Công Phượng bị theo sát trong trận đấu với U23 Indonesia |
45 phút đầu tiên trong trận gặp Indonesia, U23 Việt Nam cầm được nhiều bóng nhưng tấn công quá đơn giản. Các học trò của HLV Miura thường dồn bóng ra hai biên rồi tạt vào hoặc đột phá nhằm phá vỡ hệ thống phòng ngự của đội khách. Tuy vậy, sự thiếu chính xác ở những tình huống cuối cùng khiến U23 Việt Nam gần như không có được cơ hội nào thực sự.
Phải đến khi Công Phượng vào sân ở đầu hiệp 2, thế công của U23 Việt Nam mới trở nên sáng sủa hơn. Không khó để nhận ra Công Phượng đã làm tốt nhiệm vụ của một ngòi nổ với nhiều pha chuyền bóng chính xác cho đồng đội ở phía trên. Nếu xử lý chỉn chu hơn, Huy Toàn hay Thanh Bình đã có thể có được cơ hội rõ rệt để chuyển hóa thành bàn thắng. Dù không ghi bàn, cũng không kiến tạo nhưng rõ ràng tầm ảnh hưởng của tiền đạo thuộc biên chế HAGL lên lối chơi của U23 Việt Nam là rất lớn.
Tương tự là trận đấu với Hà Nội T&T, hiệp 1, có nhiều thời điểm U23 Việt Nam để đội chủ nhà lấn lướt. Chỉ tới khi Công Phượng được tung vào sân, người hâm mộ mới cảm nhận được sự sắc sảo trong mỗi đường lên bóng.
Từ hai trận đấu trên, câu hỏi đặt ra là phải chăng U23 Việt Nam đang phụ thuộc vào Công Phượng? Vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này bởi U23 Việt Nam đang trong quá trình thử nghiệm. Những vị trí trên sân bị xáo trộn khiến sự ăn ý giữa các cầu thủ bị suy giảm. Hơn nữa, việc vào sân trong 45 phút cuối giúp thể lực của Công Phượng tốt hơn các đồng đội. Với kỹ thuật cơ bản tốt, cộng với thể lực dồi dào, Phượng chơi nổi bật là chuyện dễ hiểu.
HLV Miura là một nhà cầm quân rất kỵ việc quá phụ thuộc vào một cá nhân. Thay vào đó, ông luôn đề cao tính tập thể nên chắc chắn không có chuyện ông xây dựng lối chơi quanh một cầu thủ nhất định. Vấn đề hiện tại là nhà cầm quân này cần thêm thời gian để tạo ra ĐT U23 Việt Nam có kết cấu vững chắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận