Hiện nay, thực trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở nhiều cơ sở y tế từ tuyến trung ương đến cơ sở do công tác đấu thầu gặp vướng mắc. Tại TP.HCM, nhiều loại vaccine phòng bệnh hiện đang khan hiếm, “hết hàng” tại một số đơn vị y tế dự phòng lớn.
Thậm chí, nhiều nơi không còn các vaccine “cấp bách” như vaccine dại, vaccine uốn ván, vaccine thương hàn, vaccine cúm mùa… khiến người bệnh hoang mang, chạy vạy nhiều nơi.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em (ảnh minh họa)
Nguyên nhân thiếu hụt vaccine ở một số cơ sở y tế thuộc loại vaccine dịch vụ, không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước là do dịch vụ tiêm chủng của các đơn vị y tế công lập không phải là nhiệm vụ chính và được mua theo cơ chế đấu thầu hàng năm, vì thế có thể chưa kịp thời đấu thầu như thường lệ.
Theo BS. Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, đơn vị này luôn đặt mua số lượng lớn vaccine trước nhiều năm nên có thể cung ứng đầy đủ vaccine cho trẻ em và người lớn với giá bình ổn, đặc biệt với các loại vaccine "cấp bách" dù nhiều nơi đang thiếu hụt vaccine.
“Riêng đối với vaccine cúm mùa, do virus cúm thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ hàng năm, nên các nhà sản xuất luôn nghiên cứu, cập nhật công dụng vaccine có thể chống lại chủng virus cúm trong mùa sắp tới, chính vì vậy luôn có giai đoạn giao thoa “thiếu tạm thời” giữa mùa cũ và mùa mới của từng loại vaccine. Tuy nhiên, tại VNVC luôn có nhiều loại vaccine cúm có hiệu quả tương đương để người dân lựa chọn sử dụng ngay hoặc dời lịch để chờ được tiêm vaccine cúm mùa mới nhất của loại vaccine đó”, bà Chính cho hay.
Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế như hiện nay, một lãnh đạo bệnh viện chia sẻ, tình trạng thiếu thuốc một phần vì các đơn vị làm nhiệm vụ mua sắm triển khai chậm. Để làm gói thầu phải mất 4 - 5 tháng mới mua được, bắt đầu từ kế hoạch mua sắm, nhà thầu vào chào thầu, lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp trúng thầu, sau đó xong thầu lại là câu chuyện nhà thầu có hàng để cung cấp kịp thời hay không, vì ở đâu cũng thiếu.
Ngoài ra, do quy trình làm thầu chậm, số liệu thống kê chưa đủ, mô hình bệnh tật biến động nhanh, vượt qua kế hoạch dự kiến dẫn đến việc thiếu thuốc. Trước đây, có thể vẫn xảy ra tình trạng thiếu, nhưng được áp dụng mọi giải pháp linh động như vay mượn các cơ sở y tế khác, rồi làm thủ tục thầu sau. Nhưng hiện nay không đơn vị nào “dám” vay nữa, vì sai với quy định thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận