Toàn cảnh chuyên đề: "Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố" |
Tuyên truyền ATGT đến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM nhận định, 90% vụ TNGT là do ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ chưa cao của người dân khi tham gia giao thông. Còn lại 10% là do phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo kỹ thuật an toàn, hạ tầng giao thông, chưa đồng bộ với sự phát triển kinh tế, uống rượu bia khi điều khiển các phương tiên lưu thông trên đường… Do đó, khi tuyên truyền cho người dân, đặc biệt cho cộng đồng người dân tộc thiểu số, thành phố chú trọng đến tuyên truyền cho những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về đảm bảo ATGT. Qua đó, họ sẽ tuyên truyền, vận động con em đồng bào ở địa phương, cộng đồng tôn giáo nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Nêu gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành luật giao thông đường bộ,…
Trong khi đó, ông Tăng Cẩm Vinh, Phó Trưởng Ban Dân tộc TP.HCM cho rằng, công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đảm bảo ATGT chậm đổi mới về nội dung, hình thức. Hình thức tuyên truyền còn một chiều, chưa thật sự ghi nhận sự phản hồi, tham gia đóng góp ý kiến từ những người được tuyên truyền để xây dựng nội dung, phương thức cho phù hợp; chưa lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố nói riêng.
Trình chiếu mô hình ATGT tại các hội quán, thánh đường, chùa…
Đồng tình với quan điểm này, ông Y Sau Mơ, người có uy tín trong Ban cộng đồng Hồi giáo TP cho rằng, lực lượng cảnh sát giao thông bố trí trực chốt thường xuyên ở các giao lộ, “điểm đen” về ùn tắc giao thông. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử phạt những vi phạm về ATGT.
Cũng theo ông Y Sau Mơ, thành phố chú trọng tuyên truyền các nội dung, ngôn ngữ các dân tộc Hoa, Chăm, Khơ me…chủ yếu làm video ngắn từ 15 - 20 phút về hậu quả TNGT ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, từ gia đình đến cộng đồng xã hội. Từ đó, giới thiệu các quy định pháp luật, mô hình tiêu biểu, cách làm hay mà địa phương làm tốt cho đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng tham gia đảm bảo trật tự ATGT được trình chiếu tại các hội quán, thánh đường, chùa… trong thời gian tới.
Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đảm bảo trật tự ATGT. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, các đại biểu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng đề xuất, thành phố lưu ý đến giáo dục ý thức người dân tham gia giao thông ngay từ thời còn bé. Đồng thời, phối hợp đài phát thanh, đài truyền hình phát sóng tiếng dân tộc về an toàn giao thông ít nhất 2 ngày trong tuần,…
Chia sẻ về mô hình tuyên truyền vận động người Chăm thực hiện tốt và đảm bảo ATGT tại địa phương, đại diện UBND P.1, Q. 8 cho biết, chính quyền đã tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại Thánh đường Hồi giáo Anwar, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc tham dự. Đồng thời, phát thanh tuyên truyền qua hệ thống loa, tuyên truyền bằng loa di động trong các hẻm dân cư để đồng bào dân tộc Chăm được tiếp cận thông tin một cách nhanh và hiệu quả nhất… Từ đó, nhận thức của đồng bào Chăm tại địa phương được nâng lên, TNGT đã được kiềm chế, giảm hẳn số vụ tai nạn trên địa bàn. Chưa có trường hợp đồng bào Chăm nào bị đưa ra kiểm điểm trước tổ dân phố về vi phạm luật giao thông.
Theo Ban ATGT TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 2.634 vụ TNGT, làm chết 501 người và bị thương 1.783 người; So với cùng kỳ 2017: giảm 223 vụ tai nạn giao thông, giảm 33 người chết và 425 người bị thương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận