Ủy ban Tài chính Quốc gia trong báo cáo về tình hình kinh tế tháng 5/2015 và 5 tháng đầu năm cho biết, tỷ giá vẫn chịu sức ép nhất định ngay cả khi NHNN đã điều chỉnh tỷ giá tổng cộng 2% từ đầu năm tới nay.
Nguyên nhân được chỉ ra là nhập siêu trong 5 tháng đã lên mức 3,7 tỷ USD (theo số liệu mới nhất tính đến 15/5 của Tổng cục Hải quan). Trong khi đó, tiền gửi ngoại tệ của khách hàng giảm. Theo số liệu của Ủy ban Tài chính Quốc gia, tính đến 31/3 huy động bằng ngoại tệ giảm 4,9% so với cuối năm 2014. Điều này có nghĩa là nhu cầu ngoại tệ đang tăng lên và tăng nhanh hơn so với con số huy động được của các ngân hàng.
Cũng theo tính toán của Ủy ban tài chính quốc gia, tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ là 87%, cao hơn hẳn mức 83,4% cuối năm 2014. Đây có thể là một trong số nguyên nhân dẫn tới lãi suất USD qua đêm liên ngân hàng lại tăng mạnh và dao động quanh khoảng 0,4-0,8%. Mức lãi suất này cao hơn so với mức 0,25% hồi đầu năm.
Lãi suất có dấu hiệu tăng Ủy ban Tài chính Quốc gia cho biết, biểu hiện ở việc huy động của hệ thống tổ chức tín dụng đang tăng chậm hơn cho vay. Tính đến 31/3, các ngân hàng chỉ huy động được 4.557 nghìn tỷ đồng (tăng 0,98% so với đầu năm. Trong khi đó, số cho vay lại tăng tới 1,7 lần và đạt 3.826 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng huy động thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khá đã làm tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhanh lên 84%, cao hơn mức 83% hồi cuối năm 2014. Bê cạnh đó, dấu hiệu tăng lãi suất còn thể hiện ở lợi suất trái phiếu chính phủ có xư hướng tăng kể từ tháng 3 năm nay khiến huy động trái phiếu chính phủ gặp khó khăn. Tính từ đầu năm tới nay, huy động trái phiếu chính phủ mới chỉ đạt 31,7% kế hoạch năm. |
Trong khi đó, trả lời báo chí chiều 26/5, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ vẫn giữ nguyên cam kết định hướng điều hành tỷ giá trong phạm vi biên độ không quá 2% cho cả năm.
Cơ sở của định hướng này theo Phó Thống đốc là việc phá giá ở mức cao sẽ mang lại lợi ích cho những nhà xuất khẩu, nhưng đối với những ngành sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài sẽ chịu tác động bất lợi khi giá nhập khẩu đầu vào tính bằng đồng nội tệ gia tăng. Đơn cử như đối với ngành dệt may, tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu năm 2013 là 82,5%; 70% đối với sản phẩm gỗ, 65% đối với sản phẩm may mặc, 50-60% đối với sản phẩm da giày.
Mặt khác, trường hợp phá giá để có lợi ích cho nhóm bà con nông dân khi xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nhưng lại làm cho đông đảo bà con nông dân phải chịu giá cao khi mua phân bón, thuốc trừ sâu, các thiết bị, công cụ sản xuất nông nghiệp…
Chưa kể đến một thực tế là hàng xuất khẩu của Việt Nam thường bán ở mức giá thấp hơn nhưng năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới hiện ở mức thấp do giá trị sử dụng không vượt trội, chất lượng hàng hóa thấp, ít có cải tiến, nâng cao phẩm cấp, mẫu mã, chất lượng... Với thực trạng này, việc điều chỉnh tỷ giá để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá có thể cải thiện xuất khẩu nhưng không dễ cải thiện được nhiều.
Bên cạnh đó, nếu NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá vượt biên độ định hướng đề ra sẽ làm gia tăng nghĩa vụ nợ nước ngoài của Chính phủ, ảnh hưởng tới việc kiểm soát nợ công khi đang ở sát ngưỡng 65% GDP. Doanh nghiệp cũng sẽ bị tăng nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản vay nước ngoài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận