinh so với năm trước. Khoảng 60-62% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, 20% vào cấp III tư thục, 10% vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX, số còn lại tham gia học nghề.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận