Ngày 21/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Dự hội nghị có ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương), Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) và một số lãnh đạo khác cùng hơn 700 đại biểu.
Theo báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của đất nước, trong đó có những thách thức chưa từng có tiền lệ, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực.
Trong đó, thông tin về hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, các sự kiện đối ngoại trở thành điểm nổi bật trong bức tranh tuyên truyền tổng thể.
Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có chuyển biến rõ nét từ tư duy đến nội dung, hình thức, cách thức. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tiếp tục triển khai mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, mang lại hiệu quả cao.
Việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí được triển khai quyết liệt, đồng thời, chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
Ngoài những kết quả trên, công tác báo chí năm 2023 cũng đối diện nhiều khó khăn, bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Điển hình như nguy cơ tụt hậu trước sự phát triển nhanh của truyền thông xã hội. Một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra, một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp sách nhiễu tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp… gây bức xúc dư luận xã hội.
Tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị khởi tố, truy tố, xét xử vì lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí đã được quan tâm nhưng chưa xử lý được căn cơ, dứt điểm những vi phạm khá nhức nhối trong thời gian qua.
Sau khi các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí, hội nghị đã thống nhất trong năm 2024, các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí cần phát huy hơn nữa những kết quả trong năm 2023; Khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế nhằm “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận