Sơ đồ hoạt động của hệ thống nhận dạng tự động (AIS). |
Vấn đề an toàn sinh mạng con người trên biển luôn là mối quan tâm của mỗi quốc gia cũng như cộng động quốc tế. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia và thực hiện các công ước quốc tế về đảm bảo an toàn, tìm kiếm cứu nạn trên biển, đồng thời nỗ lực nâng cao năng lực, khả năng phối kết hợp, ứng cứu kịp thời khi có sự cố nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản...
Hiện nay, sự phát triển khoa học công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc hỗ trợ tối đa cho cuộc sống con người nói chung và cho đối tượng hoạt động trên biển nói riêng. Khoa học công nghệ phát triển đã đóng góp một phần đáng kể và không thể thiếu trong công tác tìm kiếm cứu nạn cũng như phòng chống thiên tai trên biển. Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ đã được đưa vào hỗ trợ công tác giám sát vị trí, hành trình tàu để cung cấp thông tin hỗ trợ hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Để giám sát vị trí, hành trình tàu có thể sử dụng hai hệ thống là hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa.
Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) là một hệ thống an toàn hàng hải nhằm nâng cao hiệu quả điều động tránh và năng lực quản lý tàu biển. Các tàu hay các đối tượng hàng hải liên quan được lắp đặt hệ thống AIS sẽ liên tục phát có chu kỳ trên sóng VHF các thông tin về tàu mình các thông tin an toàn hàng hải, trao đổi thông tin với các tàu khác hay với các đài bờ trang bị AIS. Việc nghiên cứu và cho ra đời hệ thống phục vụ công tác quản lý, giám sát tàu biển sử dụng AIS là một nhu cầu cấp thiết.
Trước nhu cầu khách quan, Công ty VISHIPEL đã thiết lập được 36 trạm bờ AIS ven biển từ Móng Cái tới Kiên Giang phủ sóng gần như toàn khu vực cận bờ dọc bờ biển Việt Nam, cho phép giám sát tàu thuyền sử dụng AIS trong khu vực vùng nước cảng biển, luồng hàng hải. Với giao diện trang web thân thiện, thao tác sử dụng đơn giản, dễ hiểu bằng ngôn ngữ tiếng Việt, các cơ quan, đơn vị tìm kiếm cứu nạn có thể sử dụng dịch vụ quản lý tàu cận bờ để biết được các thông tin về vị trí (kinh độ, vĩ độ), vận tốc, hướng… cũng như xem lại toàn bộ hành trình của tàu trong một khoảng thời gian nhất định với độ chính xác cao, phục vụ tốt nhất cho công tác xử lý các sự kiện an toàn, an ninh và TKCN trên biển.
Từ các tính năng nổi bật như trên, hệ thống AIS đã và đang góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Dịch vụ này hỗ trợ tối đa cho các cơ quan, đơn vị tìm kiếm cứu nạn cũng như các tàu thuyền khi xảy ra các sự kiện an toàn, an ninh, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Trong năm 2014, hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa (LRIT) chính thức được đưa vào vận hành khai thác tại Việt Nam. Hệ thống LRIT sử dụng công nghệ sóng vệ tinh để thu nhận, truyền phát, cung cấp thông tin nhận dạng và theo dõi vị trí tàu thuyền. Hệ thống LRIT hỗ trợ công tác bảo đảm an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển và tìm kiếm cứu nạn hàng hải. Với giao diện trang web thân thiện, người sử dụng có thể giám sát hành trình của tàu thuyền.
Bên cạnh đó, khả năng kết nối với các trung tâm dữ liệu khác trong hệ thống LRIT quốc tế cho phép người sử dụng có thể nhanh chóng tìm được vị trí của các tàu trong khu vực lân cận vị trí tàu bị nạn để hỗ trợ hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn được triển khai nhanh chóng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển. Không bị giới hạn về khoảng cách như hệ thống AIS, hệ thống LRIT cho phép phạm vi giám sát vị trí tàu trong phạm vi toàn cầu trừ hai vùng cực đối với tàu thuyền mang quốc tịch Việt Nam.
Như vậy, việc sử dụng hệ thống AIS và LRIT để giám sát vị trí, hành trình tàu đã và sẽ góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản trên biển, bảo đảm sự an toàn cho các chuyến hành trình trên biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận