Y tế

Tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT chưa cao, vì sao?

17/08/2017, 08:10

Viện trợ miễn phí thuốc điều trị HIV sẽ được cắt vào cuối năm 2017 làm dấy lên lo ngại việc điều trị...

12

Cần tạo điều kiện để 100% người nhiễm HIV được tiếp cận với BHYT

Ngại lộ danh tính, người nhiễm HIV còn chần chừ với BHYT

Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, đến thời điểm này, tỷ lệ tham gia BHYT của người nhiễm mới đạt trên 50%. Theo lý giải từ phía đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS, có nhiều lý do khiến tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT chưa cao. Đó là do bệnh nhân có tâm lý sợ bị phân biệt, kỳ thị đối xử, ngại chờ đợi khi phải khám BHYT; không có nhân viên cộng đồng hỗ trợ tư vấn tại các cơ sở điều trị… Một số bệnh nhân khác do kinh tế khó khăn không đủ nguồn tài chính mua BHYT theo hộ gia đình. Một số người do thiếu giấy tờ tùy thân hoặc thông tin trên các giấy tờ có sự khác biệt, có tiền cũng không đủ điều kiện tham gia BHYT…

Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa 20% tiền chữa bệnh. Nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế của BHYT như: Khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội...

Theo chia sẻ của một thành viên nhiễm HIV sinh hoạt ở CLB Hoa Hướng Dương (Hà Nội), với việc sử dụng BHYT, hiện nay người nhiễm HIV rất ngần ngại tiếp cận các dịch vụ thông qua BHYT vì phần lớn họ sợ lộ danh tính. Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực nhưng sự kỳ thị với bệnh nhân HIV vẫn còn quá lớn. Cơ sở y tế có thể khéo léo từ chối bệnh nhân HIV đến điều trị hoặc chưa sẵn sàng tiếp nhận. Ngay cả các cơ sở y tế đã kỳ thị rồi chứ chưa nói đến cộng đồng, nơi làm việc của họ…

Theo báo cáo của chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về AIDS (UNAIDS), điều trị ARV (thuốc kháng HIV, làm giảm sự phát triển của virus HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS) sớm cho người nhiễm HIV/AIDS giúp giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm nguy cơ lây nhiễm và phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động. Hiện, 95% lượng ARV được phát miễn phí cho người bệnh là do các tổ chức quốc tế tài trợ. Tuy nhiên, nguồn viện trợ này sẽ cắt dần vào cuối năm 2017 và ngừng hẳn vào năm 2018. Để nối tiếp, hiện thuốc ARV đã nằm trong danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả.

Tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận BHYT

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Đến thời điểm này, nhiều tỉnh đã cân đối ngân sách của địa phương để mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Đồng thời, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn, dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực.

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Toàn, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), để duy trì độ bao phủ BHYT của bệnh nhân đang điều trị ARV khi nguồn thuốc quốc tế tài trợ bị cắt giảm vẫn là một thách thức lớn. “Khi cắt giảm nguồn cung cấp thuốc điều trị miễn phí, mà bệnh nhân chưa tiếp cận BHYT, nguy cơ xuất hiện tình trạng ngừng điều trị, ngừng sử dụng thuốc. Như vậy, không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng lớn đến cả cộng đồng. Chúng tôi cũng mong muốn các tổ chức, cá nhân sẽ cùng vận động chính sách để ngân sách Nhà nước mua BHYT cho những người nhiễm HIV”, ông Toàn cho biết.

Ông Toàn cũng cho rằng, thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện để 100% người nhiễm HIV khám chữa bệnh bằng BHYT. Đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông về lợi ích và sự cần thiết của BHYT cho người nhiễm HIV, để người bệnh chủ động tiếp cận với BHYT; giảm kỳ thị với bệnh nhân từ phía cơ sở y tế, bác sỹ, nhân viên y tế cần thân thiện hơn với bệnh nhân nhiễm HIV. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định “mở” giúp người nhiễm HIV/AIDS dễ dàng mua thẻ BHYT.

Theo ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, để bảo đảm tính bền vững trong phòng chống HIV/AIDS, cần sử dụng nguồn từ BHYT để thanh toán chi phí chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc điều trị kháng virus ARV. Việc chi trả tiền thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT thực hiện từ tháng 7/2017.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.