Cà phê vợt của ông Lưu Nhân Thanh ở số 313 Tân Phước, P.6, Q.11 |
Người bình dân Chợ Lớn - Sài Gòn xưa uống cà phê vợt được kho trong cái ấm đất. Chỉ có giới công chức trung lưu bấy giờ mới uống cà phê phin. Nhiều người Sài Gòn xưa xác nhận rằng, chính người Hoa Chợ Lớn là người “phát minh” ra cách pha cà phê vợt và là những người đầu tiên buôn bán cà phê ở mảnh đất này.
Chỉ có giới công chức hay người giàu có miền Nam mới có thời gian ngồi chờ từng giọt cà phê phin rơi tí tách, còn dân lao động, sáng ra làm một tô hủ tíu hay cái bánh mì, vài ngụm cà phê vợt nóng hổi phải rót ra chiếc dĩa cho nguội nhanh rồi còn đi làm.
Tôi đã thấy hình ảnh ấy trong không gian cà phê vợt quán ông Thanh, tồn tại đã hơn nửa thế kỷ ở nơi hội tụ của người Hoa quận 11. Khách quen của ông là những người đi chợ, làm nghề loanh quanh trong xóm, sáng sớm đã ghé quán làm vài ngụm cà phê nóng hổi để còn đi làm. Trước quán là xe hủ tiếu nấu đúng kiểu Hoa, bán 20.000 đồng một tô, thêm một ly bạc sỉu 6.000 đồng là đủ năng lượng cho cả buổi sáng làm việc.
Không còn kiểu uống cà phê dĩa nữa, bây giờ khách uống bằng ly cho văn minh lịch sự, nhưng không gian vẫn nguyên vẹn như xưa, nếp sống không có gì thay đổi, vẫn là chừng đó khách quen. Sáng sớm, ông vẫn nổi lửa bằng bếp củi, đun nồi nước sôi rồi kho cà phê trong chiếc ấm đất màu da lươn. Chiếc ấm này được sản xuất ở làng gốm Bình Dương.
Người Hoa ở đây thật hiền lành. Họ đã chung sống hài hòa với người Việt và vẫn giữ nét riêng của mình. Lạc bước vào đây, bạn như ở một nền văn hóa khác, với âm nhạc Hoa lanh lảnh từ chiếc xe bán đĩa di động hay từ nhà bên cạnh. Trong không gian đó, nhâm nhi một ly cà phê nóng hổi và ngồi ngẫm chuyện thế gian, là tuyệt nhất.
Gọi là quán nhưng thực ra đây cũng là nhà ông Thanh, đến quán như ghé vào một ngôi nhà và được gia chủ tiếp đón hồn hậu, với nụ cười chân tình. Uống ly cà phê có 6.000 đồng, nhưng bạn lại được thêm cả ấm trà nóng hổi và quan trọng là bạn có thể ngồi cả buổi mà chủ quán không hề cảm thấy phiền lòng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận