Những chia sẻ như thế rôm rả trong nhóm đồng nghiệp của chị Hoa, dù không phải ai cũng có trong tay cây hay chỉ vàng nào. Giá vàng, với họ, là thước đo để quy chiếu giá trị tài sản, từ căn nhà, mảnh đất, khoản tiết kiệm cất giữ bao năm, thậm chí là trang trải chi phí cho cả gia đình…

Giá vàng tăng chóng mặt trong thời gian qua (ảnh minh họa).
Cơn "cuồng phong" giá vàng đặt ra vấn đề: Nhà nước và người dân nên ứng xử thế nào với thị trường vàng, để vừa tận dụng cơ hội, vừa tránh những rủi ro?
Trước hết, phải khẳng định, giá vàng hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong nỗ lực kiềm chế những cơn sóng giá, Nhà nước đã và đang áp dụng các biện pháp hành chính như cấp quota nhập vàng hay tổ chức bán vàng bình ổn.
Sau một năm ban hành quy định, chính sách bán vàng bình ổn đã giúp tạm thời xoa dịu tâm lý hoảng loạn, kéo gần chênh lệch giá trong nước và thế giới trong những thời điểm nhạy cảm.
Song, bên cạnh đó, chính sách này cũng bộc lộ những điểm yếu: Lượng vàng bình ổn như "muối bỏ bể". Người dân xếp hàng dài tại các điểm bán vàng bình ổn từ sáng sớm, song chỉ một số ít may mắn mua được.
Mặt khác, chính sách này cũng tạo kẽ hở trục lợi. Vụ việc lãnh đạo Công ty SJC bị bắt mới đây là một hồi chuông cảnh báo. Các đối tượng này đã lợi dụng quyền kiểm soát quota nhập vàng để thao túng giá, phân phối vàng cho các "đối tác thân hữu" hoặc bán chênh lệch kiếm lời. Hành vi này không chỉ làm méo mó thị trường mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân.
Vụ việc này gợi nhớ chính sách hỗ trợ lãi suất thời khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009 cũng từng bị lợi dụng tương tự: nhiều doanh nghiệp, cá nhân vay vốn ưu đãi để đầu cơ bất động sản, lập công ty "ma" để trục lợi. Hậu quả, vốn rẻ không những không kích thích sản xuất mà còn làm trầm trọng thêm bất bình đẳng kinh tế, khi chỉ một nhóm nhỏ hưởng lợi từ đầu cơ.
Những bài học này cho thấy, các biện pháp can thiệp hành chính, dù xuất phát từ ý tốt, thường khó đạt hiệu quả lâu dài nếu thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ.
Giá vàng có thể lên, có thể xuống, nhưng điều chúng ta kiểm soát được là cách ứng xử với nó. Một thị trường vàng lành mạnh không chỉ là câu chuyện của kim loại quý, mà còn là bài học về sự minh bạch, trách nhiệm và sự hòa nhịp với thế giới.
Có lẽ, đã tới lúc, Nhà nước cần chuyển từ tư duy "kiềm chế" sang "hòa nhịp" với thị trường vàng quốc tế, trên nguyên tắc cơ bản cung - cầu.
Theo đó, để khuyến khích các lực lượng cung cầu tham gia thị trường, không nên ngăn sông, cấm chợ, cho xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, bán sản phẩm, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp tăng nguồn cung, giảm áp lực chênh lệch giá trong nước với thế giới, hạn chế các hành vi trục lợi từ quota.
Tuy nhiên, nhập khẩu tự do cần đi kèm với thuế suất hợp lý và cơ chế kiểm soát dòng tiền để tránh tác động tiêu cực đến tỷ giá hoặc cán cân thanh toán.
Cùng với đó là nghiên cứu, tiến tới đa dạng hóa các phương thức đầu tư vàng, như Ấn Độ cho phép giao dịch vàng vật chất và kỹ thuật số.
Giá vàng còn tiếp tục tăng, hay giảm? Câu hỏi này không một tổ chức, cá nhân nào dám khẳng định "như đinh đóng cột". Và giá trong nước, đương nhiên là không thể đoán, định.
Do vậy, thay vì cố kiểm soát giá, việc cần xem xét là xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện để thị trường tự điều tiết, minh bạch và hội nhập.
"Xương sống" pháp lý cho hoạt động kinh doanh vàng là Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Tuy nhiên, sau hàng chục năm ban hành, nghị định này được cho là không còn phù hợp với thực tiễn và Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi nghị định này. Nhận nhiệm vụ từ khi giá vàng ở mức 50-60 triệu đồng/lượng, song đến nay, khi giá đã tăng gấp đôi, Ngân hàng Nhà nước vẫn "nợ" Chính phủ, nợ thị trường một văn bản hoàn thiện.
Với nhà đầu tư, ứng xử của họ phụ thuộc vào việc Nhà nước cung ứng dịch vụ thông tin: công khai, minh bạch, kịp thời. Họ sẽ tạo ra cung - cầu và chấp nhận rủi ro. Nhà nước có trách nhiệm quản lý thị trường, nhưng chính người dân phải chịu trách nhiệm với đồng vốn của mình.
Một nhà đầu tư thông minh không chạy theo tin đồn, mà phân tích các yếu tố vĩ mô, học cách kiên nhẫn, không để cảm xúc chi phối quyết định…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận