Quản lý

Ưu tiên tạo việc làm khi phà Vàm Cống ngừng hoạt động

23/05/2018, 06:27

Để giải quyết việc làm cho CBCNV-LĐ của bến phà, Tổng cục Đường bộ VN đã có kế hoạch cụ thể.

4

Phà Vàm Cống sắp ngưng hoạt động - Ảnh: Nam Trần

Ưu tiên giải quyết việc làm cho người lao động

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu sắp được thông xe, điều này đồng nghĩa bến phà Vàm Cống - một trong những bến phà lớn nhất của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngừng hoạt động, chấm dứt sứ mệnh lịch sử gần một thế kỷ. Hàng trăm con người gắn liền với bến phà này sẽ được chuyển về nơi khác...

Phà Vàm Cống nằm bên bờ sông Hậu trên QL80, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và TP Long Xuyên (An Giang). Bến phà được hình thành từ thời Pháp thuộc và hoạt động xuyên suốt từ đó đến nay. Sau gần 1 thế kỷ đưa khách qua dòng sông Hậu, phà Vàm Cống chuẩn bị chấm dứt hoạt động trong vài ngày nữa...

Chiều 21/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) IV cho biết, để giải quyết việc làm cho cán bộ, công nhân viên lao động (CBCNV-LĐ) của bến phà, Tổng cục Đường bộ VN đã có kế hoạch cụ thể. Đối với lao động thuộc bến phà Vàm Cống sẽ được Cụm phà Vàm Cống sắp xếp, bố trí về làm việc tại các bến khác thuộc cụm phà. Những người lao động không tiếp tục làm việc, cụm phà giải quyết thôi việc và chi trả chế độ theo đúng quy định. Cùng đó, sau khi bến phà ngừng hoạt động, Cục QLĐB IV sẽ chủ động làm việc với địa phương để giới thiệu những lao động có nguyện vọng muốn tiếp tục làm việc tại địa phương để họ làm việc tại Công ty MTV Phà An Giang.

"Sau khi cân đối và điều tiết cơ số phà, còn lại có thể điều chuyển cho các đơn vị khác 7 phà bao gồm: 4 phà 200 tấn, 1 phà 100 tấn và 2 phà 60 tấn. Tuy nhiên, việc điều chuyển đến đơn vị nào sẽ do Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN có văn bản chỉ đạo, chúng tôi sẽ thực hiện việc chuyển giao này”.

Ông Nguyễn Văn Thành
Phó cục trưởng Cục QLĐB IV

Cụm phà Vàm Cống hiện có 342 nhân sự. Trong đó, văn phòng cụm phà 30 người, xưởng sửa chữa 11 người, phà Kênh Tắt 38 người, phà Láng Sắt 13 người, phà Đại Ngãi 65 người, phà Đình Khao 60 người và phà Vàm Cống 125 người. Một lãnh đạo phà Vàm Cống cho biết, để bố trí điều chuyển nhân sự hợp lý, đơn vị đã khảo sát nguyện vọng của từng nhân viên. Kết quả cho thấy, 70 người có nguyện vọng được thôi việc, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí và nghỉ để xin làm việc tại Công ty MTV Phà An Giang, 106 người có nguyện vọng được tiếp tục công tác và phân công nhiệm vụ tại các đơn vị trực thuộc.

Cũng theo lãnh đạo phà, với số lượng nhân sự có nguyện vọng được tiếp tục công tác, dự kiến cụm phà sẽ điều chuyển và bố trí tại các bến phà trực thuộc như: Đình Khao (26 người), Đại Ngãi (25 người), Kênh Tắt (15 người), Láng Sắt (16 người). Việc bố trí điều chuyển đảm bảo tính khách quan, công bằng, phù hợp về tình trạng sức khỏe và khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc, hoàn cảnh gia đình”, vị lãnh đạo Cụm phà Vàm Cống cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết: Sau khi thông xe cầu Vàm Cống, bến phà Vàm Cống ngừng hoạt động. Cụm phà Vàm Cống tiếp tục quản lý và khai thác 4 bến phà gồm: Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắt và Láng Sắt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo giao thông tại tất cả 4 bến phà này cần phân bổ lại các phà hiện có phù hợp với nhu cầu khai thác dựa vào các yếu tố như: Sự phù hợp trong vận hành của các loại phà, tăng trưởng về lưu lượng hành khách và phương tiện qua phà trong thời gian sắp tới, khả năng đáp ứng của các bến phà trong công tác đảm bảo giao thông với năng lực hiện có.

Phà sẽ chuyển giao thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, theo kế hoạch sau khi phà Vàm Cống ngưng hoạt động, 4 phà công suất lớn 200 tấn sẽ bàn giao cho Công ty MTV An Giang quản lý khai thác. Đầu tháng 3 vừa qua, UBND TP HCM đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị về việc hoán đổi 3 phà 60 tấn về An Giang và chuyển giao hai phà 200 tấn về hoạt động tại phà Cát Lái và Bình Khánh (TP.HCM). Việc hoán đổi này do sự thoả thuận giữa hai địa phương TP.HCM và tỉnh An Giang.

Liên quan đến vấn đề hoán đổi trên, cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh An Giang có công văn gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND TP.HCM về việc hoán đổi các phà tại bến phà Vàm Cống sau khi ngưng hoạt động. Theo UBND tỉnh An Giang, do là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với hai con sông chính là sông Tiền và sông Hậu, cùng với hệ thống giao thông thủy chằng chịt nên nhu cầu vận tải rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa an toàn, hiệu quả và rút ngắn thời gian cũng như hạn chế việc ùn ứ vào giờ cao điểm tại các bến phà, An Giang đề nghị Bộ GTVT bàn giao 4 phà 200 tấn để tỉnh quản lý và khai thác. Đồng thời, không tiếp nhận 3 phà 60 tấn theo đề nghị của UBND TP.HCM do các bến phà An Giang đã đủ các loại phà này, không có nhu cầu bổ sung.

Trước đó, ngày 1/3, UBND TP.HCM đã có công văn gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính và tỉnh An Giang đề nghị chuyển hai phà 200 tấn cho TP.HCM. Bù lại TP sẽ chuyển cho An Giang 3 chiếc phà có tải trọng 60 tấn để khai thác. UBND TP HCM cho biết nhu cầu đi lại của hành khách tại bến phà Cát Lái và Bình Khánh những năm qua không ngừng gia tăng. Năm 2017, tại bến phà Cát Lái số lượt hành khách tăng 3%, trong khi ôtô các loại tăng tới 17% so với năm 2016. Tại bến phà Bình Khánh, con số tương tự là 5,5% và 18%. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.