Theo quy định, việc nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng là dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải, nạo vét duy tu đường thủy nội địa là dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác.
Đáng chú ý, Nghị định mới ưu tiên việc sử dụng các nguồn vốn xã hội hoá cho các dự án nạo vét luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia và luồng đường thuỷ nội địa địa phương.
Cụ thể, với tuyến luồng chỉ phục vụ cho một nhà đầu tư cảng, Bộ GTVT xem xét chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác cảng đó chịu trách nhiệm nạo vét duy tu hằng năm, đảm bảo chuẩn tắc, thông số kỹ thuật luồng được cơ quan có thẩm quyền công bố
Trường hợp, tổ chức, doanh nghiệp không đảm bảo đủ nguồn lực bố trí để nạo vét duy tu hoặc không tiếp tục nạo vét duy tu, báo cáo Bộ GTVT xem xét cân đối nguồn vốn Ngân sách nhà nước để nạo vét duy tu tuyến luồng.
Với các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tự thực hiện nạo vét luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia (bao gồm cả nạo vét cơ bản, nạo vét duy tu và nạo vét khẩn cấp) bằng kinh phí của tổ chức, doanh nghiệp (không kết hợp thu hồi sản phẩm) có thể gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến một văn bản đề xuất đến Bộ GTVT.
Căn cứ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để nạo vét luồng, Bộ GTVT xem xét hồ sơ và có văn bản chấp thuận trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của tổ chức, doanh nghiệp.
Trường hợp không chấp thuận, Bộ GTVT có văn bản trả lời tổ chức, doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Sau khi hoàn thành công tác nạo vét, tổ chức, doanh nghiệp tiến hành nghiệm thu hoàn thành công trình và bàn giao cho Bộ GTVT để tổ chức quản lý, sử dụng.
Tương tự, với việc nạo vét đường thuỷ nội địa địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tự thực hiện nạo vét đường thủy nội địa địa phương (bao gồm cả nạo vét cơ bản, nạo vét duy tu và nạo vét khẩn cấp) bằng kinh phí của tổ chức, doanh nghiệp (không kết hợp thu hồi sản phẩm), gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến văn bản đề xuất đến UBND cấp tỉnh.
Căn cứ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để nạo vét tuyến luồng, UBND cấp tỉnh xem xét hồ sơ và có văn bản chấp thuận trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của tổ chức, doanh nghiệp.
Trường hợp không chấp thuận, UBND cấp tỉnh có văn bản trả lời tổ chức, doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Sau khi hoàn thành nạo vét, tổ chức, doanh nghiệp tiến hành nghiệm thu hoàn thành công trình và bàn giao cho UBND cấp tỉnh để tổ chức quản lý, sử dụng.
Với tuyến luồng chỉ phục vụ cho một nhà đầu tư cảng, UBND cấp tỉnh xem xét chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác cảng đó chịu trách nhiệm nạo vét duy tu hằng năm, đảm bảo chuẩn tắc, thông số kỹ thuật luồng được cơ quan có thẩm quyền công bố.
Trường hợp, tổ chức, doanh nghiệp không đảm bảo đủ nguồn lực bố trí để nạo vét duy tu hoặc không tiếp tục nạo vét duy tu, báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để nạo vét duy tu tuyến luồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận