Theo hãng tin Reuters, đánh giá trên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xuất phát từ việc Tổng thống Ukraine Zelenksy một lần nữa lên tiếng hối thúc phương Tây cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công các mục tiêu của Nga trong cuộc họp với các đồng minh của Ukraine tại căn cứ không quân Mỹ ở R.amstein, Đức.
Cũng tại cuộc họp này, ông Zelensky đã lặp lại yêu cầu các quốc gia phương Tây cung cấp thêm tên lửa tầm xa đồng thời dỡ bỏ giới hạn sử dụng chúng để tấn công vào các mục tiêu như các sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi cần các loại vũ khí tầm xa không chỉ để tấn công vào các mục tiêu mà Nga chiếm đóng tại Ukraine mà còn cả những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga để buộc Moscow phải tìm kiếm giải pháp hòa bình", ông Zelensky tuyên bố.
Đáp lại, ông Austin cho biết Washington và các đồng minh sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cho Kiev trong cuộc chiến với Nga và công bố khoản viện trợ an ninh trị giá 250 triệu USD của Mỹ dành cho Ukraine.
Tuy nhiên, ông chủ Lầu Năm Góc đã bác bỏ nhận định rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga có thể là yếu tố thay đổi cục diện trên chiến trường.
Theo ông Austin, Nga đã sẵn sàng triển khai các máy bay chiến đấu có khả năng thả bom lượn vào Ukraine từ ngoài khoảng cách tấn công của các tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACM.
"Sẽ không có loại vũ khí nào có thể mang tính quyết định trong chiến dịch này", ông Austin chia sẻ với các phóng viên sau cuộc họp.
Bộ trưởng Austin cho rằng tự thân Ukraine cũng có đủ vũ khí như các loại máy bay không người lái có thể tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga với tầm sát thương vượt xa so với tên lửa ATACM và tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp.
"Có rất nhiều mục tiêu ở Nga bởi đây là một đất nước rộng lớn và có rất nhiều loại vũ khí của Ukraine bao gồm các loại máy bay không người lái có thể tấn công các mục tiêu đó", ông Austin nói thêm.
Ngoài Mỹ, Đức đã cam kết cung cấp thêm 12 pháo tự hành cho Ukraine, trong khi đó, Canada cho biết sẽ chuyển cho Ukraine khoảng 81.000 rocket không đối đất loại nhỏ cùng 1.300 đầu đạn trong những tháng tới.
Cuộc họp tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein, Đức có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới được cho là có ảnh hưởng then chốt đến tình hình chiến sự Ukraine.
Trong khi ứng viên của đảng Dân chủ Phó Tổng thống Kamala Harris cam kết tiếp tục sát cánh cùng Ukraine thì cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng hòa lại khẳng định sẽ giải quyết được cuộc chiến Ukraine ngay sau khi ông lên nắm quyền nhờ các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Trump cùng rất nhiều người ủng hộ ông đã lên tiếng hoài nghi về hiệu quả của số tiền lên đến hàng chục tỷ USD mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đổ vào cuộc chiến tại Ukraine.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận