Thế giới

Vaccine phòng Covid-19 của Nga có cần thông qua WHO?

17/08/2020, 06:55

Sau khi nghe Nga công bố đã có vaccine phòng Covid-19, dư luận thế giới lại chia rẽ sâu sắc, trong đó một bộ phận hoài nghi.

img
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, vaccine Sputnik-V phòng Covid-19 là an toàn, thậm chí một trong những cô con gái lớn của ông đã tham gia tiêm thử

Mối quan tâm lớn nhất của thế giới lúc này có lẽ không gì khác ngoài hai từ “vaccine”. Thế nhưng, sau khi nghe Nga công bố đã có vaccine phòng Covid-19, dư luận thế giới lại chia rẽ sâu sắc, trong đó một bộ phận hoài nghi. Vậy, làm thế nào để biết một vaccine là an toàn, hiệu quả đủ để ứng dụng trên diện rộng? Vai trò của Tổ chức Y tế thế giới ra sao trong vấn đề này?

Làm thế nào để biết thuốc tiêm an toàn?

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế Nga, vaccine phòng Covid-19 do Trung tâm Nghiên cứu Vi trùng học Gamaleya tại Moscow (Nga) sản xuất, có tên chính thức là Gam-Covid-Vac (hay còn được gọi tắt là Sputnik-V), đang được sản xuất theo lô đầu tiên từ ngày 15/8, dự kiến đưa ra vào cuối tháng này.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, trên thế giới có 100 vaccine đang ở giai đoạn phát triển, nhiều loại cho kết quả tích cực. Nhưng hiện tại có 6 vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ III - tức lâm sàng trên người và chưa có loại nào hoàn hảo.

Các loại vaccine mới thông thường phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm trước khi được sử dụng rộng rãi. Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên sẽ có sự tham gia của một nhóm nhỏ người tình nguyện, nhằm quyết định liều lượng an toàn. Giai đoạn thứ II đòi hỏi số lượng nhiều người tình nguyện tham gia hơn vì lần này các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào trả lời câu hỏi liệu vaccine có kích thích phản ứng miễn dịch hay không, đồng thời tìm hiểu cặn kẽ mọi tác dụng phụ của thuốc tiêm.

Sau đó, giai đoạn III sẽ diễn ra trên quy mô lớn, để tìm hiểu liệu vaccine có thực sự bảo vệ người được tiêm trước nguy cơ lây nhiễm. Bởi một loại thuốc phòng dịch dẫu có thể kích thích phản ứng miễn dịch trong giai đoạn II nhưng vẫn có thể không đủ để xây dựng hệ thống miễn dịch thực thụ trong giai đoạn III.

Đối chiếu tương ứng với thuốc Sputnik-V đã được Nga phê chuẩn, trang tin về khoa học Newscientist dẫn thông tin từ một trang web về vaccine cho biết, các nhà nghiên cứu Nga đã đăng ký thử nghiệm giai đoạn I-II và đều đã thành công vào đầu tháng 8. Họ khẳng định, vaccine không có tác dụng phụ và đã kích thích phản ứng miễn dịch mong muốn nhưng lại chưa công bố chi tiết kết quả.

Giới chức địa phương khẳng định, giai đoạn III bắt đầu được thực hiện tại rất nhiều quốc gia bao gồm: Brasil, Mexico, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Để triệt tiêu mọi nghi ngờ và tăng độ tin cậy cho vaccine Sputnik-V, Nga dự định công bố mọi thông tin từ thử nghiệm tiền lâm sàng đến lâm sàng, liên quan tới thuốc tiêm mới trong vài ngày tiếp theo, rất có thể là trong ngày hôm nay (17/8).

Nga có cần được WHO thông qua?

Câu hỏi đặt ra, vậy khi Nga sản xuất xong vaccine, họ có cần phải thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rồi mới được đưa vào ứng dụng hay không? Câu trả lời là... không!

Vaccine chỉ cần được cơ quan chức năng, chính phủ quốc gia khẳng định là thành công và an toàn trên con người. Như ở Nga, thuốc Spunik-V đã được Bộ Y tế Nga phê duyệt và đăng ký sau đó, đã được đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định là an toàn để sản xuất.

Tổ chức WHO không có quyền hạn để cấp phép về thuốc hay vaccine. Vai trò của họ chủ yếu là hối thúc toàn cầu hợp tác phát triển để chống lại virus; Trao đổi và đánh giá kết quả nghiên cứu vaccine; Định nghĩa những yếu tố nên có của một vaccine an toàn và hiệu quả để định hướng và tập trung nghiên cứu theo định hướng nhu cầu và sức khoẻ của cộng đồng; Hợp tác trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới để đưa ra kết quả cuối cùng là những loại vaccine tốt trong thời gian ngắn nhất.

Tuy vậy, khi các nhà sản xuất muốn đưa sản phẩm của họ ra sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, WHO thường đưa vào danh sách phê duyệt sơ bộ (tức là công nhận vaccine của công ty đó đủ tốt và hiệu quả, để các cơ quan trong Liên hợp quốc thu mua). Hiện tại, có rất nhiều nước ở mức thu nhập thấp và trung bình dựa vào danh sách này của WHO khi quyết định mua vaccine. Đến thời điểm này, đánh giá về thuốc Sputnik-V của Nga, WHO cho biết: “Đã liên lạc với các nhà khoa học và cơ quan liên quan của Nga, hướng tới đánh giá chi tiết các cuộc thử nghiệm vaccine”.

Đồng thời, WHO cũng nhấn mạnh rằng: “Hoạt động nghiên cứu vaccine cần phải được thực hiện thông qua những quy trình đáng tin cậy, đủ tất cả các bước và đảm bảo mọi loại thuốc phòng dịch đi vào sản xuất phải an toàn và hiệu quả”.

Ông Mikhail Murashko, Bộ trưởng Bộ Y tế Nga cho biết, Sputnik-V mới được sản xuất dựa trên nền tảng đã được dùng để phát triển 6 sản phẩm khác.

Trước đó, ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư quốc gia (RDIF), đưa thêm một số lý giải vì sao Nga lại phát triển vaccine nhanh đến vậy.

Theo đó, virus Corona chủng mới gần giống như virus gây ra triệu chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và virus Ebola nên có thể ứng dụng liệu pháp gen sử dụng vector Adenovirus. Nga đã mất 2 năm để nghiên cứu rất kỹ vaccine cho bệnh MERS và nay chỉ cần cải tiến đôi chút là phù hợp trở thành vaccine phòng Covid-19. Ngoài ra, từ tháng 4/2020, Nga đã thi hành luật không bắt buộc phải thực hiện thử nghiệm vaccine Giai đoạn III rồi mới được thông qua nên theo luật mới, vaccine Covid-19 có thể được phân phối kể cả khi đang tiến hành giai đoạn III.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.