Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phát động phong trào đảm bảo ATGT - Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh |
Trước thực trạng ấy, Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn khi còn đương nhiệm trực tiếp trao đổi với ông Vũ Minh Tâm đang là Chủ tịch công đoàn GTVT VN đề nghị công đoàn vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để cùng ngành GTVT ngăn chặn, đẩy lùi đà gia tăng của TNGT. Điều ấy làm chúng tôi suy nghĩ và trăn trở rất nhiều, Công đoàn phải làm gì? Và làm thế nào để cùng vào cuộc?
Khởi đầu nan
Kể từ năm 2001 đến nay đã hơn 15 năm, Công đoàn GTVT Việt Nam đồng hành cùng Bộ GTVT và Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền Luật GTĐB, bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền viên về ATGT. Bình quân mỗi năm công đoàn mở được 10 lớp, chưa kể các hoạt động khác ở các sở GTVT, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi lớp có khoảng 200 học viên tham dự.
Với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng, từ năm 2010 đến nay TNGT đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, về số người chết giảm từ 12.000 xuống hơn 8.000 người. Đây là thành quả của cả hệ thống chính trị trong quá trình dài hàng chục năm. Chúng tôi, những tuyên truyền viên ATGT của Công đoàn GTVT rất vui khi đóng góp được một phần dù rất nhỏ bé của mình vào kết quả tích cực đó. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu, để kéo giảm TNGT bền vững, đồng thời tạo được nếp sống văn hóa giao thông thực sự còn rất chông gai và cần sự chung tay, nỗ lực lớn hơn nữa của không chỉ các cơ quan chức năng mà toàn thể người dân và người tham gia giao thông trên cả nước. |
Góp gió thành bão, sau 15 năm đã có trên 30.000 lượt cán bộ đoàn viên công đoàn, người lao động được Công đoàn GTVT VN (chưa tính số người được công đoàn cấp trên cơ sở và các công đoàn địa phương tổ chức) bồi dưỡng kiến thức pháp luật về ATGT, văn hóa giao thông, về những quy định xử phạt khi người tham gia giao thông vi phạm. Có nhiều lớp, số người dự lên tới 500 người như khi mở lớp ở Trường Cao đẳng GTVT Thái Nguyên, Đại học Công nghệ GTVT Hà Nội, Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh, Sở GTVT Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Cần Thơ, Yên Bái…
Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi luôn tự nhủ, một người hiểu biết Luật GTĐB sẽ làm gương cho nhiều người khác làm theo. Nhất định những gương tốt, người tốt sẽ lan tỏa ra toàn xã hội. Như đàn kiến tha lâu sẽ đầy tổ, từ chỗ một vài trăm người được trang bị phổ biến kiến thức và tài liệu Luật GTĐB, đến nay đã nhân lên hàng chục nghìn người. Những điều tưởng chừng đơn giản ai cũng biết ấy, ngày nào truyền thông cũng nhắc mọi người khi tham gia giao thông phải đội MBH đi xe máy, thực hiện văn hóa giao thông, biết ứng xử có văn hóa khi không may va chạm... nhưng không phải ai cũng làm theo. Hàng ngày, hàng giờ trên địa bàn cả nước vẫn có hàng trăm vụ vi phạm Luật GTĐB, vẫn có hơn 20 người chết, hàng chục người khác bị thương vì TNGT. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi - những tuyên truyền viên văn hóa giao thông hăng say làm việc hơn.
“Thổi hồn” cho những điều luật khô cứng
Mỗi đợt đi cơ sở tuyên truyền văn hóa giao thông, chúng tôi bố trí 3- 4 báo cáo viên. Trong đó, các báo cáo viên chú trọng giảng về Luật GTĐB và các điều luật khác, đặc biệt là tuyên truyền về văn hóa giao thông và cách ứng xử thực tế. Trong bài giảng của mỗi báo cáo viên thường có liên hệ với các tình huống thực tế trên đường khi tham gia giao thông để mọi người dễ tiếp nhận. Sâu hơn, bài giảng của chúng tôi còn chỉ ra cả nhiệm vụ sắp tới của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải làm gì để đóng góp vào nhiệm vụ chung của cả nước kéo giảm TNGT. Chúng tôi đã cố gắng biên tập ngắn gọn cho người nghe dễ nhớ, với nội dung như: “4 có” khi tham gia giao thông: Có hiểu biết kiến thức pháp luật về giao thông; Có ý thức chấp hành cao nhất pháp luật về giao thông; Có ý thức trách nhiệm cao nhất khi TNGT xảy ra; Có đầy đủ giấy tờ xe trước khi lái xe. Hoặc “3 không”: Không uống rượu bia khi tham gia giao thông; Không phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng; Không vi phạm pháp luật về giao thông.
Chúng tôi hiểu rằng, văn hóa giao thông và các điều luật chung về ATGT thường khô cứng, khó nhớ nên phải thật sáng tạo, làm thế nào để người nghe dễ tiếp thu, không buồn ngủ và người nghe không bỏ ra về. Các báo cáo viên phải nghiêm túc soạn kỹ các bài giảng với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, có hồn để người nghe ghi chép vừa đủ. Nếu cần ghi chỉ là dàn bài và ý chính, kết thúc lớp học có tài liệu, tờ rơi, minh họa đem về như: Sổ tay tóm tắt các luật về giao thông; Những điều cần biết về văn hóa giao thông; Tài liệu Hội thi lái xe ô tô, mô tô giỏi và an toàn; Văn hóa giao thông là gì?...
Quá trình truyền đạt kiến thức về Luật GTĐB, chúng tôi luôn chọn lọc thông tin mới để cung cấp cho học viên như câu chuyện về Bác Hồ tôn trọng Luật GTĐB trên đường đi công tác khi gặp đèn đỏ, người bảo vệ muốn đề nghị công an giao thông ưu tiên, nhường cho xe của Bác đi qua, Bác ngăn lại và nói, Bác không phải là vua đâu. Khi truyền đạt bài giảng, mỗi chúng tôi luôn đổi mới để học viên không nhàm chán: Cố GS.TS. Phạm Công Hà, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia luôn có những câu hỏi trắc nghiệm - kiểu vui chơi có thưởng để học viên suy nghĩ giải quyết tình huống trên đường; Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn GTVT Việt Nam Lâm Hồng Kỳ lại thường xuyên hát tặng người nghe những bài hát giao thông. Giảng viên hát, học viên cũng hát vui lắm. Còn tôi, luôn cập nhật thông tin thời sự về ATGT, về công nghệ thi công cầu, đường, phương tiện ô tô xe máy trong nước và quốc tế mới nhất.
Nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn GTVT VN
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận